Năng lực quốc phòng của Nhật Bản có đủ sức đối diện chiến tranh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều gì đang thúc đẩy Nhật Bản và Thủ tướng Kishida? Đó chính là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc khiến Nhật Bản nghiêm túc suy nghĩ về khả năng phòng thủ của đất nước - điều mà người Mỹ chưa làm được nhiều.

Vào đầu những năm 2000, nếu không muốn nói là trước đó, một số người Nhật đã tỏ ra quan ngại về mối đe dọa quân sự đến từ Trung Quốc. Thật vậy, những nỗ lực của cố Thủ tướng Abe vào năm 2006-2007 để thiết lập liên minh “Bộ tứ” (QUAD) giữa các nền dân chủ lớn trong khu vực — Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ và Ấn Độ — là đến từ việc ông lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ âm thầm xây dựng hệ thống phòng thủ của họ trong suốt thời gian đó. Ví dụ, vào cuối những năm 2000, “tàu sân bay trực thăng chống ngầm” của Nhật Bản — những chiếc tàu sân bay được sửa đổi đôi chút — đã ở tư thế sẵn sàng, và thế hệ tiếp theo đã được chế tạo. Trong khoảng thời gian này, Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF) cũng phát triển các kế hoạch nhằm “củng cố” chuỗi đảo Nansei Shoto.

Nhưng vụ việc hạm đội đánh cá của Trung Quốc, Cảnh sát biển Trung Quốc và Hải quân Trung Quốc tiến vào quần đảo Senkaku của Nhật Bản vào khoảng năm 2012 mới là điều thực sự thu hút sự chú ý của Tokyo. Sự kiện này đã thúc đẩy Nhật Bản khẩn trương xây dựng hệ thống phòng thủ. Tuy nhiên, người Trung Quốc không từ bỏ các hòn đảo phía nam của Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng trải dài xuống phía nam. Không có gì đáng ngạc nhiên khi từ giai đoạn 2016-2020, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã hạ thủy số lượng tàu nhiều bằng toàn bộ hạm đội hải quân Nhật Bản.

Trong những năm gần đây, các động thái tăng cường quốc phòng của Nhật Bản dường như rõ rệt hơn và tiến nhanh hơn. Đặc biệt, việc ông Kishida tuyên bố tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng đã thực sự làm mọi người chú ý. Các hướng dẫn quốc phòng của Nhật Bản không còn vòng vo mà đã mô tả Trung Quốc như một vấn đề cần phải giải quyết.

Nhìn chung, Nhật Bản nhận ra rằng không thể đạt được thỏa thuận nào với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Và Nhật Bản buộc phải tự bảo vệ mình.

Liệu mối đe dọa từ Triều Tiên có khiến Nhật Bản tăng cường phòng thủ đến mức độ này không? Tôi nghi ngờ về điều đó. Đó chủ yếu là vấn đề tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa và có thể là việc mua một số tên lửa tầm xa — cái được coi là vũ khí phản công cần thiết để tấn công các mục tiêu ở Triều Tiên.

Động thái tăng cường phòng thủ của Nhật Bản một phần được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể sẽ không bảo vệ Nhật Bản nếu quốc gia châu Á này không tự đứng trên đôi chân của họ. Thật vậy, Tokyo luôn lo lắng về việc người Mỹ mất hứng thú với Nhật Bản và thậm chí lo lắng về việc Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận với Trung Quốc và để Nhật Bản tự lo cho bản thân.

Năng lực quốc phòng của Nhật Bản có đủ sức đối diện chiến tranh?
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak bắt tay sau khi ký thỏa thuận quốc phòng nhằm tăng cường huấn luyện quân sự chung và trao đổi giữa hai nước, tại Tháp London, Anh, ngày 11/01/2023. (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Nhật Bản có gặp khó khi từ bỏ chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến không?

Không hẳn. Chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản luôn là một điều kỳ lạ và một phần nào đó chỉ là sự rèn rũa về mặt đạo đức. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, với tất cả những thiếu sót của họ, luôn là một đội quân thực thụ. Hơn nữa, một Nhật Bản theo chủ nghĩa hòa bình đã luôn khẳng định rằng người Mỹ sẽ tiêu diệt bất kỳ bên nào đe dọa Nhật Bản - đó là chủ nghĩa hòa bình của họ. Với việc Trung Quốc đang gầm ghè, không ai ở Nhật Bản nói nhiều về chủ nghĩa hòa bình trong những ngày này.

Những thách thức khi phải nhanh chóng nâng cấp quân đội

Nhật Bản có đang quá trễ? Có lẽ là không. Tokyo đáng ra phải bắt đầu hành động nhanh hơn từ ít nhất một thập kỷ trước. Nhưng đây là trường hợp khi các quốc gia tự do bừng tỉnh và nhận ra rằng họ đang gặp nguy hiểm bởi các chế độ độc tài, hiếu chiến. Nó luôn đến muộn hơn thời điểm nó nên đến.

