Mỹ sẽ sớm điều động quân đội tới Đông Âu và NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Biden cho biết sẽ sớm điều lượng nhỏ binh sĩ Mỹ tới Đông Âu để tăng cường sự hiện diện của NATO tại đây. Trước đó, Mỹ đã triển khai hàng chục nghìn binh lính ở Tây Âu, song Lầu Năm Góc đang thảo luận về khả năng điều một lượng nhỏ quân tiếp viện tới sườn phía đông của NATO trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang.

Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên vào cuối ngày thứ Sáu (28/1) rằng ông có kế hoạch sớm chuyển quân đội Mỹ tới Đông Âu và các nước thành viên của NATO.

"Tôi sẽ điều quân tới Đông Âu và các nước NATO trong thời gian tới, không quá nhiều", Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong bài phát biểu tại thủ đô Washington ngày 28/1 sau chuyến thăm bang Philadelphia.

Ông đưa ra bình luận sau khi đến Căn cứ Liên hợp Andrews ở Maryland sau một bài phát biểu ở Pittsburgh. Ông cũng nói với các phóng viên rằng không có thông tin cập nhật về tình hình Ukraine trong vài giờ qua.

Lầu Năm Góc ngày 27/1 cho biết 5 căn cứ phát báo động và sẵn sàng triển khai đến châu Âu để đối phó đợt điều quân của Nga. Các căn cứ này bao gồm Fort Bragg, Fort Campbell, Fort Hood, Fort Carson và căn cứ hỗn hợp Lewis-McChord.

Trong cuộc họp báo hồi tuần trước, ông Biden cảnh báo chiến dịch tiến đánh Ukraine sẽ gây ra hậu quả ngược lại với mục tiêu của Nga, đồng thời cho biết Mỹ khi đó sẽ tăng cường hiện diện quân sự ở các nước thành viên NATO như Ba Lan và Romania.

Trong một động thái khác, Nga đã điều khoảng 100.000 binh sĩ với xe tăng và các loại vũ khí khác áp sát biên giới với phía đông bắc của Ukraine, sau khi đưa ra một loạt yêu cầu an ninh. Nga yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine, đồng thời yêu cầu liên minh này ngừng hoạt động triển khai lực lượng ở Trung và Đông Âu. Hiện Nga chưa rút quân khỏi khu vực.

Phái đoàn Nga và Ukraine hội đàm tại Paris, Pháp ngày 26/1 cùng đại diện của nước sở tại và Đức. Sau cuộc hội đàm, hai bên thống nhất duy trì lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng chính phủ đối đầu phe ly khai từ năm 2014. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi kết quả của cuộc hội đàm và ý định tiếp tục đàm phán trong hai tuần tới ở Berlin, Đức.

Hoa Kỳ và các đồng minh NATO đã gửi hỗ trợ an ninh cho Ukraine trong những tuần qua.

Lầu Năm Góc hôm 24/1 thông báo cho biết, 8.500 binh sĩ Mỹ đang trong tình trạng báo động cao độ và sẵn sàng triển khai.

Trước đó vào thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho biết, “Nếu NATO kích hoạt các lực lượng phản ứng thì những binh lính này sẽ sẵn sàng ra trận".

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin phát biểu trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc vào ngày 28/1/2022 ở Arlington, Virginia. (Ảnh Getty Images)

Ông cũng nói với các phóng viên rằng, tổng thống Joe Biden “không có ý định đưa quân vào Ukraine để chiến đấu".

Ông Austin cho biết: “Có một đội ngũ nhỏ các cố vấn cũng như huấn luyện viên của Mỹ và NATO hiện đang ở Ukraine. Hoa Kỳ không trang bị hệ thống vũ khí tấn công, không có bất kỳ lực lượng thường trực nào, cũng chẳng có căn cứ ở Ukraine. Vai trò của chúng tôi chỉ giới hạn ở việc đào tạo, tư vấn và hỗ trợ về chiến thuật, kỹ thuật và quy trình".

Ông Austin cũng cho biết, mọi cuộc tấn công nào của Nga đều sẽ vấp phải sự phản đối từ ​​NATO.

Ông lưu ý: “Vẫn còn thời gian và không gian cho việc ngoại giao. Hoa Kỳ, cùng với các đồng minh và đối tác của mình đã đề xuất cho Nga một con đường thoát khỏi khủng hoảng và hướng tới an ninh cao hơn, và Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục những nỗ lực ngoại giao đó”.



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ sẽ sớm điều động quân đội tới Đông Âu và NATO