Mỹ tiếp tục trừng phạt 2 sĩ quan quân đội Myanmar, EU lên kế hoạch hành động thêm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ khi quân đội Myanmar phát động cuộc đảo chính vào đầu tháng đến nay, các cuộc biểu tình đòi thả nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi vẫn liên tục mở rộng. Vào ngày 22/2, Mỹ tuyên bố tiếp tục trừng phạt 2 nhà lãnh đạo khác của chính phủ quân sự Myanmar, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục hành động. Ngoài ra, Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn các lệnh trừng phạt, nhằm gây áp lực quốc tế lớn hơn đối với quân đội Myanmar.

Vào ngày 1/2, quân đội Myanmar đã phát động một cuộc đảo chính nhằm vào chính phủ dân bầu với lý do "gian lận bầu cử". Nhà lãnh đạo thực tế Aung San Suu Kyi của đảng cầm quyền đã bị bắt giữ. Liên tiếp trong những ngày gần đây, đông đảo người dân đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn ở Myanmar. Kể từ khi cuộc đảo chính diễn ra, đã có 4 người đã chết trong các cuộc biểu tình, nhưng vẫn có hàng vạn người dân tiếp tục xuống đường biểu tình, bất chấp quân đội uy hiếp.

Trên mạng Internet cũng có rất nhiều những làn sóng ủng hộ dành cho người dân Myanmar. Nhiều người đã đăng tải các bài viết ủng hộ trên mạng xã hội như Twitter, đồng thời sử dụng các nhãn dán như "Help Myanmar".

Nhiều người dân Myanmar đã tham gia cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở thành phố Mandalay vào ngày 22/2/2021. (STR / AFP qua Getty)
Nhiều người dân Myanmar đã tham gia cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở thành phố Mandalay vào ngày 22/2/2021. (STR / AFP qua Getty)

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (Office of Foreign Assets Control) của Hoa Kỳ cho biết, Mỹ đã đóng băng tài sản ở Mỹ của các thành viên của "Ủy ban Lãnh đạo Nhà nước" (State Administration Council) do chính phủ quân sự Myanmar thành lập, Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân Maung Maung Kyaw và Trung tướng Moe Myint Tun, đồng thời cấm 2 người này nhập cảnh, và cấm người dân Mỹ không được tiếp xúc với họ.

Trước đó, Mỹ đã thực hiện trừng phạt đối với các tướng lĩnh cấp cao khác của Myanmar, trong đó có ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm nhà lãnh đạo mới của Myanmar.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng: "Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động thêm nữa đối với những người đã sử dụng bạo lực và đàn áp nguyện vọng của người dân. Chúng tôi sẽ kiên quyết ủng hộ người dân Myanmar”.

Ông Blinken cũng nói trong tuyên bố rằng: “Chúng tôi kêu gọi quân đội và cảnh sát (Myanmar) chấm dứt tất cả các cuộc tấn công đối với những người biểu tình ôn hòa, phóng thích những người đã bị giam giữ bất công ngay lập tức, chấm dứt việc tấn công và đe dọa đối với các nhà báo và nhà hoạt động dân chủ, đồng thời khôi phục chính phủ dân bầu”.

Để gây áp lực quốc tế lớn hơn đối với chính phủ quân sự Myanmar, các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu đã cho biết hôm 22/2 rằng, họ có thể sẽ nhắm vào các công ty thuộc sở hữu của quân đội Myanmar. Ngoài ra, Ngoại trưởng của các nước EU cũng cảnh báo rằng, những ưu đãi trong thương mại của Myanmar có thể sẽ không được đảm bảo.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng: "Chúng tôi không muốn chỉ đứng xem"; đồng thời nói rằng, nếu các thỏa thuận ngoại giao không thành công, chúng tôi có thể sẽ thực hiện các lệnh trừng phạt.

Kể từ sau cuộc đảo chính đến nay, người dân Myanmar đã liên tục phát động phong trào “công dân không phục tùng". Ngoài việc xuống đường biểu tình ở các thành phố lớn trên cả nước liên tiếp trong những ngày vừa qua, một số người dân còn tập trung bên ngoài Lãnh sự quán của Myanmar ở các nước khác, yêu cầu những quốc gia này có lập trường cứng rắn hơn để giúp chống lại các hành vi cướp đoạt chính quyền của quân đội Myanmar. Trước đó, chính phủ quân sự Myanmar đã cảnh báo rằng, chính quyền sẵn sàng sử dụng vũ lực sát thương để trấn áp các cuộc biểu tình.

Mai Hạ

Theo NTDTV tiếng Trung

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tiếp tục trừng phạt 2 sĩ quan quân đội Myanmar, EU lên kế hoạch hành động thêm