Nga cáo buộc Anh 'đồng lõa' trong vụ tấn công Hạm đội Biển Đen và phá hủy đường ống Nordstream

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuối tháng trước, Nga đã đưa ra tuyên bố gây sốc khi cáo buộc, "các chuyên gia Anh" đã can thiệp vào một cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của họ. Đến nay, Moscow tiếp tục khẳng định rằng, cũng nhóm "chuyên gia" này đã tham gia vào một cuộc tấn công hồi tháng 9 nhằm vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của họ. London đã bác bỏ những cáo buộc này.

Theo ông Fereydoun Barkeshli, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Năng lượng Vienna, Anh và Nga có lịch sử thù địch lẫn nhau, trong đó “đổ lỗi là tên của trò chơi này”.

Ông Barkeshli nói với The Epoch Times: “Nhưng đã nhiều tuần sau vụ tấn công đường ống, đến nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng nào về việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm sau vụ việc”.

Hạm đội Biển Đen của Nga
Tàu quét mìn của hải quân Nga Turbinist tuần tra bến cảng Sevastopol, Ukraine vào ngày 10/3/2014. (Ảnh: Viktor Drachev/AFP/Getty Images)

Nga đổ lỗi cho London

Vào ngày 29/10, các tàu hải quân của Nga tại Cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea đã bị tấn công bởi nhiều máy bay không người lái bằng đường không và đường thủy. Theo các nguồn tin của Nga, một tàu quét mìn đã bị hư hại sau vụ việc.

Ngay sau đó, các quan chức Nga cáo buộc Ukraine đã thực hiện vụ tấn công với sự hỗ trợ của các “chuyên gia” quân sự Anh.

“Việc chuẩn bị cho hành động khủng bố này… được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Anh ở thị trấn Ochakiv, miền nam Ukraine”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố, đồng thời khẳng định họ có bằng chứng cho khẳng định này.

Bộ Quốc phòng Nga thậm chí còn đi xa hơn, cho biết cùng một nhóm các “chuyên gia” Anh kể trên đã tham gia vào một cuộc tấn công hồi tháng 9 nhằm vào đường ống dẫn khí đốt chiến lược Nord Stream của Nga.

“Theo thông tin hiện có, đại diện của đơn vị này của Hải quân Anh đã tham gia vào việc lập kế hoạch, cung cấp và thực hiện cuộc tấn công khủng bố ở Biển Baltic", Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

London đã nhanh chóng phản ứng, bác bỏ các cáo buộc của Nga là "tuyên bố sai lầm ở quy mô hoành tráng" nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi "cuộc xâm lược Ukraine bất hợp pháp".

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một tuyên bố: “Câu chuyện bịa đặt này đề cập nhiều hơn về những tranh luận đang diễn ra bên trong chính phủ Nga hơn là về phương Tây”.

Các quan chức ở Kyiv cũng vào cuộc. Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, cáo buộc Nga thực hiện “các cuộc tấn công khủng bố hư cấu vào các cơ sở của chính họ”.

Khí thoát ra từ một điểm rò rỉ trên đường ống Nord Stream 2 dưới đáy biển Baltic, 28/09/2022. (Tuần duyên Thụy Điển qua NTDVN)

Lật lại hiện trường vụ án

Vào ngày 26/9, đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga đã bị cố ý chọc thủng ở bốn vị trí khác nhau trong lãnh hải của Thụy Điển và Đan Mạch. Đường ống nối các mỏ khí đốt của Nga với Bắc Âu và đã ngừng hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ tấn công.

Vụ việc đã làm dấy lên một loạt cáo buộc giữa các quốc gia phương Tây và Moscow. Trong vòng vài ngày sau khi xảy ra vụ vỡ đường ống, các nhà điều tra Thụy Điển và Đan Mạch đã kết luận rằng nguyên nhân là do nhiều vụ nổ dưới đáy biển. Tuy nhiên, họ không nêu tên bất kỳ đối tượng tình nghi nào.

Căng thẳng leo thang vào giữa tháng 10 khi Thụy Điển đột ngột tạm dừng một cuộc điều tra chung với Đan Mạch và Đức, với lý do lo ngại về “an ninh quốc gia”.

Vào ngày 21/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích ba quốc gia về điều mà ông gọi là “không sẵn sàng tìm hiểu sự thật”.

Tuy nhiên, một tuần sau, Stockholm đã mở lại vụ án - lần này có sự giúp đỡ của quân đội nước này.

“Tôi đã quyết định cùng với cảnh sát an ninh thực hiện một số cuộc điều tra bổ sung tại hiện trường vụ án”, công tố viên Thụy Điển chịu trách nhiệm về vụ án cho biết vào ngày 28/10.

Ông Barkeshli nói: “Thụy Điển có vẻ như đang đi một vòng quanh. Đất nước đang trên đường gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì vậy họ muốn tránh xa Anh".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tại Moscow, Nga, vào ngày 23/12/2021. (Ảnh: Getty Images)

'Không có bằng chứng cụ thể'

Nga tiếp tục khẳng định về sự đồng lõa của Anh vào ngày 1/11. Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Peskov nói với các phóng viên: "Có bằng chứng cho thấy Anh tham gia vào việc phá hoại ... một hành động khủng bố đối với các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng [của Nga]".

