NATO bắt đầu tập trận hạt nhân bất chấp căng thẳng Nga-Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc tập trận “Steadfast Noon” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kéo dài từ ngày 17/10 đến 30/10, với sự tham gia của 14 quốc gia thành viên và tổng cộng 60 máy bay các loại.

NATO đã khởi động các cuộc tập trận hạt nhân thường niên kéo dài một tuần ở châu Âu trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang leo thang.

Với tên gọi là “Steadfast Noon”, các cuộc tập trận hạt nhân của NATO diễn ra từ ngày 17/10 đến ngày 30/10, một phát ngôn viên của NATO xác nhận với The Epoch Times.

NATO nhấn mạnh các cuộc tập trận này là thường kỳ và không liên quan đến bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới, cũng như không có hoạt động bắn đạn thật trong khuôn khổ cuộc tập trận.

Tổng cộng 14 quốc gia và 60 máy bay các loại tham gia cuộc tập trận Steadfast Noon. Nhóm máy bay này bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát và máy bay tiếp nhiên liệu. Bên cạnh đó, máy bay ném bom chiến lược hạt nhân B-52 của Mỹ cũng được điều động từ căn cứ Không quân Minot ở Bắc Dakota.

Các chuyến bay huấn luyện sẽ diễn ra trên Biển Bắc, Vương quốc Anh. Bỉ là quốc gia đăng cai cuộc tập trận năm nay.

Người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết trong một tuyên bố với The Epoch Times: “Cuộc tập trận Steadfast Noon giúp đảm bảo hoạt động răn đe hạt nhân của liên minh diễn ra một cách an toàn, bảo mật và hiệu quả".

Phần lớn các cuộc tập trận sẽ được tổ chức cách biên giới với Nga ít nhất hơn 1000 km. Moscow cũng đang lên kế hoạch cho các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn của riêng mình được gọi là “Grom”, có nghĩa là “sấm sét”.

Giống như các cuộc diễn tập của NATO, các cuộc tập trận của Nga được cho là sẽ diễn ra thường xuyên trong bối cảnh những luận điệu về hạt nhân của Moscow ngày càng leo thang.

“Chúng tôi dự đoán cuộc tập trận sẽ kéo dài vài ngày, bao gồm các hành động trong giới hạn bình thường như những gì Nga đã làm trong quá khứ. Cuộc tập trận sẽ bao gồm các vụ phóng tên lửa trực tiếp và triển khai các hình thái tấn công chiến lược”, ông John Kirby, Điều phối viên về Truyền thông Chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, nói với đài CNN.

Trong bối cảnh vấp phải một cuộc phản công của các lực lượng Ukraine hồi cuối tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc các cường quốc phương Tây đe dọa hạt nhân và đặt đất nước của ông vào một thế trận thúc đẩy leo thang cuộc xung đột.

Nhà lãnh đạo Nga Putin đã ra lệnh huy động quân sự một phần và tuyên bố sẽ sử dụng “mọi phương tiện sẵn có” trong trường hợp có mối đe dọa đối với lãnh thổ Nga và người dân nước này, đồng thời ông nói thêm rằng đó không phải là "trò lừa bịp".

Những thất bại gần đây trên chiến trường ở miền đông Ukraine đã khiến nhà lãnh đạo Chechnya kêu gọi Nga cần phải cứng rắn hơn và tấn công Ukraine bằng một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật năng suất thấp.

“Theo ý kiến ​​của cá nhân tôi, cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, kể cả việc ban bố tình trạng thiết quân luật ở các khu vực biên giới và sử dụng vũ khí hạt nhân năng suất thấp”, nhà lãnh đạo Chechnya và đồng minh của Putin, Ramzan Kadyrov cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Điện Kremlin đã phản ứng với nhận xét của ông Kadyrov bằng cách kêu gọi cần phải có một cái đầu lạnh trước việc sử dụng vũ khí hạt nhân dựa trên học thuyết quân sự của Nga thay vì bị chi phối bởi “cảm xúc”.

Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chúng — hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác — được sử dụng để chống lại Nga hoặc nếu nhà nước Nga phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ vũ khí thông thường.

Điện Kremlin đã tuyên bố rõ ràng rằng bốn khu vực của Ukraine mà Moscow sáp nhập cũng nằm dưới "chiếc ô hạt nhân" của họ.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin thông báo về việc huy động thêm lực lượng quân sự và nhấn mạnh rằng, một số đại diện cấp cao của các cường quốc phương Tây đã tuyên bố “sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt chống lại Nga”, theo bản dịch nhận xét của ông từ tờ The Scotsman.

"Nếu sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ người dân của mình", ông Putin nói trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc gia và nói thêm rằng Nga có "rất nhiều vũ khí để đáp trả".

NATO cho biết các cuộc tập trận hạt nhân năm nay không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào và cũng không “liên quan đến bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra trên thế giới”.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

NATO bắt đầu tập trận hạt nhân bất chấp căng thẳng Nga-Ukraine