New Zealand áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 22 quan chức an ninh Iran

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ New Zealand đã ban hành lệnh cấm đi lại đối với 22 nhân viên an ninh Iran, bao gồm cả các thành viên của cảnh sát đạo đức, những người có liên quan đến cái chết của cô gái Mahsa Amini; cũng như phản ứng bạo lực đối với các cuộc biểu tình của chính phủ nước này.

Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định New Zealand sẽ luôn ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa và lên án việc chính quyền Iran đàn áp dã man người biểu tình.

“Những gì đã xảy ra với cô gái Mahsa Amini là không thể dung thứ. New Zealand sẽ tiếp tục sát cánh với người dân Iran, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái”, bà Ardern cho biết.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản hồi cùng với các đối tác quốc tế để lên án tình trạng bạo lực và tăng cường giám sát các sự kiện ở Iran; đồng thời ủng hộ cuộc điều tra của một cơ quan độc lập và kêu gọi chính quyền Iran giảm bớt các phản ứng và giảm nhẹ tất cả các bản án tử hình", Thủ tướng New Zealand cho hay.

Các cá nhân nằm trong danh sách trừng phạt của New Zealand bao gồm: Chuẩn tướng Hossein Salami, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC); ông Gholam-Reza Soleimani, Chỉ huy của Basij (lực lượng bán quân sự); ông Hossein Ashtari, Chỉ huy lực lượng cảnh sát; và ông Mohammed Rostami, quan chức đứng đầu lực lượng cảnh sát đạo đức Iran.

Thủ tướng Ardern chỉ ra rằng, nước này có thể áp đặt thêm nhiều lệnh cấm hơn nữa và những cá nhân bị trừng phạt sẽ không được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh ở New Zealand.

Bộ trưởng Ngoại giao Nanaia Mahuta cho biết, các lệnh cấm đã phát đi một "thông điệp mạnh mẽ" rằng, New Zealand sẽ không dung thứ cho việc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình và phủ nhận nhân quyền của chính phủ Iran.

“New Zealand đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Iran theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, liên quan đến việc đóng băng tài sản và cấm xuất khẩu. Hôm nay, chúng tôi tiến xa hơn bằng cách nhắm mục tiêu vào các quan chức có liên quan đến cái chết của cô gái Mahsa Amini và việc đàn áp các cuộc biểu tình sau đó", bà nói.

Bà Mahuta cho biết, nước này sẽ tiếp tục bổ sung thêm các biện pháp khác để gửi "tín hiệu rõ ràng" rằng chính quyền Iran đang hành động không phù hợp với các quyền con người được công nhận trên toàn cầu.

“Những lệnh cấm du lịch này không phải là dấu chấm hết cho các biện pháp trừng phạt của chúng tôi. Các cá nhân bổ sung và các biện pháp tiếp theo đang được [New Zealand] xem xét”, bà nói.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nanaia Mahuta phát biểu trong cuộc họp báo Lao động tại Quốc hội ở Wellington, New Zealand, vào ngày 2/11/2020. (Ảnh: Hagen Hopkins/Getty Images)

New Zealand đã ủng hộ các nỗ lực đa phương của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng đình chỉ vô thời hạn việc đối thoại về vấn đề nhân quyền với Iran.

New Zealand đã thiết lập đối thoại nhân quyền với Iran vào năm 2018 với hy vọng thúc đẩy các mối quan tâm về nhân quyền giữa hai nước.

Cuộc đối thoại đầu tiên được tổ chức vào năm 2021, tuy nhiên, bà Mahuta cho biết các sự kiện gần đây cho thấy quan điểm của Iran về nhân quyền đang xấu đi chứ không hề được cải thiện.

“New Zealand đã nhiều lần kêu gọi Iran kiềm chế và đảm bảo cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân nước này. Trước đây, chúng tôi đã tìm cách nêu lên mối quan ngại song phương về vấn đề nhân quyền ở Iran”, bà Mahuta cho biết vào tháng 10.

“Nhưng để nỗ lực này có hiệu quả và đáng tin cậy, cần phải có sự sẵn sàng lắng nghe và thay đổi [từ phía Iran]", bà nói.

Iran đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình kể sau cái chết của cô gái trẻ Mahsa Amini, 22 tuổi hôm 16/9, chỉ ba ngày sau khi cô bị cảnh sát đạo đức Iran bắt giữ vì "trang phục không phù hợp". (Ảnh: Daniel Slim/Getty Images)

Các cuộc biểu tình ở Iran và những động thái leo thang

Quyết định của New Zealand được đưa ra sau khi chính phủ Iran tuyên bố hành quyết một tù nhân vì cố ý phạm tội ở một trong những cuộc biểu tình đang diễn ra. Chính quyền Iran tuyên bố rằng đây là bản án tử hình đầu tiên mà nước này thực hiện.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng Tehran đã thực hiện ít nhất hàng chục vụ hành quyết những người tham gia biểu tình.

Ông Mahmood Amiry-Moghaddam, Giám đốc của nhóm Nhân quyền Iran có trụ sở tại Oslo, cho biết, vụ hành quyết chính thức đầu tiên này cần phải vấp phải những phản ứng mạnh mẽ, bằng không, những vụ hành quyết những người biểu tình sẽ diễn ra "hàng ngày".

"Việc hành quyết này phải vấp phải những hậu quả thực tế và nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu", ông nói thêm.

Anh Mohsen Shekari đã bị bỏ tù và hành quyết vì bị cáo buộc chặn đường và tấn công một thành viên của lực lượng an ninh bằng dao rựa, khiến người này bị thương và phải khâu vết thương.

Anh Shekari đã bị xét xử và kết án tại Tòa án Cách mạng của Tehran, nơi thường tổ chức các vụ án kín. Anh bị kết án với tội danh “moharebeh”, một từ tiếng Farsi có nghĩa là “gây chiến chống lại Chúa”.

Hàng chục người biểu tình phản đối cái chết của một phụ nữ 22 tuổi bị giam giữ ở Tehran, Iran hôm 21/9/2022. (Ảnh:Stringer/Anadolu/Getty Images)

Giới chức phương Tây đã lên án mạnh mẽ vụ hành quyết, trong đó Ngoại trưởng Úc Penny Wong kêu gọi Iran cần "dừng tay ngay lập tức".

“Úc vô cùng lo lắng trước các nguồn tin cho rằng Iran đã hành quyết một người biểu tình vào sáng sớm hôm nay”, bà viết trên Twitter.

Trong khi đó, phát ngôn viên phụ trách đối ngoại của New Zealand Green Golriz Gahraman cho rằng, chính phủ cần có hành động mạnh mẽ hơn nữa để gửi thông điệp tới Iran.

Bà nói: “Về phương diện này, lệnh cấm đi lại mà chính phủ công bố hôm nay nghe có vẻ quan trọng - nhưng thực tế là nó có rất ít tác động đối với những cá nhân bị nhắm mục tiêu. Quyết định có thể tạo ra sự khác biệt là đóng băng tài sản của những cá nhân này, cắt đứt quan hệ ngoại giao và chỉ định IRGC là một tổ chức khủng bố".

Tác giả: Rebecca Zhu - The Epoch Times

Lam Giang biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

New Zealand áp đặt lệnh cấm đi lại đối với 22 quan chức an ninh Iran