Nga đe dọa cắt cung cấp khí đốt sang Châu Âu qua đường ống Nord Stream 1

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga đe doạ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Nords Stream 1, một động thái đáp trả của nước này trước hàng loạt các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga do xung đột Nga - Ukraine. Hệ quả của động thái này có thể kéo theo sự biến động trên thị trường năng lượng và áp lực lạm phát trên toàn cầu ngày càng lớn.

Hôm thứ Hai (7/3), Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo nước này có khả năng cắt nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức.

Ông Novak cho biết trong một tuyên bố được phát sóng trên truyền hình quốc gia Nga: “Liên quan đến những cáo buộc vô căn cứ chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và việc áp đặt lệnh cấm đối với Nord Stream 2, chúng tôi có toàn quyền ra quyết định và áp đặt lệnh cấm vận đối với việc bơm khí đốt qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1".

"Nhưng cho đến nay, chúng tôi không đưa ra quyết định như vậy", ông cho hay.

Đường ống Nord Stream 1, được xây dựng vào năm 2011–2012, có chiều dài 759 dặm (1,221 km) và là đường ống dưới biển dài nhất thế giới. Nó cung cấp cho Châu Âu khí đốt tự nhiên của Nga, chạy qua Biển Baltic đến miền bắc nước Đức. Nó có tổng công suất hàng năm khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt.

Một máy bay trực thăng bay qua nhà ga đường ống dẫn khí Nord Stream trước buổi lễ khánh thành đường ống dẫn khí đôi đầu tiên của Nord Stream qua Biển Baltic, ở Lubmin vào ngày 8/11/2011. (Ảnh Getty Images)
Một máy bay trực thăng bay qua nhà ga đường ống dẫn khí Nord Stream trước buổi lễ khánh thành đường ống dẫn khí đôi đầu tiên của Nord Stream qua Biển Baltic, ở Lubmin vào ngày 8/11/2011. (Ảnh Getty Images)

Nord Stream 2, được đặt vào năm 2018–2021, dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi dòng khí đốt của Nga trực tiếp đến Đức. Đường ống trị giá 11 tỷ USD này đã được hoàn thành vào tháng 09/2021. Đường ống này đang chờ chứng nhận của Đức và Liên minh Châu Âu, nhưng Đức đã tạm dừng dự án này hôm 22/02/2022, vì cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine vào thời điểm đó — sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai khu vực do phe ly khai nắm giữ ở miền Đông Ukraine là các quốc gia độc lập, thách thức chủ quyền của Ukraine. Hoa Kỳ hôm 23/02 đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG, công ty điều hành tuyến đường ống này.

Các biện pháp trừng phạt được đưa ra trước "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà ông Putin tuyên bố vào ngày 24/2, sau đó quân đội Nga tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine. Ông Putin không nói rõ khi nào hoạt động "gìn giữ hòa bình" của ông sẽ kết thúc, nhưng cho biết Nga không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine trong dài hạn. Nga đang yêu cầu bảo đảm rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO.

Đức, với mức tiêu thụ khí đốt hàng năm khoảng 88 tỷ mét khối, trong đó một nửa lượng khí đốt của nước này đến từ Nga. Trước khi hủy bỏ chứng nhận Nord Stream 2, Đức lập luận rằng đường ống này sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu. Nhưng Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ đã phản đối đường ống này với lý do nó sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của Châu Âu vào Nga cũng như bỏ chi phí vận chuyển tới Ukraine, vốn là nơi tọa lạc của một đường ống dẫn khí đốt khác của Nga.

Nord Stream 2 AG hôm 01/03 thông báo phải sa thải toàn bộ nhân viên do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine dẫn đến việc công ty này bị Hoa Kỳ trừng phạt. “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về diễn biến này", nhà điều hành này nói với tờ Reuters trong một tuyên bố qua thư điện tử tại thời điểm đó.

Nord Stream 2 AG được đăng ký tại Thụy Sĩ và thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty quốc doanh Nga Gazprom. Nord Stream 1 được sở hữu và điều hành bởi Nord Stream AG, với Gazprom là cổ đông chính.

Trong một diễn biến khác, việc xây dựng đường ống nối Ba Lan với nguồn cung cấp khí thiên nhiên của Na Uy đã được nối lại, nhà điều hành lưới điện có trụ sở tại Đan Mạch Energinet thông báo hôm 01/03.

