Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân mạnh hơn nữa đến Belarus

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết Nga có thể đặt vũ khí hạt nhân chiến lược mạnh mẽ ở Belarus, bên cạnh các đầu đạn hạt nhân chiến thuật mà trước đó Moscow đã lên kế hoạch triển khai.

Trong bài phát biểu thường niên trước các nhà lập pháp và quan chức chính phủ, ông Lukashenko cho biết kế hoạch của Moscow triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của đồng minh thân cận sẽ giúp bảo vệ Belarus trước cái gọi là "sự đe doạ" của phương Tây.

"Tôi không cố gắng đe dọa hay tống tiền bất kỳ ai. Tôi muốn bảo vệ nhà nước Belarus và đảm bảo hòa bình cho người dân Belarus", ông Lukashenko nói.

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy (1/4) nói rằng các tên lửa hạt nhân chiến thuật sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Moscow, Lukashenko gợi ý rằng ông có thể sử dụng chúng với sự đồng ý của Nga nếu Belarus bị đe dọa hủy diệt.

Ông cũng đưa ra triển vọng triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược - tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể phá hủy toàn bộ một thành phố từ hàng ngàn cây số - trên đất Belarus.

"Tôi và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đưa ra quyết định chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược tới Belarus nếu cần", nhà lãnh đạo Belarus nói trong bài phát biểu dài hàng giờ trên truyền hình quốc gia. “Chúng tôi sẽ không loại trừ phương pháp nào để bảo vệ đất nước, nhà nước và người dân”.

Ông Lukashenko cho biết Belarus có đủ vũ khí thông thường để chống lại các mối đe dọa, "nhưng nếu chúng tôi thấy rằng đằng sau các mối đe dọa là sự hủy diệt đất nước, chúng tôi sẽ sử dụng mọi thứ mà mình có".

"Một tuần trước, tôi ra lệnh cho quân đội khôi phục ngay lập tức các địa điểm từng triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Topol", ông Lukashenko nói, đồng thời cho biết đã ra lệnh bảo quản phần lớn cơ sở này sau khi Nga rút vũ khí hạt nhân khỏi Belarus vào những năm 1990.

RT-2PM Topol là mẫu ICBM được phát triển từ thời Liên Xô với tầm bắn 11.000 km. Sau khi Liên Xô tan rã, Belarus từng có hai trung đoàn Topol với 18 đầu đạn hạt nhân. Moskva và Minsk tháng 9/1993 ký thỏa thuận chuyển 81 tổ hợp Topol cùng đầu đạn hạt nhân về Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moscow, ngày 17/2/2023. (Ảnh: VLADIMIR ASTAPKOVICH/SPUTNIK/AFP via Getty Images)

Tổng thống Belarus không đưa ra bằng chứng nào về mối đe dọa như vậy từ phương Tây, hoặc về một cáo buộc khác rằng Ba Lan, một nước thành viên NATO đang có kế hoạch xâm lược Belarus.

"Hãy tin lời tôi, tôi chưa bao giờ lừa dối các bạn. Họ đang chuẩn bị xâm lược Belarus, để phá hủy đất nước của chúng ta", nhà lãnh đạo Belarus nói với khán giả. Ông cũng khẳng định rằng mình không sợ khả năng phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.

Tổng thống Belarus tuyên bố rằng sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kyiv làm gia tăng khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân ở Ukraine và lực lượng đặc biệt của Belarus đã có mặt ở biên giới phía nam của đất nước với Ukraine "để ngăn chặn các hành động khiêu khích".

Ông Lukashenko đưa ra tuyên bố sau khi Tổng thống Nga thông báo sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Tổng thống Putin khẳng định động thái này không có gì bất thường và Mỹ làm điều này trong nhiều thập kỷ, cũng như cho biết Nga không chuyển quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp vào hôm thứ Sáu (31/3), theo yêu cầu của Mỹ và Albania, để thảo luận về kế hoạch của ông Putin. Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Robert Wood cáo buộc ông Putin "leo thang hành vi nguy hiểm và gây bất ổn của Nga" với lời đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.

Đại sứ tại Liên Hợp Quốc của Nga Vassily Nebenzia nói với Hội đồng bảo an rằng ông Putin "đã nói rõ về việc chúng tôi không chuyển giao vũ khí hạt nhân, chúng tôi đang nói về việc chuyển giao cho Belarus các tổ hợp tên lửa chiến thuật đang hoạt động".

Trung Quốc, đối tác chiến lược của Moscow, không đề cập cụ thể các kế hoạch của ông Putin. Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Geng Shuang nói rằng Bắc Kinh ủng hộ việc "các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân không triển khai vũ khí hạt nhân ra nước ngoài và thu hồi vũ khí hạt nhân triển khai trên tàu".

Trong bài phát biểu của mình, ông Lukashenko cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, vô điều kiện trên chiến trường Ukraine, cảnh báo rằng Nga sẽ buộc phải sử dụng "vũ khí khủng khiếp nhất" nếu cảm thấy bị đe dọa.

"Không thể đánh bại một cường quốc hạt nhân. Nếu giới lãnh đạo Nga hiểu rằng tình hình có nguy cơ khiến nước Nga tan rã, họ sẽ sử dụng vũ khí khủng khiếp nhất. Điều này không thể được phép", ông nói.

Belarus giáp với các thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia. Belarus có quan hệ chặt chẽ với Nga và từng cho nước này sử dụng lãnh thổ để tiến công Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Lukashenko nhiều lần nhấn mạnh quân đội Belarus không tham gia chiến sự Nga - Ukraine.

Viên Minh (Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân mạnh hơn nữa đến Belarus