Năng lượng hạt nhân của Pháp: Giải pháp cho khủng hoảng năng lượng châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đối mặt với sự cắt giảm xuất khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu — được cho là đòn trả đũa chính trị của Nga — Pháp đang trông cậy vào năng lượng hạt nhân để đảm bảo nguồn cung của chính mình và cung cấp năng lượng cho châu lục này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân mới, và theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, ông cũng đang xem xét thêm 8 lò, tùy thuộc vào nhu cầu điện.

27/7/2022, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga một lần nữa giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, tiếp tục làm gia tăng căng thẳng ở châu Âu về nguồn cung có thể kiếm được.

Đức cho rằng động thái này là chính trị, nhưng Nga lại đổ lỗi cho các vấn đề kỹ thuật.

Khả năng Nga làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu bằng cách cắt hoàn toàn khí đốt tự nhiên đã gia tăng, và dẫn đến giá khí đốt tại châu Âu tăng gần 2% ngay sau động thái này của Nga.

"Mọi người trên thị trường đều cho rằng lượng khí đốt từ Nga sẽ giảm. Nhưng thị trường đã không nghĩ rằng lưu lượng sẽ giảm nhanh thế này", James Huckstepp — quản lý phân tích khí đốt khu vực châu Âu, Trung Đông, và châu Phi của công ty tư vấn S&P Global Commodity Insights — chia sẻ với Financial Times.

Sự sụt giảm khí đốt của Nga chỉ là vụ việc mới nhất trong một loạt các đợt cắt giảm, khiến lượng khí đốt tự nhiên chảy qua đường ống xuống còn 20% công suất.

Trong một bài phát biểu ngày 25/7/2022, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga "tống tiền bằng khí đốt" vì châu Âu ủng hộ đất nước ông chống lại cuộc xâm lược của Nga.

"Đây là một cuộc chiến khí đốt công khai mà Nga đang tiến hành chống lại một châu Âu thống nhất — đây chính xác là cách mà nó nên được nhìn nhận. Họ không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với người dân, người dân sẽ phải chịu đựng thế nào — vì đói do các bến cảng bị phong tỏa hay vì giá lạnh mùa đông và đói nghèo… Hoặc do nghề nghiệp. Đây chỉ là những hình thức khủng bố khác nhau".

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy trả lời câu hỏi tại một cuộc họp báo ở Kiev, Ukraina, 23/04/2022. (John Moore / Getty Images)

24/2/2022, Nga xâm lược Ukraina, làm gia tăng một cuộc xung đột đã diễn ra từ 2014. Để đối phó, và trong nỗ lực kiềm chế sự xâm lược của Nga, thì Mỹ, phối hợp với nhóm các quốc gia G7, và Liên minh châu Âu, đã bắt đầu thiết lập một loạt các biện pháp trừng phạt leo thang.

Ban đầu, các biện pháp trừng phạt là về tài chính: Mỹ đã chặn các ngân hàng lớn của Nga như VEB và Promsvyazbank, theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế cho biết.

Sau đó, Mỹ và các đồng minh đã trừng phạt hàng chục công ty quốc phòng Nga, cộng với giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình của họ, cắt hỗ trợ và viện trợ tài chính cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sau đó, tài sản của Sberbank và Alfa Bank — hai trong số các tổ chức tài chính lớn nhất của Nga — bị phong tỏa.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này không ngăn cản được cuộc tiến công của Nga vào Ukraina, và vào ngày 8/3/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Trước khi có lệnh cấm này, Mỹ nhập khẩu khoảng 700.000 thùng mỗi ngày.

Đức và Ba Lan cũng cam kết cấm dầu của Nga bằng cách cắt giảm nhập khẩu dầu từ đường ống, trước cuối năm nay.

3/6/2022, Liên minh Châu Âu tham gia một phần cùng với các nước nói trên vào việc trừng phạt nhập khẩu dầu của Nga, bằng cách áp đặt cấm vận một phần đối với dầu của Nga — bắt đầu từ tháng 12/2022 và tháng 2/2023, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề Quốc tế cho biết.

Quan trọng là, nhập khẩu dầu theo đường ống được miễn trừ khỏi các lệnh cấm, vì các nước thành viên Liên minh Châu Âu như Slovakia, Hungary, và Cộng hòa Séc phụ thuộc vào đó để sản xuất năng lượng.

Một xe điện đi qua nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt tự nhiên Klingenberg tại Berlin, Đức, 04/07/2022. (Sean Gallup / Getty Images)

Đáp lại, Nga hứa sẽ tìm các nhà nhập khẩu khác cho dầu của mình — cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ — Putin đã ký sắc lệnh nói rằng khách hàng nước ngoài mua khí đốt tự nhiên phải trả bằng đồng rúp, và Nga bắt đầu giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu.

Đan Mạch, Phần Lan, Bulgaria, và Ba Lan, đều từ chối tuân thủ, và Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho các nước này.

Sau đó, Nga cắt giảm một nửa lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu bởi Slovakia và Ý, đồng thời cắt đứt hoàn toàn với Pháp.

Đức bác bỏ lời giải thích của Nga về các vấn đề kỹ thuật. Ngày 23/7/2022, Nga tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho một số nước châu Âu.

Đáng chú ý, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng đang nổi lên ở châu Âu, vì Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho khối 27 quốc gia này.

"Lưu lượng khí đốt từ đường ống của Nga đến châu Âu đã giảm mạnh xuống còn khoảng 40% so với mức một năm trước, góp phần khiến giá khí đốt tự nhiên tăng mạnh trong tháng 6", Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.

Điện Kremlin phản kích

Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt năng lượng đối với Nga đã có tác động lặng lẽ đến nền kinh tế của Nga, trong khi lại ảnh hưởng rõ rệt đến châu Âu.

"Nền kinh tế Nga được ước tính là đã thu hẹp trong quý 2 ít hơn so với dự kiến ​​trước đó, với xuất khẩu dầu thô và phi năng lượng tăng tốt hơn dự kiến".

"Thêm vào đó, nhu cầu trong nước cũng đang cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, nhờ việc hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với khu vực tài chính trong nước và sự suy yếu ít hơn dự đoán của thị trường lao động".

"Liên quan đến điều này, tác động của cuộc chiến đối với các nền kinh tế lớn của châu Âu tiêu cực hơn dự kiến, do giá năng lượng cao hơn, cũng như niềm tin của người tiêu dùng yếu hơn, và động lực sản xuất chậm hơn do gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và chi phí đầu vào tăng", IMF báo cáo.

Đáng lo ngại hơn, IMF đã phân tích tác động tiềm tàng của việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức, và phát hiện rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 1,5% vào năm 2022, 2,7% vào năm 2023, và khiến lạm phát tăng trung bình 2 điểm phần trăm trong năm 2022 và 2023.

Thêm vào đó, theo số liệu từ phân tích của IMF, nếu Đức không giảm ít nhất 9% lượng tiêu thụ khí đốt, người dân sẽ gặp tình trạng thiếu khí đốt, và sẽ tệ hơn trong mùa đông.

Một máy phát điện gió của công ty Windwaerts Energie GmbH gắn đèn màu, 05/09/2011, gần Sehnde-Muellingen ở vùng Hanover, miền trung nước Đức. (Julian Stratenschulte / DPA / AFP, qua Getty Images)

Năm 2000, Đức đã ban hành Đạo luật về các nguồn năng lượng tái tạo (EEG), trong đó yêu cầu 6% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo.

Năm 2017, Đạo luật đã được sửa đổi, yêu cầu 40-45% năng lượng phải từ năng lượng tái tạo vào năm 2025, và lên đến 65% vào năm 2030, theo Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang cho biết.

Do đó, Đức đã bắt đầu quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo — được gọi tại Đức là Energiewende (chuyển đổi năng lượng).

Đến năm 2017, năng lượng hạt nhân đã giảm xuống còn 11,7% tổng sản lượng điện của Đức, còn than non và than đá giảm xuống còn 36,6%.

