Nam Phi tổ chức các cuộc tập trận hải quân 'kỳ lạ' với tàu chiến của Trung Quốc và Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nam Phi đang lên kế hoạch cho "10 ngày tập trận” với Trung Quốc và Nga từ ngày 17/2 đến ngày 26/2, trùng với dịp kỷ niệm cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Sự kiện diễn ra ngoài khơi bờ biển phía đông của Nam Phi, được các quốc gia liên quan mô tả là "cuộc tập trận hàng hải đa phương".

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nam Phi nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng: “Chúng tôi rất mong chờ được chứng kiến hải quân Nga và Trung Quốc tập trận; chắc chắn rằng hải quân của chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều điều”.

Đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh (ở giữa), trong cuộc tập trận ở Biển Đông, hôm 2/1/2017. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

"Họ đã thông báo với chúng tôi rằng các tàu chiến đang trên đường đến và họ dự định trình diễn một loạt các thiết bị và vũ khí tinh vi, hệ thống định vị cùng nhiều hệ thống khác”, vị quan chức cho hay.

Ông Guy Martin, nhà phân tích quân sự và quốc phòng tại DefenceWeb, một cổng thông tin châu Phi chuyên phân tích các vấn đề quân sự và an ninh, nói với The Epoch Times rằng, tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga, hiện đang ở ngoài khơi Syria, sẽ sớm cập cảng Durban (ở bờ biển phía đông Nam Phi).

"Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov được trang bị tên lửa hành trình bội siêu thanh Zircon", ông cho hay.

Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Advocacy Alliance - MDAA) tuyên bố rằng, tên lửa bội siêu thanh Zircon di chuyển với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh và có tầm bắn ít nhất 750 km (466 dặm), mặc dù quân đội Nga tuyên bố nó có tầm bắn tới hơn 1.000 km (620 dặm).

"Tên lửa bội siêu thanh Zircon có giá trị chiến lược chủ yếu dựa vào tốc độ của nó", Liên minh tuyên bố trên trang web của mình.

"Vào tháng 4/2017, có thông tin cho rằng Zircon đã đạt tốc độ Mach 8 (9.800 km/giờ; 2.722 m/s) trong một cuộc thử nghiệm. Nếu thông tin trên là chính xác thì Zircon sẽ trở thành tên lửa có tốc độ nhanh nhất thế giới, khiến nó gần như là một vũ khí vô song.

"Một tính năng ưu việt khác của tên lửa là đám mây plasma. Tên lửa được bao phủ hoàn toàn bởi một đám mây plasma trong suốt chuyến bay, đám mây này hấp thụ mọi tia tần số vô tuyến và khiến tên lửa vô hình trước radar. Điều này cho phép tên lửa không bị phát hiện trên đường đến mục tiêu".

Ông Martin nói: “[Tổng thống Nga Vladimir] Putin đã khoe khoang về việc tên lửa Zircon có khả năng chọc thủng các hệ thống phòng thủ của Mỹ. Ông Putin thích đề cập đến chúng và coi đó là trọng tâm trong kho vũ khí tên lửa hành trình của mình”.

"Vì vậy, đối với ông Putin, việc điều một con tàu được trang bị tên lửa Zircon đến Nam Phi là sự kiện khá quan trọng”.

"Thông điệp mà động thái trên gửi đi là 'Chúng tôi coi mối quan hệ của chúng tôi với quý vị thân thiết đến mức chúng tôi sẵn lòng cho quý vị thấy những vũ khí tốt nhất của chúng tôi; chúng tôi sẵn sàng cho quý vị thấy toàn bộ năng lực của lực lượng hải quân của chúng tôi, và chúng tôi biết quý vị sẽ không nói với phương Tây bất cứ điều gì về những gì chúng tôi cho quý vị thấy, bởi vì quý vị đang đứng về phía chúng tôi chống lại bọn đế quốc”.

Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov không phải là tàu lớn đầu tiên của Nga được chính phủ Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Tổng thống Cyril Ramaphosa chào đón tới Nam Phi.

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với con tàu này, Nam Phi vẫn cho phép tàu chở hàng Lady R của Nga cập cảng căn cứ hải quân Thị trấn Simon, gần Cape Town vào tháng 12/2022.

Giới chức Nam Phi sau đó xác nhận rằng, con tàu đã nhận được một lô hàng đạn dược. Số đạn này đã được Moscow đặt hàng "trước đại dịch Covid-19".

