New York Times rút lại quảng cáo kêu gọi ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quảng cáo toàn trang kêu gọi thế giới yêu cầu chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19 đã bị The New York Times (NYT) rút lại vào giờ chót vào tháng 3/2020.

Hãng tin cho biết quảng cáo này không đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Song, thực tế là quảng cáo này đã bị rút lại sau khi đã vượt qua quá trình kiểm duyệt của hãng tin.

Doanh nhân trả tiền cho quảng cáo này nghi ngờ mối quan hệ của hãng tin The New York Times với ĐCSTQ đóng một vai trò nào đó trong sự việc này. Ông chỉ tiết lộ chi tiết vụ việc với The Epoch Times vào đầu năm nay.

Quảng cáo đã được lên kế hoạch chạy vào ngày 22/3/2020. Nó đã được phê duyệt, trả tiền và thậm chí được in và phân phối ở một số địa điểm khi tờ báo quyết định rút lại quảng cáo vào lúc nửa đêm. Quyết định này đã ngăn chặn việc phát hành bản quảng cáo này tại một số thị trường chính của tờ báo, bao gồm các tiểu bang New York và Florida. Quyết định này xảy ra đột ngột đến nỗi, đại diện bán hàng chịu trách nhiệm về quảng cáo này không nhận được thông báo, và khách hàng chỉ phát hiện ra vào sáng hôm sau khi không thể tìm thấy quảng cáo trên báo.

Khách hàng đặt quảng cáo này là ông Brett Kingstone - một nhà môi giới bất động sản ở Florida. Ông ấy đã sao lưu câu chuyện của mình bằng các chuỗi email ghi lại thư từ của bản thân với tờ báo, cũng như hình ảnh bản hợp đồng mà ông ấy đã ký, chi tiết về khoản thanh toán và khoản hoàn trả sau đó của khoản phí quảng cáo trị giá 55.000 USD, cùng với ảnh của quảng cáo khi nó được thúc đẩy ở một số phiên bản ngôn ngữ khác.

Người phát ngôn Danielle Rhoades Ha của New York Times cho biết, quảng cáo này được đăng trên “một ấn bản sớm của ấn phẩm vào ngày Chủ nhật [của hãng tin] và đã bị xóa khỏi tất cả các ấn bản sau đó, vốn chiếm phần lớn [số lượng] các bản in”.

Trao đổi với The Epoch Times qua email, cô nói: “Quảng cáo được đề cập không đáp ứng các tiêu chuẩn của chúng tôi và lẽ ra không nên xuất hiện trên The New York Times”. Nữ đại diện không trả lời câu hỏi về việc liệu hãng tin có phải đối mặt với bất kỳ áp lực nào của ĐCSTQ liên quan đến quảng cáo này hay không. Cô cho biết: “Nó đã bị xóa sau khi bị nhân viên của [New York] Times gắn cờ nội bộ”.

Ông Kingstone đã liên hệ với The New York Times qua email vào ngày 18/3/2020 để đặt yêu cầu về một vị trí quảng cáo tại hãng tin này. Ông vốn là một nhà tài trợ tích cực cho các hoạt động từ thiện và theo tư tưởng truyền thống.

Ông cho biết đã đặt một quảng cáo trong ấn bản Chủ nhật của hãng tin vào năm 2018, và các nhân viên tại đây “đã làm rất tốt trong việc cung cấp những gì đã hứa cả về hiệu suất và vị trí”. Sau đó, ông đã gửi bản nháp của quảng cáo được đề cập và nói: “Tôi muốn làm lại điều tương tự”. Nội dung của quảng cáo này kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tổ chức và bắt đầu các cuộc điều tra, cũng như khởi kiện về nguồn gốc và hậu quả của đại dịch virus Corona Vũ Hán.

Các ấn bản của tờ báo The New York Times được bày trên sạp báo vào ngày 23/7/2008 ở Thành phố New York. (Mario Tama / Getty Images)
Các ấn bản của tờ báo The New York Times được bày trên sạp báo vào ngày 23/7/2008 ở Thành phố New York. (Mario Tama / Getty Images)

Quảng cáo nêu rõ: “Loại virus này là kết quả trực tiếp của sự kém cỏi và vô trách nhiệm của Chính phủ Trung Quốc. Họ cho thấy sự coi thường đối với dân chúng của họ cũng như đối với dân chúng của chúng ta”. Quảng cáo cũng kêu gọi "các vụ kiện trách nhiệm pháp lý lớn" chống lại ĐCSTQ, cũng như các cuộc điều tra vào 2 phòng thí nghiệm của Trung Quốc gần tâm chấn của đại dịch, bao gồm cả Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology - WIV).

