Mỹ tuyên bố viện trợ thêm 300 triệu USD cho Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lầu Năm Góc ngày 1/4 thông báo sẽ viện trợ thêm 300 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine về khí tài quân sự trong bối cảnh Nga xâm lược. Gói viện trợ 300 triệu USD sẽ bao gồm nhiều loại thiết bị quân sự hiện đại như máy bay không người lái (drone), hệ thống chống drone, xe bọc thép, thiết bị nhìn ban đêm, hình ảnh vệ tinh, đạn dược cùng nhiều vật tư y tế.

Các quỹ sẽ được cung cấp theo thẩm quyền cho Lầu Năm Góc bởi Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), được thành lập vào năm 2015 để phản ứng với việc Nga sáp nhập Crimea.

Ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby tuyên bố: “Quyết định này nhấn mạnh cam kết kiên định của Hoa Kỳ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nhằm ủng hộ những nỗ lực anh hùng trong việc đẩy lùi cuộc chiến do Nga khởi phát”.

Hôm 12/3, Tổng thống Biden đã chỉ đạo khoản viện trợ trị giá 200 triệu USD chỉ vài ngày sau khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 13,6 tỷ USD cho Ukraine.

Trong biên bản ghi nhớ, đề ngày 12/3 gửi tới Ngoại trưởng Antony Blinken, Tổng thống Mỹ Biden chỉ đạo rằng, 200 triệu USD được phân bổ thông qua Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài sẽ được chỉ định cho quốc phòng Ukraine.

Vào ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục công bố khoản viện trợ 800 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ quân sự Mỹ gửi cho Ukraine lên 1 tỷ USD.

Theo ông Biden, khoản viện trợ nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra tại Ukraine, bao gồm 800 hệ thống phòng không, 9.000 hệ thống chống thiết giáp, 7.000 vũ khí nhỏ và 20 triệu viên đạn dùng để trang bị cho người Ukraine, “bao gồm cả những người phụ nữ và đàn ông dũng cảm đang bảo vệ thành phố của họ với tư cách là dân thường”.

Tổng thống Joe Biden không ngừng viện trợ khí tài quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. (Ảnh Getty Images)

Gói viện trợ sẽ được dùng để mua vũ khí và các vật dụng quốc phòng khác, cũng như các hoạt động liên quan đến huấn luyện quân sự.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã công bố gói viện trợ an ninh 1 tỷ USD cho Ukraine.

Ở các gói viện trợ trước đây được ông Biden công bố, vũ khí sẽ được lấy từ kho dự trữ quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ chuyển giao cho Ukraine, theo New York Times.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, có khả năng trong gói mới nhất bao gồm hệ thống tên lửa dẫn đường bằng laser, hệ thống liên lạc an toàn chiến thuật, máy bay không người lái, xe bọc thép, súng máy, đạn dược, vật tư y tế và các thiết bị khác.

Quân nhân Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới 92 sử dụng xe tăng, pháo tự hành và các phương tiện bọc thép khác để tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật gần thị trấn Chuguev, thuộc vùng Kharkiv, Ukraine, vào ngày 10/2/2022 (Ảnh Getty Images)

Hôm 30/3 Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm thảo luận về việc “bổ sung khả năng” giúp đỡ quân đội Ukraine.

Gói viện trợ mới phần nào đáp ứng được lời kêu gọi của Ukraine về việc cung cấp thêm nhiều vũ khí "tân tiến hơn", chẳng hạn như xe bọc thép, theo CNN.

Dù vậy, Washington vẫn chưa chấp nhận các yêu cầu viện trợ máy bay và xe tăng từ Tổng thống Zelensky.

Ngoài viện trợ quân sự, Hoa Kỳ còn viện trợ nhân đạo cho Ukraine và ban hành các lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Nga và các quan chức Nga cũng như các cá nhân khác có liên hệ với Điện Kremlin.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (P) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy (T) có mặt trong Hội nghị An ninh Munich 2022 vào ngày 19/2/2022 tại Munich, Đức. (Ảnh Getty Images)

Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác đã tuyên bố không lập vùng cấm bay để bảo vệ không phận của Ukraine - mặc dù Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã nhiều lần kêu gọi - nhằm tránh mọi nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột tiềm tàng với Nga, một mối đe dọa hạt nhân.

