Mỹ thử nghiệm thành công cặp tên lửa siêu thanh của Lockheed Martin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 13/7, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ vừa thử nghiệm thành công hai tên lửa siêu thanh do tập đoàn Lockheed Martin Corp sản xuất, trong bối cảnh ngày càng lo ngại rằng Nga và Trung Quốc đã thành công hơn trong việc phát triển vũ khí siêu thanh của riêng họ.

Trước đó, Không quân Mỹ tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công hệ thống tăng cường Vũ khí phản ứng nhanh (ARRW) được phóng từ trên không hôm 12/7 ngoài khơi bờ biển California. Theo tờ Reuters, trong cuộc thử nghiệm ARRW trong ngày 13/7, tên lửa đẩy được mang dưới cánh của một chiếc B-52H và được phóng đi. Ở các cuộc thử nghiệm trước đây, vũ khí thường sẽ không tách rời khỏi máy bay.

“Lần thử nghiệm thành công thứ hai này chứng tỏ khả năng của ARRW trong việc tiếp cận và chịu được tốc độ siêu âm khi vận hành, thu thập dữ liệu quan trọng để sử dụng trong các thử nghiệm bay tiếp theo, đồng thời xác nhận khả năng tách biệt an toàn khỏi máy bay", Lockheed nhấn mạnh trong một tuyên bố, theo Reuters.

Chuẩn tướng Không quân Mỹ Heath Collins, giám đốc điều hành chương trình thuộc Cục Vũ khí, khẳng định: “Chúng tôi hiện đã hoàn thành hàng loạt thử nghiệm thiết bị đẩy và sẵn sàng tiến tới thử nghiệm toàn diện vào cuối năm nay".

Thử nghiệm toàn diện sẽ bao gồm thiết bị đẩy và đầu đạn.

Vũ khí siêu thanh di chuyển ở tầng khí quyển trên với tốc độ nhanh gấp 5 lần âm thanh, tương đương khoảng 6.200km/h.

Trong một thử nghiệm vũ khí siêu thanh khác, Cơ quan các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) xác nhận họ đã thực hiện thành công vụ thử vũ khí siêu thanh Operational Fires.

Cuộc thử nghiệm này được tiến hành tại bãi thử White Sands Missile Range ở New Mexico.

Các cuộc thử nghiệm thành công đã phản ánh sự tiến bộ sau nhiều nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vẫn có không ít các cuộc thử nghiệm thất bại, đặt ra vấn đề chi phí và quan ngại rằng Washington đang tụt lại trong cuộc đua vũ khí giữa các siêu cường.

Operational Fires là hệ thống phóng từ mặt đất, sau đó tên lửa sẽ “tấn công nhanh chóng và chính xác mục tiêu nhạy cảm về thời gian, sau khi chọc thủng hệ thống phòng thủ hiện đại của đối phương”. DARPA đã yêu cầu và nhận được 45 triệu USD cho chương trình vũ khí này trong năm tài khoá 2022.

Một trong những đề xuất của Lockheed Martin cho vũ khí DARPA là sử dụng bệ phóng Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao M142 (HIMARS), giống như các bệ phóng được gửi đến Ukraine, để phóng vũ khí siêu thanh.

Hệ thống Tên lửa Pháo phản lực Cơ động cao M142 của Mỹ (HIMARS) phóng hỏa lực trong cuộc tập trận ở vùng Grier Labouihi, Marốc, 09/06/2021. (Fadel Senna/AFP/Getty Images)

Những thử nghiệm thành công này diễn ra sau thất bại của cuộc thử nghiệm ngày 29/6, với một loại vũ khí siêu thanh khác mang tên Common Hypersonic Glide Body, được phóng đi từ bãi thử Pacific Missile Range Facility ở Hawaii.

Các nhà thầu quốc phòng hy vọng sẽ tận dụng được việc chuyển đổi sang vũ khí siêu thanh, không chỉ bằng cách tham gia cuộc đua chế tạo, mà cả việc phát triển những cơ chế ứng phó và phát hiện phù hợp mới.

Hiện các nhà sản xuất vũ khí như Lockheed, Northrop Grumman và Raytheon đều đã giới thiệu chương trình vũ khí siêu thanh của họ cho các nhà đầu tư, khi trọng tâm thế giới chuyển sang cuộc chạy đua phát triển thế hệ vũ khí mới.