Tại thời điểm hồi tháng 3/2020, các nền tảng mạng xã hội và hãng thông tấn lớn đều coi việc phê phán và chỉ trích Viện Virus học Vũ Hán là một chủ đề cấm kỵ. Chỉ đến đầu năm nay, giới truyền thông cánh tả mới thừa nhận rằng các yêu cầu đối với việc điều tra WIV là hợp pháp và virus Corona Vũ Hán có thể đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.

Vào ngày 19/3/2020, người đại diện phụ trách vị trí đặt quảng cáo thông báo với ông Kingstone rằng, bản quảng cáo nháp của ông đã được chấp nhận. Người đại diện cho biết: “Nhóm Khả năng chấp nhận Quảng cáo của tôi đã chấp thuận thông điệp, miễn là chúng tôi có bao gồm các chú thích cuối trang, địa chỉ email của ông, đường viền xung quanh quảng cáo và các tiêu đề quảng cáo”. Sau đó, cả 2 đã trao đổi một số email về các chỉnh sửa kỹ thuật đối với quảng cáo, cũng như biên lai thanh toán phí quảng cáo cần thiết trước khi xuất bản.

Mọi thứ dường như diễn ra suôn sẻ.

Sau đó, vào sáng ngày 22/3/2020, ông Kingstone đã rất ngạc nhiên khi biết quảng cáo không được tìm thấy trong ấn bản Florida của tờ báo. Trong hộp thư điện tử của mình, ông ấy tìm thấy một email từ đại diện bán hàng của The New York Times với nội dung như sau:

“Tôi muốn cho ông biết rằng, đêm qua tôi đã nhận được thông báo rằng nhóm sản xuất của chúng tôi đã rút quảng cáo khỏi quá trình sản xuất mà tôi không hề hay biết. Tôi đang điều tra vấn đề này ngay bây giờ và tôi sẽ liên hệ lại với ông sớm nhất có thể với bất kỳ thông tin cập nhật nào”.

Người đại diện nêu rõ: “Tôi chỉ muốn đảm bảo với ông rằng tôi đang làm việc này và tôi hy vọng sẽ có thể chia sẻ thêm bối cảnh vào thứ Hai, sau khi tôi nói chuyện với những người cần thiết. Tôi sẽ liên lạc vào thứ Hai!”.

Người đại diện này đã rời khỏi hãng tin kể từ thời điểm đó. The Epoch Times không tiết lộ danh tính của cô vì quyền riêng tư của cô ấy.

Ông Kingstone không hề che giấu sự thất vọng của mình. Trong một email trả lời cho người đại diện và yêu cầu hoàn tiền, ông đặt vấn đề: "Tôi muốn biết lý do tại sao họ làm điều này". Ông hỏi liệu những người điều hành hãng tin có đưa ra kết luận cần phải loại bỏ thông điệp cụ thể của ông hay không. Trong email, ông viết: “Tôi đã rất hài lòng với cách NYT cư xử với tôi trong quảng cáo vận động đầu tiên của mình. Họ [xử lý] còn hơn cả công bằng. Giờ đây, nỗi sợ hãi của tôi về sự thiên vị đang được hiện thực hóa”.

Việc hủy hợp đồng với ông Kingstone càng thêm một cái tát thức tỉnh, khi mà tờ The New York Times từng thường xuyên đăng các bài quảng cáo tuyên truyền do một công ty mà ĐCSTQ trực tiếp kiểm soát chi trả.

Dù đã nhận được tiền hoàn lại, ông Kingstone cũng không kết thúc vấn đề tại đó. Khi xảy ra sự việc, trang web của ông vốn được liệt kê trên quảng cáo đã bị tấn công mạng, cùng thời điểm các bản in của tờ báo có đính kèm quảng cáo đã được gửi đến trước cửa nhà của mọi người dân, theo lời ông Kingstone.