Tuy nhiên, các đồng minh NATO cho biết họ sẽ can dự nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào bất kỳ thành viên NATO nào.

Những quốc gia nào đang viện trợ vũ khí cho Ukraine?

Phần lớn vũ khí và vật tư từ các quốc gia đồng minh đang được gửi qua đường biên giới dài 310 dặm (khoảng 500 km) của Ukraine với Ba Lan, nơi đã trở thành một huyết mạch quan trọng cho cả nguồn cung cấp và thiết bị cũng như những người tị nạn đang tìm cách chạy trốn khỏi cuộc xung đột.

Một số quốc gia có biên giới đã chọn không cho phép các thiết bị quân sự của Ukraine đi qua lãnh thổ của họ vì lo sợ bị Nga trả đũa. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức về chuỗi cung ứng và vận chuyển, hàng triệu USD vũ khí vẫn tiếp tục đổ vào Ukraine từ hai lục địa.

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine kiểm tra vũ khí mới, bao gồm cả các hệ thống chống tăng NLAW và các súng phóng lựu chống tăng cầm tay khác, ở Kyiv, hôm 09/03/2022. (Ảnh Getty Images)
Vào ngày 26/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ thị Bộ Ngoại giao cung cấp khoản viện trợ trị giá 350 triệu USD, bổ sung trang thiết bị quân sự cho Ukraine. Trong số này có vũ khí chống tăng Javelin, hệ thống phòng không, đạn dược và áo giáp.Chính phủ Canada đã phê duyệt khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 25 triệu USD cho Ukraine vào ngày 27/2.Thủ tướng Olaf Sholz ngày 26/2 thông báo Đức sẽ giao 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho “những người bạn của chúng tôi ở Ukraine”.Để rời bỏ quan điểm trung lập kéo dài hàng thập kỷ, ngày 28/2, chính phủ Thụy Điển đã phê duyệt lô hàng 5.000 vũ khí chống tăng, 135.000 suất ăn dã chiến, 5.000 mũ sắt quân sự và 5.000 áo giáp.
Hàng trăm binh sĩ được trang bị vũ khí dày đặc đi về phía các phương tiện xung quanh một căn cứ quân sự của Ukraine ở Perevar, Ukraine, ngày 2/3/2014. (Nguồn ảnh: Sean Gallup/ Getty Images)

Vào ngày 26/2, một phát ngôn viên của quân đội cho biết Pháp sẽ gửi "thiết bị quân sự phòng thủ" đến Ukraine để hỗ trợ trong nỗ lực kháng chiến chống lại Nga.

Ngày 17/1, Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Ben Wallace, cho biết Vương quốc Anh sẽ cung cấp vũ khí "tự vệ" và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine trong bối cảnh quân đội Nga đang tăng cường gần biên giới.

Đáp ứng yêu cầu trực tiếp từ Kyiv, quốc gia này đã chọn gửi 2.000 khẩu súng máy và 3.800 tấn nhiên liệu cho quân đội Ukraine vào ngày 26/2.

Một binh sĩ Ukraine cầm vũ khí chống tăng. (Ảnh: Getty Images)

Tính đến ngày 26/2, chính phủ Hà Lan cho biết họ đang chuyển giao 50 vũ khí chống tăng Panzerfaust 3 và 400 tên lửa cho Ukraine để giúp đỡ nỗ lực kháng chiến chống lại Nga. Ngoài ra, 200 tên lửa phòng không Stinger đã được hứa hẹn cùng với mũ sắt quân sự, áo khoác và súng bắn tỉa.

Tham gia vào danh sách ngày càng tăng các quốc gia cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, vào ngày 28/2, nội các Ý đã cam kết gửi tên lửa Stinger, súng cối và vũ khí chống tăng Milan hoặc Panzerfaust. Trong số các vật phẩm có trong gói phòng thủ có súng máy hạng nặng Browning, súng máy hạng nhẹ loại MG và hệ thống chống IED.

Ngoài ra còn nhiều quốc gia khác đã và đang gửi viện trợ quân sự và viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong cuộc chiến chưa có hồi kết với Nga.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ tuyên bố viện trợ thêm 300 triệu USD cho Ukraine