“Những hành động như vậy không thể bị gạt sang một bên", ông nói và bổ sung thêm rằng Moscow đang xem xét việc thực hiện “các bước tiếp theo”.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Rishi Sunak phản pháo rằng, Vương quốc Anh sẽ không bị cuốn vào “những thứ gây xao nhãng” vốn là “một phần trong vở kịch của Nga”.

Theo ông Barkeshli, có rất ít tiến triển mà Nga có thể thực hiện để chống lại Anh, ít nhất là trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông nói: “Không có sự hiện diện của Anh bên trong Ukraine và Anh không phải là nước đóng góp chính cho các nỗ lực quốc phòng của Ukraine. Như vậy, bất kỳ tổn hại nào mà người Nga có thể gây ra cho Anh đều phải được thực hiện bên ngoài vùng chiến sự”.

Ông nói thêm: "Đối đầu trực tiếp hoặc đối đầu [với Vương quốc Anh] không phải là một lựa chọn cho Nga".

Tuy nhiên, vào ngày 3/11, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập ông Deborah Bronnert, đại sứ của Vương quốc Anh tại Moscow, với mục đích nêu rõ là đưa ra "bằng chứng" cho những cáo buộc của họ.

Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc họp, Bộ này cho biết họ đã nói với ông Bronnert rằng “các hành động đối đầu” của Vương quốc Anh sẽ “làm leo thang tình hình” và dẫn đến “hậu quả nguy hiểm”.

Bộ tiếp tục khẳng định rằng, các lực lượng vũ trang của Anh đã huấn luyện cho các quân nhân Ukraine, bao gồm cả huấn luyện về “kỹ năng phá hoại dưới đáy biển”.

Các quan chức Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng "bằng chứng" được trình bày trước ông Bronnert sẽ sớm được công bố.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm viết bài, bằng chứng về sự đồng lõa của Anh trong vụ tấn công tại Sevastopol hoặc phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nordstream, vẫn chưa được trình bày trong bất kỳ diễn đàn công khai nào.

“Cho đến thời điểm này, không có bằng chứng cứng rắn nào được công khai”, ông Barkeshli cho biết.

Thủ tướng Anh bà Liz Truss chính thức từ chức ngày 20/10/2022 chỉ sau 6 tuần tại vị, trở thành vị thủ tướng có thời gian tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh quốc. (Ảnh: Leon Neal/Getty Images)

Điện thoại của bà Liz Truss bị hack

Vào cuối tháng 10, báo chí Anh đưa tin, điện thoại cá nhân của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã bị Nga "xâm nhập" (hack) khi bà đang giữ chức Ngoại trưởng.

Bà Truss giữ chức Ngoại trưởng Vương quốc Anh trong một năm trước khi đảm nhận chức vụ Thủ tướng.

Một phát ngôn viên của chính phủ Anh đã đáp trả các tuyên bố về vụ hack điện thoại rằng, London có “các hệ thống mạnh mẽ để bảo vệ khỏi các mối đe dọa an ninh mạng”.

Điện Kremlin cũng bác bỏ các tuyên bố này. Ông Peskov nói, “Thật không may, việc thiếu hụt bằng chứng trên các phương tiện truyền thông Anh được coi là rất nghiêm trọng”.

Nhưng câu chuyện không kết thúc ở đó.

Vào ngày 30/10, ông Kim Dotcom, một doanh nhân công nghệ người Đức gốc Phần Lan, tuyên bố rằng bà Truss đã gửi một tin nhắn văn bản có nội dung “Đã xong” cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay sau vụ tấn công đường ống Nordstream.

“Làm thế nào mà người Nga biết rằng Anh đã cho nổ tung các đường ống dẫn khí đốt Nordstream khi hợp tác với Mỹ?”, ông Dotcom hỏi qua Twitter.

“Bởi vì bà Liz Truss đã sử dụng iPhone của bà để gửi tin nhắn đến đến ông Blinken nói rằng “Đã xong”, chỉ một phút sau khi đường ống phát nổ và trước khi bất kỳ ai khác biết về vụ việc”, ông cáo buộc.

Mặc dù ông Dotcom không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố trên, nhưng phía Nga đã nhanh chóng nắm bắt khẳng định này.

Vào ngày 1/11, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết London nên đưa ra một tuyên bố trước cáo buộc của ông Dotcom. Bà nói với các phóng viên: “Hàng triệu người trên thế giới có quyền được biết [sự thật]".

Vào ngày 6/11, ông Sergey Naryshkin, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga, nói với kênh truyền hình Rossiya-1 rằng ông đã "xác nhận gián tiếp" rằng cáo buộc trên là đúng.

Trong khi đó, chính phủ Anh vẫn chưa đưa ra bình luận về các cáo buộc trên.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nga cáo buộc Anh 'đồng lõa' trong vụ tấn công Hạm đội Biển Đen và phá hủy đường ống Nordstream