Mỹ tăng cường các hành động cứng rắn chống lại Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta cần phải “đảm bảo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không còn có thể dựa vào tài chính của chúng ta thông qua vô số các cách thức mà họ đã tiến hành chiến tranh chống lại chúng ta”, ông Frank Gaffney, Phó Chủ tịch của Uỷ ban Nguy cơ từ Trung Quốc nói.

Mỹ đang tăng cường các nỗ lực chống lại chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là đáp trả các động thái tồi tệ của chính quyền này trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán và trong việc áp đặt Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

Trong vài tháng qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu mạnh mẽ ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm cho việc che giấu sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán. Mỹ cũng ban hành các đạo luật về các mối đe dọa xuất phát từ Bắc Kinh, từ việc trộm cắp tài sản trí tuệ (IP) đến rủi ro bảo mật do “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei gây ra.

Vào cuối tháng 5, Bắc Kinh đã chuyển sang áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Giới quan sát cho rằng luật này sẽ đánh dấu sự kết thúc quyền tự do và quyền tự trị của Hong Kong. Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào ngày 29/5 rằng Washington sẽ bắt đầu quá trình loại bỏ những ưu đãi kinh tế và xử phạt các quan chức Hong Kong liên quan đến việc làm xói mòn quyền tự trị của thành phố này.

“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ sớm tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù” Harry J. Kazianis, một chuyên gia an ninh quốc gia tại Trung tâm quốc gia có trụ sở tại Washington, nói với tờ The Epoch Times (Mỹ).

Giới quan sát đã mô tả bài phát biểu dài 10 phút của Tổng thống Trump [về chính sách của chính quyền Trung Quốc] vào ngày 29/5 là một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong đó, ông Trump chỉ trích chiến dịch “càn quét” của Bắc Kinh để đánh cắp IP của Mỹ, các hành động quân sự hung hăng ở Biển Đông, việc che đậy đại dịch, các ảnh hưởng đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và việc “hoàn toàn tước đoạt” quyền tự trị của Hong Kong.

Frank Gaffney, Phó Chủ tịch của Ủy ban Nguy cơ từ Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng phát biểu của ông Trump là “một tuyên bố công khai rõ ràng nhất từ một vị tổng thống Hoa Kỳ về sự nguy hiểm của ĐCSTQ” mà ông từng nghe từ trước đến nay.

Ông Frank Gaffney cho biết bài phát biểu này là một “bản hùng ca” miêu tả “một cách khúc triết và toàn diện rằng kẻ thù của Hoa Kỳ đang muốn huỷ diệt chúng ta".

Ngày hôm đó, Tổng thống Trump cũng tuyên bố chính thức việc ngừng tài trợ cho WHO, cấm các sinh viên của Trung Quốc liên quan đến quân đội Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ và đánh giá các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Bài phát biểu đánh dấu sự tiếp cận thẳng thắn và trực diện hơn đối với Bắc Kinh của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn đã cứng rắn kể từ khi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ mát Mar-a-Lago năm 2017, June Teufel Dreyer, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami nói.

“Giọt nước làm tràn ly” của Bắc Kinh chính là sự kết hợp của việc che giấu virus corona Vũ Hán gây chết người, việc Bắc Kinh từ bỏ lời hứa trong vấn đề Hong Kong, cũng như cuộc đàn áp tàn ác người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương, ông June Teufel Dreyer viết trong một email.

Một số nhà lập pháp và giới quan sát Mỹ mô tả tình trạng hiện tại của mối quan hệ Mỹ - Trung là “sự trở lại của chiến tranh lạnh”. Nhưng ông Gaffney cho rằng tuyên bố như vậy dễ gây hiểu lầm bởi vì ĐCSTQ đã tiến hành “chiến tranh không giới hạn” trên nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.

Một chiến lược do các quan chức quân đội Trung Quốc thực hiện vào cuối những năm 1990 đó là “chiến tranh không giới hạn” liên quan đến việc sử dụng một loạt các chiến thuật “mới” chuyên dùng cho chiến tranh không chiến đấu trực diện. Các chiến thuật này bao gồm: trộm cắp các bí mật thương mại nước ngoài, thống trị các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng, sử dụng các kênh truyền thông và thông tin để thay đổi nhận thức của công chúng toàn cầu nhằm mang đến lợi ích cho chế độ Trung Quốc.

“Liên Xô có một chương trình nghị sự nhằm hạ gục chúng ta, nhưng tôi không nghĩ họ theo đuổi chương trình này giống như là Trung Quốc đang làm với chúng ta, bao gồm [tấn công] toàn diện mọi mặt một cách dai dẳng, có mục tiêu và đầu tư nhiều nguồn lực”, ông Gaffney nói.

