Mỹ tăng cường vũ khí trí tuệ nhân tạo để chống lại sự trỗi dậy từ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nếu không theo dõi kỹ lưỡng, sự tiến bộ nhanh chóng của chế độ Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ đưa chế độ này vượt qua Mỹ trong vòng một thập kỷ tới.

Hoa Kỳ phải gia cường các công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo của mình để không bị tụt hậu so với những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một ủy ban an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đã khuyến cáo Quốc hội nước này.

Trong một báo cáo dài 750 trang (pdf) gửi Quốc hội được công bố hôm 1/3, Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo (NSCAI) của Mỹ đã nêu chi tiết về các mối đe dọa từ chế độ Trung Quốc. ĐCSTQ đang ra sức cạnh tranh để soán ngôi Hoa Kỳ và trở thành siêu cường về trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp theo của thế giới.

Ủy ban này cảnh báo, nếu không theo dõi kỹ lưỡng, sự tiến bộ nhanh chóng của chế độ cộng sản Trung Quốc trong lĩnh vực AI sẽ đưa chế độ này vượt qua Mỹ trong vòng một thập kỷ tới. Người đứng đầu NSCAI là cựu Chủ tịch Google - ông Eric Schmidt, cùng với các giám đốc điều hành từ Microsoft, Oracle và Amazon.

Ủy ban này tuyên bố: "[ĐCSTQ] có tổ chức, có nguồn lực và quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ". Họ còn bổ sung rằng, chế độ độc tài này "đang thực hiện một kế hoạch có hệ thống theo chỉ đạo tập trung, nhằm khai thác kiến ​​thức AI từ nước ngoài thông qua gián điệp, tuyển dụng nhân tài, chuyển giao công nghệ và đầu tư".

Báo cáo nêu rõ, việc nước Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật số có thể khiến các hệ thống AI trở thành công cụ thuận tiện cho những kẻ thù như ĐCSTQ nhằm tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng trong chiến tranh trong tương lai, biến mọi công dân hoặc tổ chức trở thành mục tiêu tiềm năng.

Tuyên truyền ác ý được hỗ trợ bởi AI có khả năng gửi một triệu tin nhắn được cá nhân hóa phục vụ cho các hoạt động kỹ thuật số, cảm xúc và vòng kết nối xã hội của mỗi người nhận. Ví dụ của hoạt động này là trường hợp chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh trong cuộc bầu cử Đài Loan vào năm 2020, và các chương trình tự động quấy rối tới tổng giám đốc của đội bóng thuộc Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia. Người này có đăng bài trên Twitter để ủng hộ Hong Kong, gây mất lòng với chế độ Trung Quốc.

Trí tuệ nhân tạo cũng có thể giúp các tổ chức nhà nước thu thập dữ liệu cá nhân của các công dân Mỹ tư nhân, để “mô hình hóa cách tốt nhất để thao túng hành vi hoặc gây hại”. Việc này đẩy nhanh các cuộc tấn công mạng và lập trình các đổi mới công nghệ sinh học mà không liên quan đến các tiêu chuẩn đạo đức sinh học, báo cáo nêu rõ.

Bản báo cáo tuyên bố: “Bộ dữ liệu gen khổng lồ tại những nơi như Tập đoàn BGI (trước đây gọi là Viện Bộ gen Bắc Kinh), cùng với nền tảng thu thập dữ liệu di truyền toàn cầu hiện nay của Trung Quốc và phương pháp tiếp cận AI 'toàn quốc', sẽ khiến chúng trở thành một đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực sinh học".

BGI là một công ty hàng đầu về gen của Trung Quốc có trụ sở tại Thâm Quyến. Công ty này đã xây dựng ngân hàng lưu trữ gen cấp quốc gia đầu tiên của đất nước có tên là China National GeneBank, với sự chấp thuận và tài trợ của chính phủ ĐCSTQ. Đây cũng là nhà cung cấp bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 lớn trên toàn cầu, nhờ đó cho phép BGI có quyền truy cập vào bộ dữ liệu gen di truyền khổng lồ. Với AI, kẻ thù có thể tạo ra một mầm bệnh nhắm vào hồ sơ di truyền hoặc nâng cao sức mạnh thể chất hoặc tinh thần của con người, theo báo cáo của ủy ban.

Ủy ban này khẳng định: "Hoa Kỳ không thể đủ sức tiếp nhận hậu quả khi nhìn lại vào 10 năm sau, và 'ngạc nhiên' trước công nghệ sinh học tương đương với Huawei".

Báo cáo nêu rõ, sự thiếu giám sát và trách nhiệm giải trình của Nga và Trung Quốc cũng tạo ra một sân chơi không thuận lợi trong quân sự khi các hệ thống vũ khí tự động gia tăng. Văn bản này cũng chỉ ra những nỗ lực liên tục của Trung Quốc trong việc xuất khẩu máy bay không người lái vũ trang tự hành sang Trung Đông. Loại máy bay này có thể thực hiện các chức năng “tự điều khiển, gây chết người và tấn công theo mục tiêu".

NSCAI cảnh báo, với các khoản trợ cấp đáng kể của nhà nước, và bằng cách tận dụng các nghiên cứu hiện có của phương Tây và các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để bảo toàn tài sản của mình, chính quyền Bắc Kinh đang nhanh chóng bắt kịp Hoa Kỳ.

Hồi sinh nền công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Hoa Kỳ

Theo báo cáo, mặc dù Hoa Kỳ đã đi trước đến 2 thế hệ trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất chất bán dẫn, nhưng vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ đang bị “bào mòn”.

Nhà sản xuất chip hàng đầu Intel của Hoa Kỳ đang có xu hướng trở thành "đi sau sự phát triển từ 2 thế hệ trở lên vào năm 2022", báo cáo nêu rõ. Trong khi đó, Hoa Kỳ thiếu các nhà máy sản xuất chất bán dẫn trong nước và phụ thuộc vào nhập khẩu từ các quốc gia như Đài Loan, tạo ra những lo ngại về an ninh quốc gia trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Ủy ban khuyến nghị áp dụng biện pháp kiểm soát xuất khẩu có mục tiêu đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn quan trọng.

Các ủy viên cho biết, do mối quan hệ thương mại và học thuật sâu sắc của 2 quốc gia, việc tách rời có chọn lọc thay vì trên diện rộng sẽ hiệu quả hơn trong việc giúp Mỹ bảo vệ các công nghệ quan trọng với khoản chi phí kinh tế tối thiểu cho Hoa Kỳ.

Báo cáo cũng khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ nên tập hợp các đồng minh cùng chí hướng để “xây dựng một liên minh kỹ thuật số đảm bảo tầm nhìn dân chủ cho AI”, và tăng cường sàng lọc thị thực để “đề phòng sự xâm nhập của các nhà nghiên cứu có mối liên hệ có vấn đề”.

NSCAI cũng kêu gọi bắt buộc tiết lộ đối với bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài hoặc nước ngoài cho những người nộp đơn xin tài trợ liên bang, để "ngăn chặn những kẻ xấu" tham gia các chương trình tuyển dụng có vấn đề của Trung Quốc. ĐCSTQ thiết kế ra những chương trình này để chuyển giao các bí mật nghiên cứu từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc.

Các công tố viên Hoa Kỳ đã buộc tội khoảng nửa tá nhà nghiên cứu Trung Quốc vào năm 2020 với tội gian lận thị thực, vì không tiết lộ mối quan hệ của họ với quân đội Trung Quốc.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tăng cường vũ khí trí tuệ nhân tạo để chống lại sự trỗi dậy từ Trung Quốc