Sau đó, vào ngày 28/1, một con tàu khác của Nga là Akademik Alexander Karpinsky lại cập cảng Cape Town để tiếp nhiên liệu, sau khi di chuyển từ cảng quê hương St Petersburg. Sự hiện diện của con tàu Karpinsky đã vấp phải sự phản đối của đông đảo các nhà hoạt động môi trường do các cuộc khảo sát dầu khí hàng năm của nó ở Nam Cực.

Ông Brooks Spector, cựu nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Châu Phi và Châu Á, hiện đang sống ở Johannesburg, nói với The Epoch Times rằng, việc chính phủ Nam Phi thường xuyên tuyên bố giữ quan điểm trung lập trong cuộc xung đột Ukraine là "hoang đường".

"Các cuộc tập trận sắp tới sẽ cung cấp thêm bằng chứng, nếu cần, rằng ANC kiên quyết ủng hộ hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine".

"Cuộc tập trận hải quân này diễn ra vào đúng ngày Nga xâm lược Ukraine”.

"Nếu không phải bằng lời nói, thì chắc chắn là thông qua hành động, đó là một biểu tượng nghiêm túc của sự liên kết”.

Theo ông Martin, Pretoria đáng lý ra nên có cách hành động "hợp lý và nhạy cảm" là "lặng lẽ" từ chối cuộc tập trận quân sự chung để không làm mất lòng Điện Kremlin.

Tuy nhiên, thay vào đó, ANC đã chọn trao cho Nga một "chiến thắng có giá trị" và “coi thường phương Tây", ông nói.

Theo Giáo sư Christopher Isike, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Pretoria, lập trường đầy “mâu thuẫn” của Nam Phi về cuộc chiến tại Ukraine thiếu tính "đặc trưng và sự nhất quán".

"Thật mâu thuẫn khi nói Nam Phi trung lập, nhưng sau đó nước này lại lên kế hoạch tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga do phía Moscow cố tình sắp xếp thời gian trùng với lễ kỷ niệm một năm cuộc xâm lược Ukraine".

Quan chức cấp cao Nam Phi từng huấn luyện quân sự ở Liên Xô

Ông cho biết, mặc dù Nam Phi luôn khẳng định rằng họ muốn "hòa bình và đàm phán" và ủng hộ Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhưng họ lại không lên án một cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền.

"Thật mâu thuẫn khi [Nam Phi sẵn sàng] lên án chiến lược thay đổi chế độ của phương Tây ở Iraq hoặc Libya trong khi vẫn giữ im lặng trước chiến lược lật đổ chính phủ hiện tại của Nga ở Kyiv", ông Isike nói.

Ông Martin cho biết có vẻ như lịch sử của đảng cầm quyền một lần nữa đang làm suy giảm những lợi ích tốt nhất hiện nay của Nam Phi.

Một số thành viên cấp cao của ANC đã được học tập và huấn luyện quân sự ở Liên Xô cũ trong thời kỳ phân biệt chủng tộc. Moscow cũng viện trợ tiền bạc và khí tài cho cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng của ANC.

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Iraj Abedian nói với The Epoch Times rằng, Nam Phi “được ít mà mất nhiều” khi duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Điện Kremlin.

“Khối lượng thương mại mà Nam Phi nhận được [khi giao thương] với Nga so với phương Tây, hoặc thậm chí so với bất kỳ quốc gia BRICS nào khác, là cực kỳ nhỏ”.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (gọi tắt là BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Ông Abedian cho biết: “Có hơn 600 công ty Mỹ ở Nam Phi, bao gồm cả những gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ô tô như Ford và General Motors, tất cả đều đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế nước này”.

Nam Phi đứng về phía Nga xuất phát từ 'động cơ hoài cổ'

“Về mặt kinh tế, việc chính phủ [Nam Phi] liên minh với Nga là vô nghĩa”, ông Steven Gruzd, người đứng đầu Chương trình Ngoại giao và Quản trị Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, nói với The Epoch Times.

“Do đó, kết luận hợp lý duy nhất được rút ra là ANC ủng hộ Nga vì những lý do hoài cổ, và cũng bởi vì tổ chức này đã tin vào tuyên truyền của Nga rằng, cuộc chiến cũng đại diện cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc phương Tây chuyên bắt nạt các nước nhỏ hơn".

