Nga chỉ trích gay gắt bình luận của ông Macron về việc Moscow đang trở thành 'chư hầu' của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với giới truyền thông, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Moscow thực sự đã trở thành chư hầu của Bắc Kinh vì họ bị cô lập do cuộc chiến Nga - Ukraine. Về vấn đề này, các quan chức Nga đã chỉ trích gay gắt phát biểu của ông Macron, trong khi các phương tiện truyền thông chính thức của Bắc Kinh ủng hộ sự hợp tác giữa hai bên vì sự phát triển của vùng Viễn Đông.

Nga chỉ trích phát biểu của ông Macron ở Bắc Kinh

Theo hãng tin Reuters, giới chức Nga ngày 15/5 đã chỉ trích bình luận của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc Moscow đã khuất phục và trở thành chư hầu của Bắc Kinh. Đồng thời, Moscow cho rằng các nước phương Tây phải thích nghi với một trật tự thế giới mới dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa Điện Kremlin với Bắc Kinh.

Cuộc tranh luận dường như tập trung vào các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow vào hồi tháng Ba. Vào thời điểm đó, ông Putin và ông Tập đã tuyên bố sau cuộc hội đàm rằng họ đang làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược bằng cách bước vào một "kỷ nguyên mới" của quan hệ song phương.

Đồng thời, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mối quan hệ giữa Moscow với Bắc Kinh là quan hệ đối tác chiến lược và không liên quan gì đến sự phụ thuộc về mặt chính trị và kinh tế.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho biết chính quyền Paris do ông Macron lãnh đạo đang bận tâm đến việc Moscow tăng cường quan hệ với Bắc Kinh và những thay đổi ngụ ý đối với trật tự thế giới.

Ông Grushko viết trong một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại Giao Nga: “Phương Tây nhìn chung có vẻ lo sợ về việc hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đa phương thực sự, một hệ thống bao gồm một số trung tâm độc lập riêng biệt, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh thế giới đang phát triển như thế này, không thể tránh khỏi việc ông Macron, cùng với các nhà lãnh đạo khác ở phương Tây, sẽ phải chấp nhận thực tế về mối quan hệ mạnh mẽ, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa Moscow và Bắc Kinh”.

Ngày 14/5, nhật báo l'Opinion của Pháp đã đăng bài phỏng vấn độc quyền với Tổng thống Macron. Trong cuộc phỏng vấn, ông Macron tuyên bố rằng Điện Kremlin đã bị cộng đồng toàn cầu cô lập do Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Tổng thống Pháp nhận định rằng về mặt địa chính trị, Nga đã thua trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, và trên thực tế, nước này đã bắt đầu một hình thức chư hầu hóa với Trung Quốc và đánh mất quyền tiếp cận Biển Baltic - vùng biển vô cùng trọng yếu đối với Nga. Theo ông Macron, nguyên nhân là do chiến tranh Nga - Ukraine đã thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Macron nói: "Vào thời điểm hai năm trước, thì đây là điều không tưởng. Vì vậy, đây có thể nói là một bước thụt lùi địa chính trị của Nga. Thực tế là Nga lẽ ra không nên thắng trong cuộc chiến tranh này".

Bắc Kinh ủng hộ hợp tác song phương vì sự phát triển của vùng Viễn Đông

Gần đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ra thông báo cho biết cơ quan này cho phép đưa thêm cảng Vladivostok của Nga vào danh sách các cảng trung chuyển để vận chuyển hàng hóa thương mại nội địa xuyên biên giới tại tỉnh Cát Lâm, thuộc vùng Đông Bắc Trung Quốc từ ngày 1/6.

Vào ngày 16/5, tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times), phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ, đã đăng một bài bình luận "Không gian hợp tác giữa Trung Quốc và Nga ở vùng Viễn Đông vượt xa Vladivostok”.

