NATO đưa ra tuyên bố vạch rõ kế hoạch ‘sẵn sàng phòng thủ’ trước Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (24/03), NATO đã đưa ra một tuyên bố dài về học thuyết sẵn sàng phòng thủ chống lại Nga, lên án cuộc xâm lược của Moscow đối với Ukraine “bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể”.

Bản tuyên bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cho biết, “Chúng tôi, những nguyên thủ quốc gia và cũng là những người đứng đầu các chính phủ của 30 đồng minh NATO, đã gặp nhau hôm nay để ứng phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương trong nhiều thập niên. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Châu Âu và đang gây ra sự đau khổ và hủy diệt to lớn cho con người.”

Tuyên bố của NATO kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin “ngay lập tức dừng cuộc chiến này” và rút quân khỏi Ukraine, đồng thời thúc giục Nga “kêu gọi Belarus chấm dứt hành động tiếp tay của họ”.

Hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhóm họp tại Brussels trong bối cảnh có nhiều tin tức nổi lên rằng Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuần này, ban lãnh đạo NATO cho biết rằng [họ] sẽ cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, và sẽ điều nhiều quân hơn đến Trung và Đông Âu trong tương lai gần.

Tuy nhiên, họ quyết định không nói rằng NATO sẽ thực thi một vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, theo yêu cầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Các nhà lãnh đạo cũng cho biết họ sẽ không tiến hành một cuộc tẩy chay toàn diện đối với dầu và khí đốt của Nga, vốn là điều mà ông Zelensky đã yêu cầu trong những ngày gần đây.

“Chúng tôi đã đồng ý tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ trong dài hạn hơn. Chúng tôi cũng đã đồng ý cung cấp viện trợ bổ sung cho Ukraine và tiếp tục áp đặt cái giá phải trả đối với Nga”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi các nhà lãnh đạo tập trung tại trụ sở của NATO, theo Reuters.

Người dân sơ tán khỏi thành phố Irpin, phía bắc Kyiv, Ukraine, vào ngày 10/3/2022. (Aris Messinis / AFP qua Getty Images)

Tuyên bố của NATO hôm thứ Năm (24/3) cho biết, các quốc gia thành viên hoàn toàn cam kết với Điều 5 của liên minh, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên NATO là một cuộc tấn công vào tất cả các thành viên.

“Để đối phó với các hành động của Nga, chúng tôi đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ của NATO, khai triển các thành phần của Lực lượng Phản ứng NATO, và bố trí 40,000 binh sĩ ở sườn phía đông của chúng tôi, cùng với các khí tài đáng kể trên không và hải quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO được hỗ trợ bởi các hoạt động điều động quốc gia của các nước Đồng minh", tuyên bố cho biết. “Chúng tôi cũng đang thành lập thêm bốn nhóm tác chiến đa quốc gia ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia”.

Tuyên bố cũng thừa nhận NATO đã huấn luyện quân đội Ukraine từ năm 2014 sau khi Nga thôn tính Bán đảo Crimea và bắt đầu hỗ trợ các khu vực ly khai ở Donbass. Tuyên bố này không cho biết chi tiết số lượng quân đội hoặc khả năng của họ.

“Ukraine có quyền tự vệ căn bản theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, tuyên bố viết. “Kể từ năm 2014, chúng tôi đã hỗ trợ mạnh mẽ khả năng của Ukraine để thực hiện quyền đó. Chúng tôi đã huấn luyện các lực lượng vũ trang của Ukraine, tăng cường khả năng và năng lực quân sự cũng như nâng cao sức chống chịu của họ”.

Trong khi đó, các thành viên NATO “cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ trong các lĩnh vực như an ninh mạng và bảo vệ chống lại các mối đe dọa có tính chất hóa học, sinh học, phóng xạ, và hạt nhân”, tuyên bố tiếp tục.

Hôm thứ Năm (24/03), Tổng thống Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga cùng với gói viện trợ mới nhất dành cho Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến giữa hai nước đang diễn ra.

Theo thông cáo từ Nhà Trắng, Hoa Kỳ đang một lần nữa thêm vào danh sách các mục tiêu Nga bao gồm 400 cá nhân và tổ chức mới chịu lệnh trừng phạt “cấm hoàn toàn”. Đợt mới nhất này bao gồm 48 công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, hơn 300 thành viên của cơ quan lập pháp Nga, cũng như các thành viên hội đồng quản trị và người đứng đầu các tổ chức tài chính Nga.

Tổng thống Joe Biden khi tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương trong một hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Trụ sở NATO ở Brussels hôm 24/03/2022. (Ảnh Getty Images)
Tổng thống Joe Biden khi tham dự cuộc họp của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương trong một hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Trụ sở NATO ở Brussels hôm 24/03/2022. (Ảnh Getty Images)

Nhà Trắng cho biết cùng với thông báo của ông Biden, Nhóm G-7 và EU đã công bố một sáng kiến ​​nhằm ngăn chặn Nga né tránh các lệnh trừng phạt đã được đưa ra. Nỗ lực này bao gồm việc tham gia với các chính phủ khác trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự như các lệnh trừng phạt mà G-7 và các đối tác khác đã áp đặt.

G-7 và EU cũng tuyên bố sẽ chặn các giao dịch liên quan đến vàng có liên kết đến Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, nói rằng điều đó đã được quy định trong các lệnh trừng phạt hiện hành.

Chính phủ Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẵn sàng cung cấp thêm 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho người Ukraine và những người đã chạy khỏi nước này cũng như 320 triệu USD nhằm “hỗ trợ khả năng phục hồi của xã hội và bảo vệ nhân quyền ở Ukraine và các nước láng giềng".

Hoa Kỳ cũng đã công bố kế hoạch tiếp nhận tới 100,000 người tị nạn Ukraine “thông qua đầy đủ các con đường hợp pháp, bao gồm cả Chương trình Tuyển sinh Người tị nạn của Hoa Kỳ”.

Các thông báo trên được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO mà ông Biden tham dự tại Brussels, Bỉ hôm thứ Năm (24/3), đánh dấu một tháng Nga xâm lược Ukraine.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

NATO đưa ra tuyên bố vạch rõ kế hoạch ‘sẵn sàng phòng thủ’ trước Nga