Nga có thể sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cuộc trưng cầu dân ý do Nga tổ chức có thể dẫn đến việc sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine sẽ kết thúc vào hôm nay (27/9). Kazakhstan, đồng minh thân cận của Nga tuyên bố không công nhận kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này.

Cuộc bỏ phiếu ở bốn tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia của Ukraine ở phía đông và đông nam bắt đầu vào thứ Sáu (23/9) đã bị các quốc gia phương Tây bác bỏ là "một trò giả dối" và tuyên bố không công nhận kết quả.

Lệnh động viên một phần của Tổng thống Nga Putin kêu gọi khoảng 300.000 lính dự bị đã dẫn đến cuộc biểu tình kéo dài đầu tiên kể từ khi cuộc xâm lược nổ ra. Theo ước tính của một nhóm giám sát, ít nhất 2.000 người đã bị bắt cho đến nay. Mọi chỉ trích của công chúng về "hoạt động quân sự đặc biệt" của Nga đều bị cấm tại nước này.

Bốn tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga từ ngày 23/9 đến ngày 27/9 (Ảnh: TASS).

Tờ Reuters đưa tin, các chuyến bay rời khỏi Nga đã cháy vé và ô tô bị tắc nghẽn ở các trạm kiểm soát biên giới. Bên cạnh đó, xuất hiện các báo cáo về việc người dân xếp hàng dài 48 giờ tại biên giới đường bộ duy nhất tới Gruzia, nước láng giềng thân phương Tây hiếm hoi cho phép công dân Nga nhập cảnh mà không cần thị thực.

Khi được hỏi về viễn cảnh biên giới bị đóng cửa sau lệnh huy động một phần quân dự bị của Tổng thống, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (26/9): "Hiện tại, chưa có quyết định nào về vấn đề này".

Việc huy động lực lượng cũng đã chứng kiến ​​sự chỉ trích không ngừng đối với các nhà chức trách trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga kiểm soát kể từ khi chiến tranh bắt đầu, theo Reuters.

Tuy nhiên, ông Sergei Tsekov, một nhà lập pháp cấp cao đại diện cho Crimea do Nga sáp nhập tại Thượng viện Nga, nói với hãng tin RIA Novosti: "Tất cả những người trong độ tuổi nhập ngũ nên bị cấm ra nước ngoài trong tình hình hiện nay".

Moscow cho biết, họ muốn xóa sổ những người theo chủ nghĩa dân tộc và bảo vệ các cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraine. Kyiv và phương Tây mô tả hành động của Nga là một cuộc chiến tranh xâm lược vô cớ.

Donetsk vẫn là mục tiêu số 1

Hôm 26/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy mô tả tình hình quân sự ở Donetsk là "đặc biệt nghiêm trọng", theo Reuters.

“Tình hình vùng Donetsk đặc biệt nghiêm trọng. Chúng tôi đang làm mọi cách kiềm chế hoạt động của Nga”, ông Zelenskyy nhấn mạnh trong video phát biểu đêm 26/9. “Chúng tôi đang làm tất cả để kiềm chế hoạt động của đối phương. Đây là mục tiêu số một hiện nay, vì Donbass vẫn là mục tiêu hàng đầu của kẻ thù".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phát biểu qua video trong phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, hôm 21/9/2022 tại Thành phố New York. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Nga đã thực hiện ít nhất 5 cuộc tấn công vào các mục tiêu ở khu vực Odesa bằng máy bay không người lái của Iran trong vài ngày qua, theo nguồn tin của chính quyền khu vực.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết, họ đã phá hủy 4 máy bay không người lái Shahed-136 "kamikaze". Reuters không thể xác minh ngay các báo cáo này.

Trong bối cảnh này, các nguồn tài trợ của Mỹ tới Ukraine vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ, bao gồm gần 12 tỷ USD viện trợ quân sự và kinh tế mới cho Ukraine đã đạt được đồng thuận tại Quốc hội Mỹ hôm 26/9.

Cuộc trưng cầu dân ý - động thái thôn tính khu vực?

Vài ngày trước khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine hồi tháng 2, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, hai tỉnh hợp thành vùng Donbass. Hai khu vực ly khai này đã tách khỏi kiểm soát của chính phủ Ukraine vào năm 2014 và tự xưng là hai nước “cộng hòa nhân dân” độc lập.

Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này sẽ bảo vệ bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà họ sáp nhập bằng cách sử dụng mọi loại vũ khí mà họ có trong tay. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó cảnh báo, Mỹ sẽ đáp trả "dứt khoát" đối với bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Moscow.

Khi được hỏi về bình luận của ông Sullivan, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cho biết hôm 26/9 rằng: "Có những kênh đối thoại ở cấp độ thích hợp, mặc dù chúng khá rời rạc. Ít nhất chúng cho phép trao đổi một số thông điệp khẩn cấp về lập trường của nhau".

Các động thái thôn tính các khu vực của Ukraine có thể diễn ra nhanh chóng, theo Reuters.

Hãng thông tấn TASS tuần trước dẫn lời một nguồn tin giấu tên từ Duma quốc gia Nga cho biết, quốc hội nước này có thể tranh luận về một dự luật liên quan đến việc hợp nhất một số tỉnh của Ukraine vào ngày 29/9 tới. Còn theo hãng tin RIA, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể chuẩn bị đưa ra một bài phát biểu chính thức cho một phiên họp chung bất thường của cả Thượng và Hạ viện vào ngày 30/9.

Không có tỉnh nào trong số các tỉnh được đề cập hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Moscow và các cuộc giao tranh đã diễn ra dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Theo đó, các lực lượng Ukraine báo cáo họ đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng kể từ khi Nga di chuyển đến Kharkiv vào đầu tháng này.

Moscow cho biết việc bỏ phiếu là tự nguyện và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao. Trong cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea năm 2014, Nga tuyên bố 97% người dân đã bỏ phiếu đồng ý cho việc sáp nhập khu vực này với Nga.

Ngay cả các đồng minh truyền thống của Nga như Serbia và Kazakhstan cũng cho biết họ sẽ không công nhận các cuộc bỏ phiếu sáp nhập.

Kazakhstan từ chối công nhận các cuộc trưng cầu dân ý của Nga

Kazakhstan tuyên bố sẽ không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý do Điện Kremlin tổ chức tại 4 khu vực bị chiếm đóng ở Ukraine, mặc dù nước này là đồng minh thân cận của Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kazakhstan Aibek Smadiyarov hôm 26/9 cho biết, lập trường của Kazakhstan về cuộc trưng cầu dân ý là nhất quán với các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như mong muốn chung sống trong hòa bình.

Ông nói: “Chúng tôi xin xác nhận sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho cơ sở của một cuộc đối thoại chính trị. Đồng thời, đất nước chúng tôi tin rằng duy trì sự ổn định ở cấp độ khu vực hoặc toàn cầu là mục tiêu quan trọng nhất”.

Bằng cách kết hợp các khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga, Moscow có thể mô tả các cuộc tấn công nhằm tái chiếm lại những khu vực này như một cuộc tấn công vào chính nước Nga. Đây cũng là lời cảnh báo đối với Ukraine và các đồng minh phương Tây.

Ukraine và các đồng minh đã cáo buộc các cuộc trưng cầu dân ý được thiết kế để biện minh cho sự leo thang của chiến tranh, cũng như động thái huy động lực lượng của Moscow sau những tổn thất gần đây trên chiến trường.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev phát biểu trong phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, hôm 24/9/2019 tại Trụ sở Liên Hợp quốc ở thành phố New York. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã nhiều lần kêu gọi giải quyết xung đột Ukraine phù hợp với hiến chương Liên Hợp quốc.

Ông Tokayev cho biết vào tháng 6 rằng, Kazakhstan sẽ không công nhận các nước cộng hòa tự xưng là Donetsk và Luhansk, tờ Anadolu Agency đưa tin.

“Nếu quyền dân tộc tự quyết được áp dụng trên toàn thế giới, thì sẽ có hơn 600 quốc gia thay vì 193 quốc gia hiện là thành viên của Liên Hợp quốc. Tất nhiên, điều đó sẽ gây ra sự hỗn loạn”, ông Tokayev nói tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg.

Ông Tokayev tuyên bố rằng Kazakhstan không công nhận Đài Loan, Kosovo, Nam Ossetia hoặc Abkhazia cũng vì lý do này, và nguyên tắc tương tự sẽ áp dụng cho các lãnh thổ bán nhà nước như Luhansk và Donetsk.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Nga có thể sáp nhập 15% lãnh thổ Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý