Mỹ - Trung - Liên Hiệp Quốc căng thẳng, Mỹ bác bỏ nghị quyết biểu dương WHO của LHQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Kỳ và Trung Quốc lại một lần nữa giao chiến tại Liên Hiệp Quốc (LHQ). Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) yêu cầu tuyên dương Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong một nghị quyết ngừng bắn toàn cầu đã bị phía Hoa Kỳ ngay lập tức phủ quyết.

Vào tháng 3 năm nay, Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres, đã kêu gọi ngừng bắn toàn cầu để chống đại dịch và kêu gọi các bên tham chiến trên toàn thế giới rút lui khỏi chiến sự.

Lệnh ngừng bắn toàn cầu vốn không liên quan gì đến WHO, nhưng ĐCSTQ muốn bổ sung WHO vào nghị quyết này của Liên Hợp Quốc. Chính phủ Bắc Kinh hy vọng đề cập đến tác dụng của WHO trong ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán. Trong khi đó, Hoa Kỳ cho rằng cần sử dụng ngôn ngữ nghiêm khắc hơn với WHO .

Theo AP, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt được thỏa hiệp về nghị quyết của Hội đồng Bảo an này vào ngày 7/5 nhưng đến ngày 8/5, tất cả đã thay đổi và ĐCSTQ vẫn muốn sử dụng theo cách diễn đạt của mình, còn các quan chức Mỹ kiên quyết phản đối.

Fox News đưa tin rằng mặc dù văn bản sau khi sửa đổi không đề cập cụ thể đến WHO, nhưng nó đã thể hiện rõ sự hỗ trợ cho hệ thống của Liên Hợp Quốc, "bao gồm cả các cơ quan y tế chuyên ngành".

Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Fox News: "Chúng tôi đã làm việc với các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong hơn 6 tuần và đề xuất hợp tác mang tính xây dựng để đạt được thỏa thuận về nghị quyết này. Chúng tôi cho rằng mục tiêu nên là hỗ trợ Tổng thư ký kêu gọi ngừng bắn".

Quan chức này nói: "Thật không may, ĐCSTQ đã quyết định sử dụng nghị quyết để tự thuật một cách giả dối về phản ứng đối với sự bùng phát của đại dịch. ĐCSTQ đã nhiều lần ngăn chặn Hội đồng Bảo an dung hòa các kiến nghị".

Để chống lại sự cản trở này, Hoa Kỳ đã phủ quyết nghị quyết. Quan chức này nói: "Chúng tôi cho rằng Hội đồng Bảo an nên thông qua một nghị quyết chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ ngừng bắn, hoặc làm một nghị quyết mở rộng. Trong bối cảnh virus bùng phát, nó đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đưa ra các cam kết về tính minh bạch và trách nhiệm".

ĐCSTQ sử dụng đội quân mạng ‘máy tính ma’ để tạo ra dư luận giả mạo

Lea Gabrielle, Đặc phái viên và Điều phối viên của Trung tâm Phối hợp Toàn cầu (Global Engagement Center) thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc họp qua điện thoại vào ngày 8/5 rằng: Kể từ tháng 3/2020, tài khoản Twitter của Bộ ngoại giao ĐCSTQ bắt đầu tăng vọt từ 30 người mỗi ngày lên 720 người mỗi ngày. Trong số những "người hâm mộ mới" này, nhiều tài khoản mới được tạo gần đây và nhiều tài khoản được sao chép.

Ví dụ, bà đã trích dẫn rằng tài khoản Twitter “@ zlj517” của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), và tài khoản Twitter "@spokespersonchn" của bà Hoa Xuân Ánh” mới tăng thêm 10.000 người hâm mộ. Trong đó có 3.423 người giống nhau, 40% trong số đó là các tài khoản mới được tạo từ ngày 1/3 đến ngày 15/4.

Bà Gabrielle nói: "Đánh giá của chúng tôi là việc triển khai mạng lưới này có thể cho phép ĐCSTQ nhanh chóng khuếch đại, truyền bá thông tin trên toàn cầu, và bóp méo thảo luận (đối với sự kiện) vì lợi ích của ĐCSTQ”.

Theo nghiên cứu của Quỹ Marshall của Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm ngoái khi xảy ra cuộc biểu tình phản đối của Hồng Kông chống Dự luật dẫn độ, xu hướng của Đại sứ quán và các nhà ngoại giao Trung Quốc là đẩy mạnh xây dựng các tài khoản Twitter. Một cuộc khảo sát do Twitter công bố vào tháng 8 năm 2019 nói rằng 200.000 tài khoản ủng hộ ĐCSTQ đã được thiết lập với mục đích là để tạo tiếng ồn cho dư luận về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Bà Gabrielle nhấn mạnh: "Những hành vi này ở nhiều nơi còn gây phản tác dụng. Chúng tôi đã thấy các chính phủ nước ngoài, các học giả và giới truyền thông từng kêu gọi tuyên truyền thông tin giả mạo của ĐCSTQ, đã gia nhập hàng ngũ của Hoa Kỳ yêu cầu sự minh bạch (của Trung Quốc)".

