NATO bổ sung thêm nhiều căn cứ quân sự ở các nước Baltic

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, NATO đang mở rộng sự hiện diện của mình ở Đông Âu thông qua việc triển khai tạm thời các lực lượng và thiết bị quân sự, đồng thời xem xét bổ sung các căn cứ thường trực ở Baltic trong bối cảnh Nga đang gia tăng các động thái quân sự ở Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp báo ngày 7/3 ở Vilnius, Lithuania. Đồng thời, ông tìm cách trấn an các đồng minh Đông Âu của Washington - đang lo lắng trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine rằng Điện Kremlin chưa dừng lại ở đó.

“Nếu có bất kỳ hành động gây hấn nào trên lãnh thổ NATO, trên các nước thành viên của NATO thì Hoa Kỳ và tất cả các đồng minh cũng như đối tác của chúng tôi, sẽ hành động để bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO", ông Blinken nói, đề cập đến Điều 5 của Hiệp ước.

Mục tiêu chính của việc thành lập NATO năm 1949 là tăng cường hợp tác giữa các nước phương Tây nhằm đối trọng với Liên Xô. Một nguyên tắc căn bản của Hiệp ước là Điều 5 về "phòng thủ tập thể", tức là cuộc tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ được coi như cuộc tấn công vào toàn liên minh.

Estonia, Latvia và Lithuania, thường được gọi là các nước Baltic, từng là một phần của Liên Xô cũ và gia nhập NATO vào năm 2004. Đặc biệt, Estonia và Latvia có dân tộc thiểu số nói tiếng Nga đáng kể, và có những lo ngại rằng Nga có thể tận dụng điều này trong các chiến dịch gây áp lực của mình, giống như ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khác, chẳng hạn như Gruzia và bây giờ là Ukraine.

"Nga coi sự độc lập của các nước Baltic và vai trò tích cực của họ ở NATO và EU là những mối đe dọa đối với an ninh, chủ quyền và quyền tự chủ của Nga", ông Mark Galeotti, thành viên cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Praha và trước đây là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Âu, đã viết trong một bài phân tích.

“Không thể phủ nhận việc các nước Baltic đang chịu sức ép liên tục của Nga, từ những lời tố cáo chính thức đến những thông tin không chính thức và từ những cuộc phô diễn sức mạnh quân sự một cách công khai đến các hoạt động tình báo bí mật”, ông cho hay.

Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda kêu gọi cần phải thực hiện các bước để củng cố sườn phía đông của NATO khi đối mặt với “sự xâm lược liều lĩnh của Nga” ở Ukraine, mà ông cảnh báo có thể dẫn đến “Thế chiến thứ III”.

“Sự răn đe sẽ là không đủ và chúng ta cần phải phòng thủ tại chỗ, nếu không thì mọi thứ sẽ quá muộn. Ông Putin sẽ chưa dừng lại ở Ukraine”, ông Nauseda nói.

Ukraine khống chế lực lượng Nga ở khu vực Tây Kyiv
Người dân đi ngang qua một chiếc xe quân sự bị phá hủy của Nga tại Irpin, Ukraine, vào ngày 3/3/2022. (Ảnh Chris McGrath / Getty Images)

Về phần mình, ông Blinken nhấn mạnh các lực lượng bổ sung đã được triển khai ở các nước Baltic, cũng như những lực lượng hỗ trợ đang trong lộ trình. Ông lưu ý rằng, gần đây đã triển khai thêm 7.000 lính Mỹ đến châu Âu, việc bố trí lại các lực lượng đã có ở đó để củng cố sườn phía đông của NATO, và có kế hoạch điều động thêm 400 binh lính từ đội chiến đấu của Lữ đoàn Thiết giáp số 1 đến Lithuania trong những ngày tới.

Khi được hỏi về việc triển khai quân thường trực đến khu vực Baltic như một biện pháp răn đe bổ sung, ông Blinken cho biết điều này đang được xem xét.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi liên tục xem xét vị thế quốc phòng của mình ở NATO, bao gồm xem xét về việc mở rộng triển khai lực lượng, xem xét về việc triển khai lâu dài hơn. Tất cả những điều đó đang được xem xét thường xuyên và chúng tôi đang chung tay cùng các Đồng minh NATO để thực hiện điều đó”.

Chính phủ Litva sau đó đã công bố kế hoạch tăng chi phí quân sự vào năm 2022, bao gồm cả vũ khí chống tăng Javelin, máy bay không người lái và nâng cấp các căn cứ quân sự.

Nga coi NATO là mối đe dọa quân sự chính của mình và từ lâu đã phản đối mọi sự mở rộng về phía đông của liên minh. Trước hành động quân sự chống lại Ukraine, Nga đã yêu cầu Kyiv và NATO cam kết rằng Ukraine sẽ không bao giờ tham gia Liên minh và nước này sẽ vẫn là một quốc gia trung lập.

Moscow gọi cuộc chiến ở Ukraine là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” không nhằm chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, mà nhằm phá hủy khả năng quân sự của nước này và tước bỏ quyền lực mà họ cho là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.

Cuộc tấn công của Nga ở Ukraine liên quan đến việc pháo kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự và khiến hơn 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để thoát khỏi cảnh bạo lực.



BÀI CHỌN LỌC

NATO bổ sung thêm nhiều căn cứ quân sự ở các nước Baltic