Mỹ thử vũ khí bội siêu thanh thành công, có thể thay đổi luật chơi

Một phát ngôn viên của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết, một tên lửa bội siêu thanh có tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh đã được phóng thành công ngoài khơi California hôm 14/5, động thái này đã tạo nên lịch sử và thay đổi luật chơi.

Người phụ trách Phi đội bay thử nghiệm số 419, Trung tá Michael nói: “Đội ngũ có tay nghề cao của chúng tôi đã làm nên lịch sử với vũ khí bội siêu thanh phóng từ trên không đầu tiên này… Chúng tôi đang nỗ lực để đưa vũ khí thay đổi cuộc chơi này đến tay các chiến binh một cách sớm nhất”.

Hôm thứ Bảy (21/5) tại Căn cứ Không quân Edwards ở California, một máy bay chiến đấu B-52H (Stratofortress) đã bắn một vũ khí phản ứng nhanh AGM-183A từ trên không, điều hành chương trình là Tướng Heath Collins cho hay đây là một thành tựu lớn của Lực lượng Không quân Mỹ. Ông nói: “Sự bền bỉ và chuyên nghiệp là chìa khóa để vượt qua những thách thức trong năm qua và đạt được thành công trong thời gian gần đây. Chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục phát triển công nghệ siêu thanh”.

Các vũ khí mới sẽ mở rộng khả năng tấn công chính xác, đặc biệt là chống lại các mục tiêu trên đất liền được bảo vệ nghiêm ngặt.

Tờ The Times của Anh chỉ ra, vũ khí bội siêu thanh không thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường, vì độ cao bay của chúng thường thấp hơn tên lửa đạn đạo và tốc độ của chúng có thể đạt hơn 5 lần tốc độ âm thanh với mức khoảng 6.200 km/giờ.

Hiện nay có hai loại vũ khí siêu thanh chính: tên lửa lượn và tên lửa hành trình. Không giống như tên lửa đạn đạo thông thường, vũ khí siêu thanh không bay theo quỹ đạo cong định trước mà sử dụng không khí để di chuyển khi bay, khiến đối phương không rõ mục tiêu là gì, vũ khí này còn có thể mang đầu đạn hạt nhân cũng như đầu đạn thông thường.

Các nước đang chạy đua để phát triển loại vũ khí này, trong đó Trung Quốc, Mỹ và Nga là tiên tiến nhất, ngoài ra còn các nước khác như Anh, Úc, Pháp và Đức.

Nhà nghiên cứu cấp cao Barry Douglas trong lĩnh vực hàng không quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ nói rằng hiện nay, công nghệ đối phó với vũ khí bội siêu thanh vẫn chưa được phát triển, “những vũ khí siêu tốc này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu, vì vậy suy nghĩ về cách đối phó với những vũ khí như vậy ở một mức độ nào đó cũng là vấn đề mới”.

Trong chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, dường như Nga đã triển khai phiên bản mới nhất của tên lửa bội siêu thanh Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và đã bắn trúng một kho nhiên liệu gần Biển Đen và một kho ngầm chứa tên lửa và đạn dược ở miền tây Ukraine. Các nhà phân tích phương Tây chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên tên lửa siêu thanh được sử dụng trong cuộc chiến tranh, tuy nhiên cũng có một số chuyên gia cho rằng đó chỉ là tên lửa đạn đạo tầm ngắn được sửa đổi để phóng từ máy bay.

Vào đầu tháng Tư, Mỹ, Anh và Úc đã ra một tuyên bố chung tuyên bố bắt đầu hợp tác mới về phát triển vũ khí siêu thanh và khả năng phòng thủ của chúng. “Hôm nay, chúng tôi cũng cam kết mở ra hợp tác 3 bên mới trong các lĩnh vực năng lực siêu thanh, chống siêu thanh và tác chiến điện tử, đồng thời sẽ mở rộng chia sẻ thông tin và hợp tác sâu sắc hơn trong đổi mới quốc phòng”, tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ thử nghiệm thành công cặp tên lửa siêu thanh của Lockheed Martin