Khoảng cách kinh tế

Tổng thống Trump tuần trước đã chỉ đạo một nhóm làm việc về thị trường tài chính để đề xuất các hành động trong vòng 60 ngày nhằm truy quét các công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ mà không tuân thủ các quy tắc kế toán của Hoa Kỳ.

Chính quyền Trung Quốc đã ngăn chặn các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ kiểm tra các hồ sơ về kiểm toán của những công ty Trung Quốc, nói rằng các hồ sơ này có chứa bí mật nhà nước.

Giới quan sát cho rằng việc thiếu giám sát các công ty Trung Quốc này khiến các nhà đầu tư Mỹ gặp rủi ro, trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty Trung Quốc bị phát hiện liên quan đến các vụ bê bối gian lận. Ví dụ, hãng đồ uống của Trung Quốc Luckin Coffee được niêm yết trên Nasdaq, trong tháng 4/2020 đã báo cáo rằng các nhà quản lý cấp cao đã ngụy tạo hơn 300 triệu USD doanh thu.

Vào tháng 5, chính quyền Tổng thống Trump cũng đã chỉ đạo Ủy ban đầu tư tiết kiệm hưu trí liên bang (FRTIB) - cơ quan độc lập giám sát quỹ hưu trí cho nhân viên liên bang và các thành viên quân sự, tạm dừng kế hoạch đầu tư vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc vốn gây lo ngại về an ninh quốc gia và nhân quyền. Đáp lại chỉ đạo này, FRTIB tuyên bố sẽ trì hoãn các hoạt động đầu tư.

Ông Gaffney nói rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ đã “ngừng bảo lãnh cho ĐCSTQ”.

Chúng ta cần phải “đảm bảo rằng ĐCSTQ không còn có thể dựa vào tài chính của chúng ta thông qua vô số các cách thức mà họ đã tiến hành chiến tranh chống lại chúng ta”, ông nói.

Đại dịch cũng đã thúc đẩy chính quyền Hoa Kỳ đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc, vì cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đã phơi bày những cạm bẫy từ sự phụ thuộc đối với cơ sở sản xuất của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, Reuters đưa tin.

Kazianis nói rằng nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, thì chúng ta sẽ không chỉ thấy được nhiều hành động hơn nữa nhằm tách rời Hoa Kỳ khỏi Trung Quốc, mà [chính quyền Tổng thống Trump] còn mang đến một chiến dịch giáo dục nhằm giải thích cho công chúng Mỹ tại sao việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng của Mỹ là điều cần thiết.

“Điều khó nhất đối với người dân Mỹ là họ nghe thấy tất cả những thách thức này từ Trung Quốc, các mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng đồng thời, chúng ta vẫn mua hàng trăm tỷ USD sản phẩm từ Trung Quốc mỗi năm”, ông Kazianis nói.

Buộc chính quyền Trung Quốc phải đối đối mặt với ‘vấn đề nhân quyền’

Joseph Bosco, cựu trưởng văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chuyên trách về Trung Quốc, cho biết chính quyền Tổng thống Trump cần đặt ra vấn đề nhân quyền để thảo luận với chính quyền Trung Quốc.

Ông đề nghị viện dẫn Đạo luật Magnitsky về Xử phạt các quan chức Trung Quốc liên quan đến vi phạm nhân quyền, bao gồm việc đàn áp các nhóm tôn giáo, dân tộc thiểu số và các nhà bất đồng chính kiến.

Cựu quan chức này cho biết Washington cũng nên phát động chiến dịch thông tin về Trung Quốc và Hong Kong, cụ thể về “vi phạm nhân quyền liên tục và leo thang của Bắc Kinh, hành vi đe dọa và gây hấn của họ đối với các nước láng giềng của Trung Quốc bao gồm Đài Loan, và hành vi vô trách nhiệm của họ khi để đại dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan ra khắp thế giới”.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chấp nhận sự thay đổi trong quan điểm của Hoa Kỳ, ông Kazianis nói.

Bắc Kinh hiểu rằng “chính quyền này, cộng đồng học thuật ở Washington, học giả về Trung Quốc, và bây giờ tôi nghĩ là cả người dân Mỹ, đã thực sự thức tỉnh về việc Trung Quốc đã làm rất nhiều việc biến mình trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ”, ông nói.

Chính quyền Trung Quốc có khả năng là “mối đe dọa lớn nhất mà Washington phải đối mặt kể từ thời Liên Xô cũ”, ông nói thêm.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tăng cường các hành động cứng rắn chống lại Bắc Kinh