Na Uy bảo vệ 'huyết mạch năng lượng' dưới đáy biển sau vụ nổ đường ống Nord Stream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 29/11, Na Uy tuyên bố sẽ thắt chặt an ninh xung quanh các tuyến cáp quang dưới nước dễ bị tổn thương của, sau vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream vốn được xác định là một hành động phá hoại.

Vào ngày 29/11, cơ quan quản lý thông tin liên lạc Nkom của Na Uy đã công bố khoản tài trợ bổ sung 4,4 triệu USD cho công nghệ mới để giúp giám sát các phần quan trọng của cáp quang dưới biển và xác định các mối đe dọa tiềm ẩn.

Theo Nkom, số tiền này cũng sẽ được sử dụng để mua thiết bị có khả năng xác định sự cố trong các dịch vụ vệ tinh như GPS trên thềm lục địa Na Uy, vì sự gián đoạn có thể gây ra thách thức to lớn đối với nhiều ngành công nghiệp.

“Với các biện pháp này, chính phủ sẽ tăng cường an ninh trên thềm lục địa Na Uy, cả về kết quả của các dịch vụ viễn thông cũng như việc ngăn chặn và quản lý các mối đe dọa tiềm ẩn", Bộ trưởng Bộ Đô thị và Quận của Na Uy, Sigbjrn Gjelsvik, cho biết trong một tuyên bố, theo bản dịch các nhận xét của ông bởi The Epoch Times.

Na Uy tăng cường các biện pháp an ninh cơ sở hạ tầng trọng yếu sau những phát hiện gần đây của các nhà điều tra Thụy Điển khi xem xét thiệt hại đối với hai đường ống Nord Stream nối Nga và Đức qua Biển Baltic.

Hôm thứ Ba (19/10), các quan chức Đan Mạch công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ rò rỉ khí đốt tại đường ống dẫn thuộc dự án Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) đoạn qua nước này trên biển Baltic. Theo đó nguyên nhân dẫn tới sự cố trên là do 'các vụ nổ lớn' gây ra.

Mặc dù các vụ nổ không có tác động ngay lập tức đến an ninh năng lượng của châu Âu, nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng, cơ sở hạ tầng dữ liệu dưới nước không có đủ biện pháp bảo vệ.

“70% năng lượng trên thế giới được tìm thấy trên biển hoặc di chuyển bằng đường biển, và 93% dữ liệu trên thế giới di chuyển bằng cáp dưới biển. Chúng ta có những biện pháp bảo vệ rất hạn chế đối với một trong những thứ đó", ông Bruce Jones, thành viên cấp cao của Viện Brookings, nói với tờ Foreign Policy.

Khí thoát ra từ một điểm rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 dưới đáy biển Baltic, 28/09/2022. (Ảnh: Lực lượng tuần duyên Thụy Điển/NTDVN)

Nord Stream thổi bùng một hành động 'Phá hoại nghiêm trọng'

Cơ quan An ninh Thụy Điển tuyên bố vào ngày 18/11 rằng sự kiện này là một hành động "phá hoại nghiêm trọng", sau khi các nhà điều tra phát hiện ra dấu hiệu của vật liệu nổ tại các địa điểm xảy ra vụ nổ Nord Stream.

Cơ quan An ninh Thụy Điển cho biết, các nhà điều tra hiện trường vụ án đã tìm thấy "các vật thể lạ" tại các địa điểm xảy ra vụ nổ và sau khi phân tích, họ đã tìm thấy dấu vết của chất nổ.

Các phân tích chuyên sâu đang được thực hiện trên các vật thể lạ để đưa ra kết luận bổ sung về vụ việc, cơ quan an ninh cho biết và gọi cuộc điều tra là “mở rộng và phức tạp”.

Cơ quan này cho biết: “Những gì xảy ra ở biển Baltic thực sự nghiêm trọng".

Văn phòng Công tố Thụy Điển đã đưa ra một tuyên bố tương tự xác nhận rằng các vụ nổ là một âm mưu phá hoại.

Trong khi hành động phá hoại từ lâu đã bị nghi ngờ là nguyên nhân của các vụ nổ, những đồn đoán vẫn tiếp tục xoay quanh việc ai có thể đứng sau các vụ nổ.

Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đã phủ nhận sự liên quan đến vụ việc. Thay vào đó, moojtj số quan chức châu Âu cho rằng, Nga có thể là thủ phạm gây ra vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream. Tuy nhiên, phát ngôn viên hàng đầu Dmitry Peskov đã phủ nhận những cáo buộc này.

Vài ngày sau khi xuất hiện tin tức về các vụ nổ đường ống Nord Stream, ông Peskov nói với các phóng viên rằng những cáo buộc như vậy là "thiếu sáng suốt nhưng có thể đoán trước được". Ông cũng đặt câu hỏi tại sao Nga lại phá hủy một hệ thống mà họ đã đổ rất nhiều kinh phí về đầu tư và xây dựng vào đó.

Một quan chức hàng đầu của Mỹ cũng phủ nhận việc Washington có liên quan đến vụ việc. Một giáo sư kinh tế của Đại học Columbia đưa ra suy đoán rằng, Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích khi đường ống Nord Stream bị phá hủy, bởi vì các quốc gia châu Âu khi đó sẽ tăng cường phụ thuộc vào khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.

Nga từ lâu đã đổ lỗi cho phương Tây về các vụ nổ và vào cuối tháng 10, Nga đã cáo buộc hải quân Anh đã cho nổ tung các đường ống.

London đã chỉ trích cáo buộc của Moscow là vô căn cứ và nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi những thất bại quân sự của Nga ở Ukraine.

Vụ rò rỉ khí đốt xảy ra trong bối cảnh căng thẳng về năng lượng giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đang dâng cao. Phương Tây cáo buộc Moscow đã vũ khí hóa năng lượng để đạt được đòn bẩy trong cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn 9 tháng.

Các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 có công suất chung hàng năm là 110 tỷ mét khối, chiếm hơn một nửa khối lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên thông thường của Nga.

EU đã trở nên phụ thuộc vào dòng năng lượng của Nga trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đến nay, EU đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá năng lượng khi người dân châu Âu phải vật lộn tìm nguồn cung thay thế và mùa đông thì đang cận kề.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Na Uy bảo vệ 'huyết mạch năng lượng' dưới đáy biển sau vụ nổ đường ống Nord Stream