Mỹ tiếp tục áp đặt các hạn chế thị thực mới đối với những quan chức vi phạm nhân quyền của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, các hạn chế này tác động trực tiếp đến các quan chức được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc đàn áp các học viên tín ngưỡng, các nhóm dân tộc thiểu số, những người bất đồng chính kiến ​​và những nhóm khác.

Ngày 21/12, Hoa Kỳ đã ban hành các hạn chế bổ sung về thị thực đối với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nghi có hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm cả việc đàn áp quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, các hạn chế này tác động trực tiếp đến các quan chức được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong việc đàn áp các học viên tín ngưỡng, các nhóm dân tộc thiểu số, những người bất đồng chính kiến ​​và những nhóm khác.

Ông Pompeo nói: “Các nhà cầm quyền độc tài của Trung Quốc áp đặt những hạn chế hà khắc đối với quyền tự do ngôn luận, tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hiệp hội, và quyền hội họp ôn hòa của người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ đã làm rõ rằng, những thủ phạm vi phạm nhân quyền như thế này không được hoan nghênh ở đất nước chúng tôi".

Các nhóm tôn giáo và bất đồng chính kiến ​​khác nhau bị chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp, bao gồm các tín đồ Cơ đốc giáo, học viên Pháp Luân Công, các nhà sư ở Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Ông Pompeo khẳng định, Hoa Kỳ “đứng về phía những cá nhân bị đàn áp vì nỗ lực hòa bình để thực hiện quyền của họ”. Ông cũng đã nêu tên một số nạn nhân.

“Các luật sư như ông Xu Zhiyong, mục sư nhà thờ tại gia như ông Wang Yi, các nhà hoạt động xã hội dân sự như ông Huang Qi, các học giả Duy Ngô Nhĩ như ông Ilham Tohti, những người ủng hộ dân chủ như ông Jimmy Lai”, Ngoại trưởng Hoa Kỳ liệt kê.

Đầu năm nay, Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế về thị thực và trừng phạt tài chính đối với các quan chức ĐCSTQ liên quan đến các vụ đàn áp diễn ra ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong. Động thái mà ông Pompeo công bố hôm 21/12 tạo ra những hạn chế bổ sung áp dụng cho tất cả các quan chức ĐCSTQ tham gia vào một số hoạt động đàn áp, bất kể họ ở đâu.

Xem thêm: Tại sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công là thảm họa nhân quyền lớn nhất của Trung Quốc?

Ngoại trưởng Pompeo nói: “Tôi thông báo về việc áp dụng các hạn chế bổ sung theo Mục 212 (a) (3) (C) của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch về việc cấp thị thực cho các quan chức Trung Quốc, những người được cho là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các chính sách hoặc hành động nhằm đàn áp những tín đồ của tôn giáo và tín ngưỡng, thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số, những người bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền, nhà báo, những người tổ chức lao động, những người tổ chức xã hội dân sự và những người biểu tình ôn hòa".

Thành viên gia đình của các quan chức ĐCSTQ tham gia vào các hoạt động như vậy cũng có thể phải chịu các hạn chế bổ sung, ông tuyên bố.

Động thái này xuất hiện sau một thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 3/12, trong đó chính quyền Tổng thống Trump đặt ra các hạn chế trong cơ hội đến Hoa Kỳ đối với các thành viên ĐCSTQ và gia đình của họ, giảm thời gian lưu trú tối đa từ 10 năm xuống còn một tháng. Thay đổi trong chính sách này có tác động đến cả các thành viên ĐCSTQ và gia đình trực hệ của họ, những người có thị thực du lịch B1 / B2, dành cho những người không nhập cư đi du lịch vì mục đích kinh doanh hoặc du lịch.

Hiện nay, có khoảng 92 triệu đảng viên Đảng Cộng sản ở Trung Quốc.

Mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng trở nên mâu thuẫn sâu sắc trong năm qua, khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới tranh cãi về việc Bắc Kinh xử lý vụ bùng phát đại dịch COVID-19, áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hong Kong và thúc đẩy căng thẳng ở Biển Đông.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tiếp tục áp đặt các hạn chế thị thực mới đối với những quan chức vi phạm nhân quyền của ĐCS Trung Quốc