Tuy nhiên, Nhật Bản không bắt đầu từ đầu. Họ có điều kiện để xây dựng một lực lượng có sức chiến đấu tốt. Nhưng do — hầu hết là tự áp đặt — những hạn chế đối với sự phát triển của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, lực lượng này đã bị “méo mó”, không đủ lớn mạnh. Ví dụ, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải (MSDF) của Nhật Bản cần phải có quy mô gấp đôi để có thể xử lý các nhiệm vụ hiện tại. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Trên không (ASDF) không được tích hợp tốt với các lực lượng khác và dường như thích bay xung quanh ở độ cao 30.000 feet (khoảng 9.100 m) để tìm kiếm một trận không chiến; quy mô của họ cũng nhỏ hơn mức cần thiết.

Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản (GSDF) đã đạt được một số tiến bộ tốt trong thập kỷ qua trong nỗ lực trở thành một lực lượng cơ động hơn — bằng chứng được nhìn thấy ở Lữ đoàn triển khai nhanh đổ bộ — và lực lượng này thậm chí có thể hoạt động chung với MSDF nhiều hơn những gì chúng ta tưởng tượng. Nhưng GSDF phải thoát ra khỏi việc hàng thập kỷ chỉ tập trung vào bảo vệ Hokkaido khỏi một cuộc xâm lược của Nga - một cuộc xâm lược không bao giờ xảy ra.

Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cần tạo lập các hoạt động chung (hoặc kết hợp) để 3 lực lượng thành viên có thể hoạt động cùng nhau. Nếu không, họ sẽ không có được sức mạnh tổng thể. Có một động thái đang được tiến hành để đạt được khả năng này, nhưng sẽ mất một vài năm — và ngay cả khi đó thì việc thành thạo các hoạt động phối kết hợp cũng tốn nhiều thời gian và công sức thực hành.

Tuyển dụng lại là một vấn đề khác. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã không đạt được mục tiêu 20% trong nhiều năm. Điều này không phải do dân số bị thu hẹp. Nguyên nhân phần nhiều có lẽ là việc phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chưa bao giờ là nghề được tôn trọng — do các đời chính phủ, các phương tiện truyền thông và giới học thuật đã cố gắng hết sức để hạ thấp và kiềm chế Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được trả lương thấp, điều kiện sống gần như khu ổ chuột, phúc lợi mà họ nhận được hoàn toàn không giống với phúc lợi khi phục vụ trong các lực lượng của Hoa Kỳ.

Việc ra thông báo rằng Nhật Bản sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng là phần dễ dàng. Việc chi tiêu cho những điều đúng đắn mới là phần khó khăn. Nhật Bản thực sự không biết mình cần gì để tiến hành chiến tranh. Hy vọng rằng, phía Hoa Kỳ sẽ lặng lẽ gửi một số nhà hoạch định chiến tranh giỏi đến Nhật Bản, liên kết họ với những người phù hợp và để họ vạch ra những gì cần thiết (và cả những gì Hoa Kỳ cần từ Nhật Bản). Việc này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Năng lực quốc phòng của Nhật Bản có đủ sức đối diện chiến tranh?
Tổng thống Donald Trump bắt tay với Tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản, Trung tướng Jerry Martinez, khi ông Trump có bài phát biểu với quân nhân Hoa Kỳ tại Căn cứ Không quân Yokota ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 05/11/2017. (Ảnh: Jim Watson/AFP/Getty Images)

Một số thiếu sót khác cần được Nhật Bản nhanh chóng giải quyết là các vấn đề thực tế về hậu cần, dự trữ cho chiến tranh, năng lực xử lý và thay thế những người thương vong, quy trình động viên nhập ngũ, khả năng phòng thủ dân sự, v.v.. Thật khó để tiến hành một cuộc chiến tranh nếu những điều này chưa sẵn sàng, và trong trường hợp của Nhật Bản thì họ chưa sẵn sàng.

Khả năng tác chiến cùng các lực lượng Hoa Kỳ của Nhật Bản cũng cần phải cải thiện rất nhiều. Hợp tác giữa hải quân hai nước là khá tốt, nhưng ngoài ra, còn nhiều điều cần lưu tâm.

Khi quý vị nhìn vào một trụ sở chung ở Nhật Bản, nơi các lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản tiến hành các hoạt động thời bình và thời chiến cần thiết để bảo vệ Nhật Bản, quý vị sẽ hoài nghi về lời nói của các quan chức rằng liên minh quân sự này đang trong điều kiện phục vụ chiến đấu.

Nhìn nhận lại, Nhật Bản đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Nếu quý vị hiểu về tình hình quốc phòng của Nhật Bản vài thập kỷ trước, thì hầu như không thể nhận ra Nhật Bản ngày nay. Tuy nhiên, nước này vẫn còn rất nhiều việc phải làm và rất ít thời gian để làm những việc đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa lược dịch

Tác giả Grant Newsham là sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, đồng thời là cựu quan chức ngoại giao và nhà điều hành kinh doanh với nhiều năm làm việc tại khu vực châu Á/Thái Bình Dương. Ông cũng là Giám đốc của One Korea Network và là thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách An ninh và của Viện Yorktown tại Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Năng lực quốc phòng của Nhật Bản có đủ sức đối diện chiến tranh?