NATO đang đối mặt với thách thức quân sự to lớn từ Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 29/11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cho dù từ Bắc Cực đến vùng Balkan ở châu Âu, từ không gian vũ trụ đến không gian mạng, NATO hiện đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, bởi chính quyền Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội với quy mô chưa từng có.

Tại Diễn đàn thường niên Aspen - German Marshall Foundation Bucharest (Aspen - GMF Bucharest Forum 2022) tổ chức tại Romania vào hôm 29/11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, ngoài cuộc chiến Nga - Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang đối mặt với những thách thức quân sự từ chính quyền Bắc Kinh.

Nhà Trắng lúc này cũng đang kêu gọi các đồng minh châu Âu duy trì lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh và giành được sự ủng hộ của NATO đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.

NATO đang đối mặt với thách thức quân sự to lớn từ Bắc Kinh

Trang web chính thức của NATO ngày 29/11 đưa tin, trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Bucharest Aspen - GMF Bucharest Foundation, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cho dù từ Bắc Cực đến vùng Balkan ở châu Âu, từ không gian vũ trụ đến không gian mạng, NATO hiện đang phải đối mặt với những thách thức to lớn từ nhà cầm quyền Bắc Kinh, bởi chính quyền Trung Quốc đang đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội với quy mô chưa từng có.

Ông Jens Stoltenberg cho biết, cuộc chiến Nga - Ukraine cho thấy các thành viên NATO phụ thuộc không nhỏ vào khí đốt của Nga. Song song với đó, NATO cũng đang đánh giá mức độ phụ thuộc của các thành viên NATO vào các chế độ độc tài, trong đó có Bắc Kinh. Ông cho biết, NATO sẽ tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế và thương mại với chính quyền Bắc Kinh, nhưng đồng thời cũng phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Hãng tin Reuters của Anh đưa tin, trong chuyến thăm Tây Ban Nha ngày 21/11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng: “Chúng tôi đang thấy Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp then chốt của NATO”.

Ông Jens Stoltenberg nói: "Khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi, từ điện thoại di động cho đến ô tô và thiết bị quân sự. Các chế độ độc tài không nên nắm được bất kỳ cơ hội nào để khai thác điểm yếu hòng tiêu diệt chúng ta".

Ông Stoltenberg cho rằng, trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, các nước phương Tây đang dần ngừng phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, vì vậy họ phải cẩn thận để không tạo ra sự phụ thuộc mới vào Bắc Kinh, dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông kêu gọi NATO và các đồng minh cần cải thiện khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng và xã hội.

Theo các nguồn tin, vào tháng 6 năm nay, NATO đã thiết lập một tài liệu chiến lược mới, trong đó mô tả chính quyền Bắc Kinh là kẻ thách thức "lợi ích, an ninh và giá trị của NATO". Chiến lược NATO năm 2010 thậm chí không đề cập đến Trung Quốc, quốc gia chủ yếu được coi là đối tác thương mại thân thiện và là cơ sở sản xuất của các nước phương Tây.

Thủ tướng Anh: 'Thời đại hoàng kim' với Bắc Kinh đã kết thúc

Dựa trên các nguồn tin của giới truyền thông Âu Mỹ, vào ngày 28/11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói rằng "thời đại hoàng kim" trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và chính quyền Bắc Kinh đã kết thúc, vì chính quyền Trung Quốc đang đặt ra một thách thức có hệ thống đối với lợi ích quốc gia và các giá trị của Vương quốc Anh.

Hiện tại, chính phủ Anh do Thủ tướng Rishi Sunak đứng đầu đang cố gắng thu hồi 20% cổ phần của nhà máy điện hạt nhân Sizewell C do Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGNPC) nắm giữ.

Hãng thông tấn AFP đưa tin, Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp (BEIS) của Anh cũng đưa ra tuyên bố cho biết: “Đầu tư của chính phủ Anh vào nhà máy điện hạt nhân Sizewell C hỗ trợ cho sự phát triển liên tục của nó. Khoản đầu tư cũng cho phép Tập đoàn Hạt nhân rút khỏi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Sizewell C, bao gồm chi phí mua lại, mọi khoản thuế đến hạn và kế hoạch kinh doanh".

Để đạt được mục tiêu này, Anh và Pháp có kế hoạch đầu tư mỗi bên 700 triệu bảng (khoảng 843 triệu USD) để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Sizewell C và EDF nắm giữ 50% cổ phần của liên doanh. Nhà máy điện hạt nhân ở Suffolk, miền đông nước Anh, dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất điện vào năm 2035 và có thể cung cấp điện cho khoảng 6 triệu hộ gia đình Anh.

Năm nay, chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ khiến chi phí khí đốt và điện tăng mạnh. Chính phủ Anh coi các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió là dự án trọng điểm nhằm củng cố an ninh năng lượng của đất nước.

 

Hoa Kỳ tranh thủ sự hỗ trợ của NATO cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chống lại Bắc Kinh

Tờ Financial Times của Anh trích dẫn các nguồn giấu tên quen thuộc với cuộc đối thoại giữa Mỹ và các đồng minh NATO về hành động kiềm chế Bắc Kinh.

Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden đã coi việc đối đầu với chính quyền Bắc Kinh là chính sách đối ngoại chính của mình. Chiến dịch của ông Biden chống lại Bắc Kinh đã trở nên ngày một phức tạp do chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng Hai.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, với tư cách là nhà cung cấp vũ khí và viện trợ lớn nhất cho Ukraine trong cuộc chiến Nga - Ukraine, Hoa Kỳ đang cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu của NATO ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ chống lại Bắc Kinh. Một trong những người quen thuộc với vấn đề này cho biết: “Mỹ đã có sự thay đổi rõ rệt trên mặt trận này đến mức họ quyết định bây giờ chính là thời điểm để hành động".

Vào ngày 28/11, bà Julianne Smith, đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, cho biết, NATO đang thực hiện các bước để có phản ứng cụ thể với các thách thức từ Bắc Kinh.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

NATO đang đối mặt với thách thức quân sự to lớn từ Bắc Kinh