Đây là một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên đối với ông Kingstone, người đã có những trải nghiệm xung đột với ĐCSTQ. Chính công ty của ông nhiều năm trước đó đã thắng một vụ kiện tiền lệ chống lại những kẻ làm hàng giả của Trung Quốc. Năm 2005, ông xuất bản một cuốn sách kể chi tiết về câu chuyện của mình, có tên là “The Real War Against America” (Cuộc chiến thực sự chống lại nước Mỹ).

BBC, New York Times, The Guardian, CNN, Washington Post, CNBC… Tất cả đều thuộc truyền thông cánh tả “chống Trump”. (Tổng hợp)
BBC, New York Times, The Guardian, CNN, Washington Post, CNBC… Tất cả đều thuộc truyền thông cánh tả “chống Trump”. (Tổng hợp)

Ông Kingstone bắt đầu tìm hiểu trong vòng quan hệ của mình, và cuối cùng đi đến kết luận rằng ĐCSTQ hẳn đã tham gia vào việc hủy quảng cáo của ông.

Một giám đốc điều hành của New York Times nói với ông rằng, một quan chức ĐCSTQ đã gọi cho lãnh đạo của hãng tin để yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo, ông Kingstone nói. The Epoch Times không thể xác nhận độc lập liệu cuộc gọi điện thoại có thực sự diễn ra hay không. Nỗ lực liên hệ với người điều hành của NYT để lấy ý kiến ​​đã không thành công. Người phát ngôn của hãng tin này không xác nhận cũng không phủ nhận rằng một cuộc điện thoại như vậy đã diễn ra.

Theo ông Pat Laflin, tình huống này mang đậm “dấu ấn về cách thức hoạt động của [ĐCSTQ]”. Ông Laflin là một cựu đặc vụ FBI. Sau khi nghỉ hưu, ông đã hỗ trợ cho cục này khi dẫn dắt một loạt bài giảng cho các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu của Mỹ về hoạt động gián điệp kinh tế của các quốc gia đối địch, bao gồm cả ĐCSTQ.

Trao đổi với The Epoch Times, ông nhận định chắc chắn không có chuyện ĐCSTQ sẽ bỏ qua cho quảng cáo kiểu như vậy. Trong một cuộc điện thoại, ông nêu rõ: “Nếu có bất kỳ điều gì tiêu cực về [ĐCSTQ], [ĐCSTQ] sẽ hét ầm lên”. Ông nhận định, vấn đề chỉ là chế độ này sẽ gây áp lực theo hình thức nào. Ông nói: "Chính xác những gì họ đã nói và nó tinh tế đến mức nào hay không quá tinh tế, đó tất cả là suy đoán. Tôi không biết. Nhưng có cuộc gọi đến không? Có".

Trong nhiều năm, hãng tin The New York Times đã liên tục phải đối mặt với những lời chỉ trích về mối quan hệ của họ với ĐCSTQ. Cuộc tranh cãi kéo dài ít nhất là từ năm 2001, khi người phụ trách xuất bản của tờ báo vào thời điểm đó là ông Arthur Sulzberger Jr. đã gặp gỡ lãnh đạo ĐCSTQ lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân. Dù đã nghỉ hưu từ lâu, phe phái quyền lực của ông Giang trong chế độ ĐCSTQ vẫn gây ảnh hưởng cho đến tận ngày nay.

Tờ báo tích cực khuyến khích không đưa tin về một trong những hành động tàn bạo khủng khiếp nhất mà ĐCSTQ thực hiện - mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên tu luyện Pháp Luân Công. Điều này đã được cựu phóng viên Didi Kirsten Tatlow của New York Times tại Bắc Kinh chỉ ra trong lời khai của cô ấy với Tòa án xét xử Trung Quốc độc lập ở Vương quốc Anh.

Năm ngoái, tờ báo này cuối cùng đã cắt đứt quan hệ với hãng tin China Daily do ĐCSTQ kiểm soát. NYT cũng đã lặng lẽ xóa hàng trăm bài tuyên truyền trả phí khỏi trang web của mình, theo tờ The Washington Free Beacon đưa tin. Hãng tin China Daily đã tiết lộ với các nhà chức trách của liên bang Mỹ về một khoản thanh toán 50.000 USD cho The New York Times vào năm 2018. Hiện không rõ về con số tổng doanh thu mà The New York Times thu được từ các bài quảng cáo của ĐCSTQ.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

New York Times rút lại quảng cáo kêu gọi ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho đại dịch COVID-19