Mỹ trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức bán dầu của Iran cho Trung Quốc và Đông Á

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ vừa trừng phạt một mạng lưới doanh nghiệp quốc tế vì nghi ngờ mạng lưới này vi phạm các lệnh trừng phạt dầu mỏ áp đặt lên Iran.

Trong một thông cáo hôm thứ Tư (06/07), Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt công ty. Những công ty này bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc bán hàng trăm triệu USD dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu của Iran cho Trung Quốc và các nước khác ở Đông Á.

Các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt đã “sử dụng mạng lưới các công ty bình phong có trụ sở tại vùng Vịnh [Ba Tư]” để che giấu nguồn gốc xuất xứ Iran của các sản phẩm dầu, Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với 15 cá nhân và tổ chức “tham gia vào việc mua bán và vận chuyển bất hợp pháp” dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu của Iran.

Các tổ chức này đặt tại Iran, Việt Nam, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Hong Kong. Trong số đó có Công ty Hóa dầu Jam có trụ sở tại Iran; công ty Edgar Commercial Solutions FZE và công ty Ali Almutawa Petroleum and Petrochemical Trading L.L.C. có trụ sở tại UAE; và công ty bình phong Lustro Industry Limited có trụ sở tại Hong Kong.

Trong 2 năm qua, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã mua lượng lớn dầu của Iran bất chấp các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Dầu mỏ là huyết mạch của nền kinh tế Iran và việc Trung Quốc nhập khẩu dầu Iran đã giúp duy trì huyết mạch này.

Mỹ cũng đã áp đặt một vòng trừng phạt trước đó vào giữa tháng 6 năm nay, nhắm vào các nhà sản xuất hóa dầu của Iran, cũng như các công ty bình phong ở Trung Quốc và ở UAE mà hỗ trợ 2 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Hóa dầu Triliance có trụ sở tại Hong Kong và Công ty Thương mại Hóa dầu của Iran.

Mỹ trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức bán dầu của Iran cho Trung Quốc và Đông Á
Quang cảnh một cơ sở khai thác dầu ở đảo Khark (Iran), ngày 12/03/2017. (Ảnh: Atta Kenare / AFP qua Getty Images)

Các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran không có tiến triển

Mỹ đang tăng cường nhắm mục tiêu vào các công ty Trung Quốc có liên quan đến việc xuất khẩu các sản phẩm hóa dầu của Iran trong bối cảnh chưa thể khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015; thỏa thuận này được gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran tại Doha (Qatar) vào tuần trước đã kết thúc mà không có tiến triển.

“Trong khi Mỹ quyết tâm đạt được một thỏa thuận với Iran, qua đó tìm kiếm sự quay trở lại của cả hai bên trong việc tuân thủ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện, chúng tôi [Mỹ] sẽ tiếp tục huy động tất cả các cơ quan chức năng để thực thi các biện pháp trừng phạt đối với việc bán dầu và các sản phẩm hóa dầu của Iran”, ông Brian Nelson - Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính - cho biết trong một tuyên bố ngày 06/07.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Iran đã "thất bại" trong việc thể hiện sự cam kết của họ để cả hai bên có thể xem xét lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Ông nói trong một tuyên bố: “Nếu không có sự thay đổi nào từ Iran, chúng tôi sẽ tiếp tục để các cơ quan chức năng của mình áp đặt trừng phạt đối với việc xuất khẩu dầu, các sản phẩm dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu từ Iran”.

JCPOA yêu cầu Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc. Thỏa thuận được cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy vào năm 2015 nhằm ngăn Iran sử dụng vũ khí hạt nhân, dù chỉ là tạm thời.

Cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 05/2018 đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran. Ông Trump muốn buộc chế độ Hồi giáo cầm quyền của Iran cải cách một loạt hoạt động mà chính phủ của ông cho là không thể chấp nhận được.

Năm 2019, chính quyền Iran tuyên bố công khai rằng họ đã vi phạm các giới hạn làm giàu uranium được đề ra trong thỏa thuận.

Mỹ coi Iran là nhà nước bảo trợ khủng bố. Từ lâu, Mỹ đã chỉ trích Iran về việc tài trợ cho các nhóm khủng bố Hồi giáo như Hamas, Hezbollah và Houthis. Chính quyền Iran đòi Mỹ phải loại bỏ chỉ định "khủng bố" đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo để đổi lấy một thỏa thuận hạt nhân mới, theo tin của The Epoch Times hồi tháng 4/2022.

Xuân Hoa

Theo Mimi Nguyen Ly - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ trừng phạt một loạt cá nhân và tổ chức bán dầu của Iran cho Trung Quốc và Đông Á