Myanmar hợp tác quân sự và năng lượng hạt nhân với Nga giữa các lệnh trừng phạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chế độ quân sự của Myanmar đang thúc đẩy hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và công nghệ quân sự khi mà cả hai quốc gia đều phải chịu các lệnh trừng phạt sâu rộng từ phương Tây.

Thống Tướng Myanmar Min Aung Hlaing đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương với chính phủ Nga trong chuyến công du kéo dài một tuần tới Moscow, đánh dấu chuyến thăm thứ hai của ông tới Nga kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền vào năm ngoái.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết ông Min Aung Hlaing đã đến Nga vào ngày 11/07 và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Theo hãng tin Tass của Nga, cả hai bên đã “bàn lại kế hoạch sử dụng hiệu quả tối đa tiềm năng hiện có để tăng cường hợp tác quân sự và quân sự - kỹ thuật trên tinh thần đối tác chiến lược”.

Thỏa thuận Rosatom

Trong chuyến đi tới Nga, ông Min Aung Hlaing cũng ký thỏa thuận với công ty năng lượng nhà nước Nga Rosatom để hợp tác đào tạo và phát triển kỹ năng trong ngành năng lượng hạt nhân ở Myanmar.

Tập đoàn Rosatom cho biết trong một tuyên bố rằng các biên bản ghi nhớ với Myanmar “tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển hợp tác hơn nữa trong các dự án thiết thực”.

Bộ Thông tin Myanmar cho biết ông Min Aung Hlaing đã gặp ông Alexander Beglov, người đứng đầu chính quyền St.Petersburg, vào ngày 14/07 để thúc đẩy hợp tác nhiều hơn trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế và giáo dục.

Thống Tướng Myanmar cũng đến thăm các trường đại học và cơ sở công nghệ quân sự của Nga, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông có gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.

Mỹ và châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine và chống lại chính phủ Myanmar vì cuộc đảo chính lật đổ chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi vào đầu năm ngoái.

Bất chấp các lệnh trừng phạt chống lại Myanmar, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục cung cấp cho quân đội Myanmar các máy bay chiến đấu. Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ quân sự Myanmar đã sử dụng các máy bay MiG-29 và Yak-130 của Nga cũng như các máy bay F-7 và K-8 của Trung Quốc để nhắm vào dân thường.

Đại sứ Vương quốc Anh bị ‘đuổi’ khỏi Myanmar

Ông Pete Vowles, người đứng đầu Đại sứ quán Anh tại Myanmar, cho biết vào ngày 13/07 rằng ông "buộc phải rời bỏ" Myanmar. Tuy nhiên, ông "vui mừng" vì chính phủ Anh đã không chịu thua áp lực từ phía Myanmar và không hợp pháp hóa cuộc đảo chính tàn bạo của họ.

“Tôi biết những người tuyệt vời, mạnh mẽ và tận tụy này [ý chỉ các nhân viên trong Đại sứ quán Anh tại Myanmar] sẽ tiếp tục đứng lên và làm tất cả những gì có thể cho người dân Myanmar, những người không muốn gì hơn là hòa bình, tự do và công lý”, ông Vowles viết trên Twitter.

Mặc dù được bổ nhiệm làm Đại sứ vào tháng 7 năm ngoái, ông Vowles đã không xuất trình giấy chứng nhận của ông cho Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) do quân đội điều hành, bất chấp phía Myanmar nhiều lần yêu cầu. Để đối phó với tình hình, London đã hạ cấp chức danh của ông Vowles từ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền sang đại biện lâm thời của Đại sứ quán Anh tại Myanmar. Chính quyền Myanmar sau đó đã áp dụng các hạn chế đối với thị thực của ông Vowles.

Ít nhất 1.600 người đã thiệt mạng và hơn 12.500 người bị giam giữ, trong khi 440.000 người khác phải di dời kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền ở Myanmar, theo Liên Hợp Quốc.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet hồi tháng 3 cho biết chính quyền Myanmar đã thể hiện “sự coi thường thô bạo đối với tính mạng con người” bằng cách tiến hành nhiều cuộc không kích vào các khu vực dân cư đông đúc và cố tình nhắm vào dân thường.

Xuân Hoa

Theo Aldgra Fredly - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Myanmar hợp tác quân sự và năng lượng hạt nhân với Nga giữa các lệnh trừng phạt