Ngày càng có nhiều quốc gia đề xuất truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ hoặc tránh xa ĐCSTQ

Vào tháng Tư năm nay, chính phủ Úc đã nhắc lại lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc virus Corona Vũ Hán. Họ đã phớt lờ mối đe dọa kinh tế do đại sứ của ĐCSTQ tại Úc nói, rằng người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Úc.

Ông Maurizio Gasparri, cựu Bộ trưởng Bộ Truyền thông Ý, thậm chí còn chỉ trích trực tiếp ĐCSTQ là một căn bệnh ung thư của trái đất. Ông cáo buộc ĐCSTQ che giấu dịch bệnh và sử dụng các biện pháp kinh tế không phù hợp để kiếm lợi nhuận, khiến các quốc gia khác rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Sau khi ĐCSTQ đổ nguồn gốc virus sang Ý, chuyên gia y tế người Ý Giuseppe Remuzzi đã khiển trách nặng nề truyền thông của ĐCSTQ “cắt câu lấy nghĩa, ác ý bẻ cong” bài viết học thuật.

Thụy Điển đã đóng cửa tất cả các Học viện Khổng Tử ở đất nước này. Đồng thời, phần lớn trong hơn 100 thành phố ở Thụy Điển chấm dứt mối quan hệ kết nghĩa với các thành phố của Trung Quốc.

Vào ngày 30/3, tờ Guardian đưa tin Bộ trưởng Văn phòng Nội các Vương quốc Anh, ông Michael Gove gần đây đã tuyên bố rằng khi mới xuất hiện trường hợp mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán đầu tiên ở Trung Quốc, đã không nói rõ “quy mô, tính chất và khả năng lây nhiễm của virus", điều này khiến cho nước Anh không chuẩn bị kịp. Trong một bài viết chuyên mục trên tờ The Mail on Sunday, cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, ông Ian Duncan Smith đã cáo buộc ĐCSTQ "che đậy" sự thật và "trì hoãn" thông báo cho thế giới về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Một số quan chức Anh cũng chỉ ra không thể để ĐCSTQ "lợi dụng dịch bệnh để thu được lợi ích kinh tế". Họ đang chuẩn bị để khi dịch bệnh kết thúc sẽ "tính sổ" về những "thông tin sai sự thật" đó với ĐCSTQ.

Thư ký phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp, bà Amélie de Montchalin, cũng mô tả sự viện trợ của ĐCSTQ và Nga đối với các nước châu Âu là "diễn kịch".

Sau khi ĐCSTQ đe dọa trả đũa các công ty Séc và ép Chủ tịch Thượng viện Séc Jaroslav Kubera (đã qua đời) không được đến thăm Đài Loan, đã dẫn đến sự bất mãn trong chính trị Séc. Chính phủ Séc đã tổ chức một cuộc họp ngoại giao cấp cao vào tháng 3 năm nay. Chủ tịch, thủ tướng, Chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện, bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng cùng những người cấp cao khác đã tham dự cuộc họp. Sau cuộc họp, đã chỉ ra chính quyền Trung Quốc cần tôn trọng chủ quyền đôi bên, lên án hành vi uy hiếp của của họ và nhấn mạnh sự sẵn sàng duy trì hợp tác kinh tế và văn hóa với Đài Loan. Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš và các nhà lãnh đạo đảng đối lập cũng yêu cầu ĐCSTQ thay thế đại sứ Trương Kiến Mẫn (Zhang Jianmin).

Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2019, bao gồm một quy tắc mới cấm sử dụng tài nguyên Lầu Năm Góc cho các trường ngôn ngữ học do Trung Quốc tài trợ. Nói cách khác, những người nhận được tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ không thể nhận được tài trợ của ĐCSTQ cùng một lúc, vì vậy hơn 20 trường đại học Hoa Kỳ đã đóng cửa Học viện Khổng Tử. Các nghị sĩ tại Hoa Kỳ gần đây đã yêu cầu Bộ Giáo dục công bố kết quả điều tra tại Quốc hội, còn có nghị sĩ đã đề xuất cấm người Trung Quốc học các khóa học về khoa học và kỹ thuật tại Hoa Kỳ .

Minh Thanh

Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ - Trung - Liên Hiệp Quốc căng thẳng, Mỹ bác bỏ nghị quyết biểu dương WHO của LHQ