"Tất nhiên, điều này bỏ qua thực tế là Nga đang bắt nạt Ukraine - hoặc ít nhất là đang cố gắng làm như vậy".

Ông Spector tuyên bố rằng bằng cách đứng về phía Nga, ANC đang phớt lờ "những mong muốn và hy vọng" của chính người dân nước mình.

Số lượng những người thuộc tầng lớp trung lưu châu Phi và tầng lớp trung lưu đầy tham vọng đang gia tăng đáng kể. Đặc biệt, hầu hết những người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Phi đều dưới 30 tuổi. Con số này cao hơn so với bất kỳ nơi nào khác, ông nói.

"Hãy hỏi họ xem họ thích hàng hóa và dịch vụ của Nga hay của Mỹ. Hầu như tất cả những người có tiền mà tôi gặp ở Châu Phi đều muốn tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ".

Ông Martin mô tả việc Nam Phi tham gia các cuộc tập trận hải quân, bất kể là với quốc gia nào, cũng là điều "bất thường ở mức độ thực tế” vì "tình trạng nghèo nàn" của lực lượng hải quân nước này.

Do thiếu kinh phí và việc bảo trì tàu thuyền kém, phần lớn hạm đội hải quân của Nam Phi đang ở trong tình trạng cạn kiệt.

Ngân sách eo hẹp của hải quân Nam Phi

Ông Martin giải thích: “Hải quân Nam Phi phần lớn không hoạt động. Có rất ít tàu có sẵn. Những con tàu đó đều đã qua sửa chữa và bảo trì, và rồi không bao giờ nhìn thấy chúng nữa, vì bất kỳ lý do gì. Ngân sách của họ là vô cùng eo hẹp. Kết quả là, thời gian hoạt động trên biển của họ đã giảm đáng kể”.

"Vài năm trước, hải quân Nam Phi có đủ tiền để bỏ ra 12.000 giờ hoạt động trên biển; hiện tại là 8.000 giờ. Giờ đây, họ thậm chí không sử dụng đến những thứ này vì tàu thường xuyên bị hỏng hoặc hải quân không có tiền để tiếp nhiên liệu cho con tàu”.

"Vì vậy, tôi muốn xem hải quân Nam Phi sẽ trình diễn những gì trong cuộc tập trận hải quân. Việc hải quân Nam Phi tham gia vào một hoạt động tập trận lớn như thế này là một yêu cầu cao, trừ khi hải quân của chúng tôi chỉ [đứng ngoài] quan sát những hoạt động của người Nga và Trung Quốc".

Thái độ “tương đối im lặng” của Bắc Kinh về cuộc tập trận hải quân sắp tới không khiến cho ông Spector ngạc nhiên.

"Tôi tin rằng Trung Quốc có thể giám sát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả các hoạt động hải quân tầm xa của Nga, hơn là tham gia toàn diện vào một cuộc tập trận hải quân ba bên”, ông đã giải thích.

"Theo phương diện này, Trung Quốc đang trong quá trình đánh giá năng lực của hải quân Nga với tư cách là một lực lượng có đầy đủ tham vọng và cơ hội. Bởi vì Trung Quốc đang đầu tư rất nhiều thời gian và năng lượng vào việc phát triển năng lực hải quân của mình, tất nhiên là chủ yếu ở khu vực Thái Bình Dương”.

Năng lượng và sự nhạy cảm của chính phủ Nam Phi vẫn kiên quyết hướng về phía đông.

Nam Phi gọi tuyên bố của chính quyền ông Biden về "mối quan ngại về bất kỳ quốc gia nào... tập trận với Nga trong khi nước này đang tiến hành cuộc chiến tàn bạo ở Ukraine" là "đạo đức giả".

“Mỹ không có quyền chỉ trích các cuộc tập trận của chúng tôi với Nga, đặc biệt là khi họ vừa tổ chức cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay với Israel”, một nhà ngoại giao cấp cao của Nam Phi nói với The Epoch Times.

"Chúng tôi coi Israel là một quốc gia phân biệt chủng tộc đã tiến hành một cuộc chiến bất hợp pháp với Palestine trong một thời gian dài”.

"Nhưng chúng tôi không nói rằng chúng tôi lo ngại về liên minh của Mỹ với Israel bởi vì chúng tôi tôn trọng quyền lựa chọn đồng minh của mọi quốc gia".

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nam Phi tổ chức các cuộc tập trận hải quân 'kỳ lạ' với tàu chiến của Trung Quốc và Nga