Nga cảnh báo hậu quả nếu Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga cho rằng châu Âu sẽ bất ổn nếu NATO tiếp tục mở rộng và kết nạp hai quốc gia trung lập Thụy Điển, Phần Lan.

"Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho lục địa châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 11/4 khi được hỏi về khả năng Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia trung lập, gia nhập NATO.

Ông Peskov không nêu biện pháp bổ sung cụ thể là gì, nhưng nhấn mạnh Nga phải "tái cân bằng tình hình" và Moscow sẽ phải củng cố sườn phía tây biên giới, theo hãng tin RT.

Nga cũng đã nói rõ rằng nước này coi "lằn ranh đỏ" là việc NATO mở rộng hơn nữa về phía đông. Các nhà phân tích và chuyên gia Nga cũng cảnh báo động thái gia nhập NATO của Phần Lan có nguy cơ làm quan hệ của Helsinki với Moscow xấu đi.

Trước đó, hôm 8/4, Nga cũng cảnh báo về hậu quả của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

“Mọi thứ được tạo ra để răn đe lẫn nhau. Nếu một bên - và chúng tôi coi NATO là một bên - mạnh hơn bên kia, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, nó sẽ được coi là mối đe dọa đối với toàn bộ cấu trúc an ninh và chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp bổ sung”, ông Dmitry Peskov trả lời phỏng vấn của hãng Sky News.

Khả năng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Báo The Times ngày 11/4 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã được thảo luận trong nhiều phiên họp của ngoại trưởng các nước thành viên NATO vào tuần trước. Cuộc họp cũng có sự tham dự của các quan chức Phần Lan và Thụy Điển.

Phần Lan dự kiến nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 6, sau đó đến Thụy Điển. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin vào đầu tháng 4 tuyên bố đã đến lúc Phần Lan nghiêm túc xem xét lại lập trường của mình đối với NATO.

"Nga không phải là nước láng giềng như chúng tôi tưởng", bà Marin phát biểu, đồng thời nói sẽ đưa ra quyết định "kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng".

"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận rất cẩn thận, nhưng chúng tôi cũng sẽ không mất nhiều thời gian hơn cần thiết vì tình hình rất nghiêm trọng”, thủ tướng Phần Lan nói thêm.

Trong khi đó, Thụy Điển đang đánh giá chính sách an ninh và quá trình này sẽ kết thúc vào cuối tháng tới.

“Tôi không loại trừ việc trở thành thành viên NATO dưới bất kỳ hình thức nào”, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu cách đây hai tuần.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực của NATO, đặc biệt là khả năng thu thập thông tin tình báo và củng cố lực lượng không quân.

“Thụy Điển và Phần Lan sẽ có những đóng góp thực sự cho NATO”, báo The Times dẫn lời một nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu cho biết.

Những quốc gia trung lập

Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin yêu cầu NATO ngừng mở rộng và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga.

Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Xuyên suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.

Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO, nhưng không trở thành thành viên chính thức của khối này.

Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Nga cảnh báo hậu quả nếu Thụy Điển, Phần Lan gia nhập NATO