Năng lượng tái tạo đã tăng lên và chiếm 33,3% tổng sản lượng điện của Đức, trong đó năng lượng gió chiếm phần lớn và đạt tổng công suất xấp xỉ 110 TWh.

Gió và Mặt trời

Tỷ lệ phần trăm năng lượng hạt nhân và nhiên liệu hóa thạch đã giảm ở Đức, nhưng năng lượng tái tạo không thể lấp đầy hoàn toàn khoảng trống. Do đó, năm 2017, khí đốt tự nhiên chiếm 13,2% tổng sản lượng điện của Đức.

Đến năm 2019, khí đốt tự nhiên đã tăng lên chiếm 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng của Đức, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay.

Tiến sĩ Sarah Lohmann, một thành viên không thường trú của Viện Nghiên cứu Đức đương đại của Mỹ tại Đại học Johns Hopkins — cho biết "Thật không may, với niềm đam mê dẫn đầu đàn, Đức đã không tìm ra giải pháp".

"Họ đã không tạo ra thậm chí là gần đủ năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hạt nhân và than đá mà họ quyết tâm loại bỏ dần. Khi lò phản ứng hạt nhân cuối cùng bị tắt vào năm tới, có thể sẽ thiếu 4,5 gigawatt, hoặc tương đương với những gì 10 nhà máy nhiệt điện than lớn cung cấp".

TS. Lohmann cho biết thêm rằng, ở Đức, "các hộ gia đình trung bình trả nhiều hơn 43% so với mức trung bình phải trả cho các hóa đơn điện ở 27 quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu, nhờ các loại thuế và phí chiếm 50% hóa đơn, và cái đó được cho là để trả tiền cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo".

Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, một phần, Đức đã quay sang Nga. Tuy nhiên, do Nga hiện đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề và phản ứng tương tự, nên vào tháng 7/2022, Quốc hội Đức đã gấp rút thông qua đạo luật cho phép nước này đưa các nhà máy điện than đã nghỉ hưu hoạt động trở lại.

Emmanuel Macron khi còn là Bộ trưởng Kinh tế Pháp, trao đổi cùng Giám đốc điều hành công ty điện lực nhà nước Pháp EDF Jean-Bernard Levy tại Nhà máy điện hạt nhân Civaux, miền Tây nước Pháp, 17/03/2016. (Guillaume Souvant / AFP, qua Getty Images)

Trong báo cáo tháng 7/2022, IMF nhấn mạnh Hungary, Slovakia, Czechia, Ý, và Đức là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước sự công kích về năng lượng của Nga, do phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.

Ngược lại, báo cáo nêu bật các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, và Anh như những nơi chấp nhận được.

Quan trọng hơn, ngoài việc tương đối an toàn trước sự công kích về năng lượng của Nga, thì Pháp còn là nhà xuất khẩu điện lớn nhất của châu Âu (chủ yếu sang Anh và Ý), xuất khẩu hơn 70 TWh mỗi năm trong thập kỷ qua, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới cho hay.

Độc lập năng lượng

Thật vậy, Pháp sản xuất khoảng 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân và 17% từ nhiên liệu hạt nhân tái chế.

"Là kết quả của quyết định năm 1974, Pháp hiện tuyên bố có mức độ độc lập năng lượng đáng kể và có chi phí điện thấp hơn mức trung bình ở châu Âu".

"Họ cũng có mức phát thải carbon dioxide trên đầu người cực kỳ thấp từ việc phát điện, vì hơn 80% điện năng của họ là từ hạt nhân hoặc thủy điện".

Để củng cố nền độc lập năng lượng của Pháp và giúp đỡ châu Âu trong cuộc khủng hoảng năng lượng, vào tháng 2/2022, Tổng thống Pháp Macron đã công bố kế hoạch tăng công suất điện hạt nhân của nước mình.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Năng lượng hạt nhân của Pháp: Giải pháp cho khủng hoảng năng lượng châu Âu