Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa bội siêu thanh hoàn chỉnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Hai (12/12), Lực lượng Không quân Hoa Kỳ cho biết, họ đã thử thành công một tên lửa bội siêu thanh ngoài khơi bờ biển Nam California vào ngày 9/12.

Theo đó, máy bay ném bom B-52H Stratofortress đã phóng thành công một tên lửa bội siêu thanh, được gọi là Vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A.

Cụ thể, Không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa bội siêu thanh AGM-183 ngoài khơi bờ biển California, loại vũ khí có thể tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh.

Khác với vũ khí siêu thanh (supersonic), vũ khí bội siêu thanh (hypersonic) được dùng để chỉ các loại vũ khí, phương tiện có tốc độ di chuyển vượt tốc độ âm thanh rất nhiều lần. Theo đó, Mach 1 là tốc độ của âm thanh. Tốc độ từ Mach 1 tới Mach 5 được xem là siêu thanh, trong khi trên Mach 5 là bội siêu thanh.

Hoa Kỳ đã thử nghiệm năng lực vũ khí bội siêu thanh của mình trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng, Nga và Trung Quốc sẽ thành công hơn trong việc phát triển vũ khí siêu thanh của riêng mình.

Tên lửa siêu thanh của Lockheed Martin đạt tốc độ gấp 5 lần âm thanh sau khi được phóng từ máy bay. Theo Lực lượng Không quân Mỹ, tên lửa đã bay theo đường bay đã định và phát nổ tại mục tiêu.

"Trong 5 năm, nhóm ARRW đã thiết kế và thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh phóng từ trên không", Chuẩn tướng Jason Bartholomew, Giám đốc điều hành chương trình của Văn phòng Vũ khí, cho biết trong một tuyên bố của Không quân Hoa Kỳ cho.

"Tôi vô cùng tự hào về sự kiên trì và tận tâm mà đội ngũ này đã thể hiện để mang lại khả năng quan trọng cho đơn vị chiến đấu của chúng ta", ông nói.

Cuộc thử nghiệm “Toàn diện” đối với nguyên mẫu đầy đủ của Lực lượng Không quân tương tự như hai cuộc thử nghiệm tăng cường trước đó ở chỗ, chúng được phóng từ một máy bay ném bom bay ngoài khơi bờ biển Nam California.

Đây là thử nghiệm đầu tiên của Không quân Mỹ, được gọi là thử nghiệm "Toàn diện". Khác với hai cuộc thử nghiệm trên không trước đây khi chỉ hệ thống đẩy của tên lửa đạt tốc độ siêu vượt âm, cuộc thử nghiệm mới nhất được tiến hành với một nguyên mẫu đầy đủ có đầu đạn tấn công mục tiêu sau khi đạt tốc độ bội siêu thanh.

Mỹ tụt hậu so với Trung Quốc về phát triển vũ khí siêu thanh

Lầu Năm Góc rất muốn thúc đẩy tiến trình thử nghiệm và phát triển tên lửa siêu thanh, đặc biệt là khi Trung Quốc và Nga đã chứng minh sự tiến bộ trong các dự án của riêng họ.

Nga xác nhận sử dụng tên lửa siêu thanh tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine vào tháng 3, đánh dấu lần đầu tiên Moscow thừa nhận sử dụng loại vũ khí này trong cuộc chiến Nga - Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một báo cáo hoạt động ngày 19/03 rằng, họ đã phá hủy một kho chứa tên lửa và đạn dược hàng không lớn dưới lòng đất ở khu vực Ivano-Frankivsk của Ukraine, sử dụng tên lửa có thể di chuyển với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh.

Năm ngoái, một tên lửa siêu thanh bí mật của Trung Quốc đã bay vòng quanh Trái đất trước khi đâm vào mục tiêu. Để chống lại mối đe dọa này, giới chức Hoa Kỳ đã ủng hộ sự hồi sinh của nghiên cứu quân sự bị đình trệ từ lâu.

Theo một nhà phân tích, Hoa Kỳ đang tụt hậu so với Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí siêu thanh.

Ông Rick Fisher, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn tập trung vào an ninh, cho biết: “Căn cứ vào quy mô và chiều sâu của các khoản đầu tư kỹ thuật của mình, Trung Quốc về cơ bản đã dẫn đầu trong cuộc đua vũ khí siêu thanh”.

“Chúng ta mới chỉ thấy những bước đầu phát triển vũ khí của họ trong lĩnh vực này”, ông nói.

Theo ý kiến ​​của ông Fisher, cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh - và người sử dụng chúng trước - sẽ xác định xem ai là người thống trị trật tự quốc tế trong những thập kỷ tới.

Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW)

AGM-183 hay Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ Máy bay (ARRW), là tên lửa tăng tốc giúp tăng tốc đầu đạn lên tốc độ siêu thanh bằng cách sử dụng tên lửa đẩy. Sau đó, một phương tiện trượt sẽ tách khỏi bộ tăng áp và sử dụng quán tính để di chuyển đến mục tiêu với tốc độ bội siêu thanh.

Tên lửa bội siêu thanh sẽ cho phép Mỹ bảo vệ các mục tiêu cố định, có giá trị cao, nhạy cảm với thời gian đang bị đe dọa trong môi trường đầy thách thức, đặc biệt là trong các tình huống tranh chấp ở căn cứ quân sự của đối thủ cũng như trên các tàu nổi.

Ở thượng tầng khí quyển, tên lửa bội siêu thanh di chuyển với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh, tương đương với 3.853 dặm một giờ. Vì tên lửa này nhanh hơn tên lửa thông thường nên chúng tránh được các hệ thống phát hiện vũ khí tiêu chuẩn của Mỹ.

Chúng cũng cải thiện khả năng của Lực lượng Không quân trong việc thực hiện các cuộc tấn công chính xác bằng cách cho phép tấn công nhanh chóng vào các mục tiêu mặt đất được bảo vệ nghiêm ngặt.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành bởi Cánh thử nghiệm thứ 412 tại Căn cứ Không quân Edwards.

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ thử nghiệm thành công tên lửa bội siêu thanh hoàn chỉnh