Đường ống dẫn khí này nhằm làm giảm bớt sự phụ thuộc của Ba Lan vào khí đốt của Nga. Ba Lan hiện nhận được một nửa trong tổng số 20 tỷ mét khối khí đốt tiêu thụ hàng năm từ Gazprom của Nga. Hợp đồng dài hạn giữa Ba Lan và Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Warsaw không có kế hoạch gia hạn hợp đồng.

Nord Stream 2 AG, công ty thuộc sở hữu của "đại gia" khí đốt Nga Gazprom, đã tuyên bố phá sản vàp ngày 1/3 do các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời cho nghỉ việc toàn bộ 106 nhân viên của mình.

Ông Silvija Thalman-Gut, một quan chức của chính quyền bang Zug, Thụy Sĩ, nơi tọa lạc trụ sở chính của Nord Stream 2 AG, cho biết "công ty buộc phải phá sản và tất cả 106 nhân viên đã bị cho nghỉ việc".

Đường ống Nord Stream 2 - Ảnh: Getty Images
Đường ống Nord Stream 2. (Ảnh: Getty Images)

"Nord Stream 2 vỡ nợ do các lệnh trừng phạt của Mỹ và nhà chức trách Thụy Sỹ đã nhận được thông báo vào ngày 1/3 rằng công ty này đã nộp đơn xin phá sản, đồng thời sa thải toàn bộ 106 nhân viên", bà Silvia Thalmann-Gut, đại diện cơ quan quản lý kinh tế bang Zug (Thụy Sỹ) - nơi công ty đặt trụ sở - nói với đài phát thanh SRF.

Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, Alexei Miller, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Zhang Gaoli tham dự buổi lễ đánh dấu mối liên kết đầu tiên của "Sức mạnh Siberia" - "đường ống dẫn khí đốt chính, vào ngày 1 tháng 9 năm 2014 (Ảnh của ALEXEY NIKOLSKY/RIA NOVOSTI/AFP qua Getty Images)
Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga, Alexei Miller, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Phó Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Zhang Gaoli tham dự buổi lễ đánh dấu mối liên kết đầu tiên của "Sức mạnh Siberia" - "đường ống dẫn khí đốt chính, vào ngày 1 tháng 9 năm 2014 (Ảnh của ALEXEY NIKOLSKY/RIA NOVOSTI/AFP qua Getty Images)

Gazprom đã đầu tư hơn 50% chi phí xây dựng đường ống Nord Stream 2, phần còn lại trong dự án 11 tỷ USD được đầu tư bởi hãng dầu khí Shell (Anh), OMV (Áo), Engie (Pháp), Uniper và Wintershall DEA (Đức).

Kể từ khi Nga mở cuộc tấn công vũ trang vào Ukraine tuần trước, một số công ty lớn, trong đó có nhiều hãng năng lượng khổng lồ, đã tuyên bố sẽ ngừng hoạt động tại Nga. Trong đó, Shell nói rằng sẽ không còn liên quan tới dự án Nord Stream 2.

Một số công ty khác của Nga cũng có trụ sở chính tại Zug. Bà Thalmann-Gut thừa nhận tương lai có thể chứng kiến nhiều vụ phá sản hơn nữa khi các đòn trừng phạt mạnh tay nhắm vào Nga bắt đầu có hiệu lực.

Vốn là một nước trung lập, Thụy Sĩ ban đầu do dự trong việc đưa ra lệnh trừng phạt với Nga. Tuy nhiên, ngày 28/2, nước này cho biết sẽ làm theo các nước EU và áp đặt tất cả lệnh trừng phạt mà khối này nhắm vào Nga.

Tổng thống Joe Biden hôm 23/2/2022 đã công bố các biện pháp trừng phạt liên quan đến Đường ống Nord Stream 2 từ Nga sang Đức, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với công ty dự án của đường ống — Nord Stream 2 AG, trực thuộc PJSC Gazprom của Nga — và các quan chức của công ty này, theo một tuyên bố từ Nhà Trắng vào ngày 23/2.

Điều này diễn ra cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hai khu vực ly khai của Ukraina mới được Nga công nhận độc lập hôm 21/2, và các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng quốc doanh của Nga và giới tinh hoa Nga mà ông Biden công bố hôm 22/2.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Nga đe dọa cắt cung cấp khí đốt sang Châu Âu qua đường ống Nord Stream 1