Mỹ ưu tiên an ninh quốc gia hơn các thỏa thuận làm ăn 'béo bở' với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 1/5/2023, Mỹ đã đưa ra cảnh báo Trung Quốc với lý do nước này đang ‘quấy rối và đe dọa’ các tàu Philippines ở Biển Đông. Động thái này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố rằng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc sẽ đặt an ninh quốc gia lên trên lợi ích thương mại.

Bà Yellen nhấn mạnh rằng Washington sẽ đưa ra các quyết định để bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh của nước này, ngay cả khi những chính sách như vậy có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ hoan nghênh sự hợp tác và khả năng cạnh tranh của Trung Quốc - điều này sẽ giúp cả hai quốc gia cùng phát triển. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng Hoa Kỳ và thế giới sẽ chỉ được hưởng lợi từ “một Trung Quốc đang phát triển tuân theo các quy tắc quốc tế”. Trái lại, một Trung Quốc theo chủ nghĩa bành trướng và đưa ra các quy tắc của riêng mình thì không mang lại lợi ích cho cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố của bà Yellen nhất quán với thông điệp trong cuộc gặp hồi tháng 2 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bất chấp thực tế là mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang bị xáo trộn, ông Blinken cảnh báo ông Vương Nghị rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nếu gửi vũ khí cho Nga.

Hồi tháng 3, Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tái khẳng định "tình hữu nghị không giới hạn" giữa Bắc Kinh và Moscow. Không rõ liệu những “giới hạn” này có mở rộng sang lĩnh vực vũ khí hay không. Tuy nhiên, có vẻ như Hoa Kỳ đang ngày càng tỏ ra sẵn sàng trong việc thực thi các yêu cầu của mình đối với Trung Quốc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là làm xấu đi quan hệ kinh tế song phương.

Quan hệ Mỹ - Trung đã vấp phải một số trở ngại trong năm nay. Hồi tháng 2, một khinh khí cầu do thám Trung Quốc đã bay qua lục địa Hoa Kỳ. Vụ việc khiến nhiều người tin rằng vật thể này đang thu thập thông tin tình báo về các căn cứ quân sự của nước này. Hậu quả là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đột ngột hủy bỏ chuyến thăm hiếm hoi tới Trung Quốc. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18/2, ông Vương đã chỉ trích phản ứng của Mỹ đối với sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc là 'cuồng loạn và vô lý'.

Ngay sau đó, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với các phóng viên rằng Bắc Kinh muốn “vẹn cả đôi đường”. Ông Tập tuyên bố mong muốn Trung Quốc trở thành nhà kiến tạo hòa bình toàn cầu, đồng thời cam kết hỗ trợ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Khi bà Yellen mở rộng các ưu tiên của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh quốc gia cho các đồng minh của mình, chắc chắn bà đang đề cập đến Đài Loan, một quốc đảo đang phải đối mặt với mối nguy hiểm ngày càng tăng từ ĐCSTQ trong hai thập kỷ qua. Năm 2005, Quốc hội Trung Quốc ban hành Luật Chống ly khai và đặt nền móng cho hành động quân sự nhằm ngăn chặn và dập tắt nỗ lực đòi độc lập của chính quyền Đài Bắc.

Bốn năm trước, nhân kỷ niệm 40 năm Thông điệp gửi đồng bào ở Đài Loan, ông Tập đã phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân rằng: “Chúng tôi không hứa hẹn sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu việc sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đạt mục tiêu thống nhất và ngăn Đài Loan độc lập”. Ông cũng tái khẳng định lập trường này vào tháng 10 năm ngoái trong bài phát biểu khai mạc tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ.

Hồi tháng 2, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng ông đang có kế hoạch tăng gấp 4 lần số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại Đài Loan. Khoảng 200 binh sĩ Hoa Kỳ đang hiện diện ở quốc đảo này với vai trò huấn luyện và cố vấn. Do đó, con số này sẽ không tạo ra sự khác biệt đáng kể nào trong trường hợp hòn đảo bị xâm lược. Nhưng động thái triển khai binh sĩ tới Đài Loan đã phát đi một tín hiệu quan trọng tới ĐCSTQ rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện chính sách đối ngoại của mình khi họ thấy phù hợp, bất kể quan hệ thương mại song phương đang ở mức nào.