Bài báo viết: "Các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm không có cảng biển và họ đã trung chuyển hàng hóa đường biển từ cảng Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh trong một thời gian dài. Nếu họ quá cảnh ở cảng Vladivostok trong tương lai, thì khoảng cách vận chuyển đường bộ có thể được rút ngắn bởi hơn hàng trăm km, và chi phí sẽ giảm đi rất nhiều. Đối với Vladivostok và đối với vùng Viễn Đông Nga rộng lớn hơn, sự kết nối sâu hơn và chặt chẽ hơn với vùng Đông Bắc Trung Quốc chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn nữa”.

"Sự hợp tác giữa hai nước vì mục tiêu phát triển vùng Viễn Đông vẫn còn bị đánh giá thấp và tiềm năng to lớn vẫn chưa được khai phá”, theo bài báo.

Đây sẽ là lần đầu tiên sau 163 năm các tỉnh Hắc Long Giang và Cát Lâm của Trung Quốc có thể đi ra biển mà không cần phải vận chuyển bằng đường bộ đến tỉnh Liêu Ninh kể từ khi hai bên ký kết “Hiệp ước Bắc Kinh” vào năm 1860.

Bài báo của tờ Global Times cho rằng việc Nga mở lại cảng đầu mối quan trọng này cho Trung Quốc sau 163 năm sẽ tạo điều kiện giúp các khu vực nằm sâu trong lục địa ở vùng Đông Bắc nước này mở đường ra biển, rút ngắn đáng kể khoảng cách vận chuyển bằng đường bộ ra biển từ hai tỉnh miền Đông Bắc Trung Quốc. Do đó, nỗ lực này sẽ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh sản xuất của hai tỉnh này.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc khơi dậy những ký ức về các tranh chấp lãnh thổ trong lịch sử giữa hai nước.

Tranh chấp chủ quyền vùng Vladivostok

Kể từ thế kỷ 13, Vladivostok (Trung Quốc gọi là Yongmingcheng) từng là lãnh thổ của Trung Quốc và đã xuất hiện trên các bản đồ chính thức của nước này. Thành phố cảng sau đó được đổi tên thành Haishenwai (Hải Sâm Uy) - có nghĩa là Đầm Hải Sâm, ngày nay vẫn được dùng với tên hoàng gia Nga là Vladivostok.

Vùng Primorsky của Nga, với thủ phủ là Vladivostok, từng là quê hương của tộc người Mãn Châu. Đây là nhóm dân tộc cai trị triều đại nhà Thanh. Tuy nhiên, sau khi Trung Quốc bị Anh và Pháp đánh bại trong Chiến tranh nha phiến lần hai vào năm 1860, Vladivostok đã bị Đế quốc Nga kiểm soát.

Năm 2001, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Giang Trạch Dân đã ký một hiệp ước với Tổng thống Nga Vladimir Putin có tiêu đề "Hiệp ước về Hợp tác và Hữu nghị Láng giềng Trung - Nga".

Trong hiệp ước, Giang chính thức thừa nhận các vùng lãnh thổ của Trung Quốc bị Nga sáp nhập từ thời nhà Thanh, đồng thời nhượng vĩnh viễn ít nhất 1,5 triệu km vuông lãnh thổ Trung Quốc cho Nga, bao gồm Wulianghai, đảo Sakhalin và Vladivostok (Đầm Hải Sâm) - tương đương với diện tích của hàng chục hòn đảo Đài Loan.

Trong những năm gần đây, ở Trung Quốc đã có những tiếng nói phản đối lập trường chính thức của ĐCSTQ đối với những vùng đất được “hiến tặng” cho Nga.

Nằm ở phía Đông Bắc của lục địa Á - Âu, Vladivostok là thành phố cảng lớn nhất bên bờ biển Thái Bình Dương của Nga, với sản lượng container thông qua hàng năm đạt gần 1 triệu TEU. Cảng này cũng là nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Nga.

Huyền Anh tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nga chỉ trích gay gắt bình luận của ông Macron về việc Moscow đang trở thành 'chư hầu' của Bắc Kinh