Vào tháng 3, ĐCSTQ đã phản ứng gay gắt khi hay tin Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ đến thăm Hoa Kỳ. Không hề nao núng, Hoa Kỳ đã chào đón chuyến thăm của bà Thái. Trong bài phát biểu tại New York vào ngày 30/3, bà Thái khẳng định rằng mối quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Chuyến thăm này mang ý nghĩa vô cùng then chốt vì nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi Honduras bỏ rơi Đài Loan và xoay trục sang ĐCSTQ. Sự ủng hộ không ngừng nghỉ của Hoa Kỳ là yếu tố trọng yếu đối với quốc đảo này trong bối cảnh Đài Loan hiện chỉ được 13 quốc gia chính thức công nhận.

Đáp lại, bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), một phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Bắc Kinh cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ “có biện pháp” đáp trả nếu Tổng thống Thái Anh Văn được phép gặp Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ McCarthy. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cũng đưa ra một tuyên bố nói rằng cuộc gặp giữa ông McCarthy và bà Thái Anh Văn sẽ có nguy cơ dẫn đến một “cuộc đối đầu nghiêm trọng” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuối cùng, cuộc gặp giữa Chủ tịch Hạ viện McCarthy và Tổng thống Thái Anh Văn đã diễn ra vào ngày 6/4. Hai ngày sau (8/4), Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã bao vây Đài Loan trong một cuộc tập trận “Liên Hợp Lợi Kiếm” kéo dài cho đến ngày 10/4.

Mặc dù Hoa Kỳ vẫn duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan nhưng Tổng thống Biden đã ít nhất 4 lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chiến đấu vì Đài Loan. Theo các điều khoản của Đạo luật quan hệ Đài Loan (TRA), Hoa Kỳ không bắt buộc phải tham chiến một khi Đài Loan bị xâm lược, nhưng họ hứa sẽ cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.

Chưa dừng lại ở đó, hồi tháng trước, Tổng thống Biden đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá 619 triệu USD cho Đài Loan. Trong khi đó, Quân đội Hoa Kỳ đang kêu gọi cung cấp thêm vũ khí cho Đài Loan.

Vào ngày 18/4, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đã làm chứng trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện rằng việc trang bị đầy đủ vũ khí cho Đài Loan là yếu tố then chốt để ngăn chặn một cuộc xâm lược của PLA.

Ngoài việc hỗ trợ Đài Loan, Hoa Kỳ cũng đang đứng lên chống lại ĐCSTQ trên nhiều mặt trận khác. Một số tiểu bang và chính phủ liên bang đang tranh luận hoặc đã thực hiện các lệnh cấm đối với ứng dụng truyền thông xã hội TikTok của Trung Quốc với lý do ứng dụng này đe dọa đến an ninh quốc gia. Ngoài ra, ông Biden dự kiến ​​sẽ công bố các hạn chế bổ sung đối với các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc.

Trong khi đó, các đại diện của Hoa Kỳ đã tham dự các Hội nghị thường niên mùa xuân của Ngân hàng Thế giới và bày tỏ lo ngại về chính sách “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trung Quốc đã chi 240 tỷ USD cứu trợ cho 22 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2008 - 2021 khi các quốc gia này gặp khó khăn với việc trả tiền vay để xây dựng hạ tầng thuộc dự án BRI. Ngoài ra, các quốc gia và dự án khác đang trên bờ vực buộc Bắc Kinh phải lựa chọn giữa việc cho vay thêm và chấp nhận thua lỗ.

Nhìn chung, có vẻ như chính sách của Hoa Kỳ đối với ĐCSTQ đang chuyển sang tập trung vào an ninh quốc gia hơn là thương mại. Câu hỏi đặt ra là Nhà Trắng và các công ty Mỹ sẵn sàng đi bao xa, và liệu điều đó có đồng nghĩa với việc đánh mất quyền tiếp cận các thị trường béo bở và ngành sản xuất giá rẻ của Trung Quốc hay không.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ ưu tiên an ninh quốc gia hơn các thỏa thuận làm ăn 'béo bở' với Trung Quốc