Nga đóng vai trò gì trong cuộc xung đột Sudan?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà tài phiệt người Nga Yevgeny Prigozhin - lãnh đạo nhóm lính đánh thuê khét tiếng Wagner - đang sở hữu một công ty bị Mỹ trừng phạt có tên là Meroe Gold. Công ty này khai thác vàng ở Sudan để tài trợ cho cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine. Vậy Nga đóng vai trò gì trong cuộc xung đột Sudan?

Vào ngày 15/4, giao tranh nổ ra ở Sudan giữa hai vị tướng lãnh đạo các nỗ lực đảo chính trước đó nhằm giành quyền kiểm soát đất nước. Tính đến ngày 18/4, 180 người đã thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương. Nạn nhân hầu hết là dân thường. Phiến quân bị cáo buộc pháo kích các bệnh viện và sát hại các nhân viên cứu trợ.

Hai nhân vật chủ chốt trong cuộc xung đột là Tướng Abdel Fattah al-Burhan, lãnh đạo chính quyền quân sự và quân đội Sudan; và Tướng Mohamed Hamdan Dagalo, được biết đến với cái tên Hemedti, là lãnh đạo của Lực lượng bán quân sự hỗ trợ nhanh (RSF). Hai người là đồng hương và đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir vào năm 2019, cũng như cuộc đảo chính năm 2021 dẫn đến việc thành lập chính phủ quân sự. Giờ đây, cả hai đang giao tranh để giành quyền kiểm soát đất nước.

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir cũng lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính và cai trị Sudan trong 30 năm (1989 - 2019). Sau đó, chính quyền của ông đã bị hủy hoại bởi tham nhũng, vi phạm nhân quyền và suy thoái kinh tế. Giao tranh nổ ra ở khu vực Darfur của đất nước vào năm 2003, giết chết 300.000 người và khiến hơn 2,5 triệu người khác phải di tản.

Cả ông Burhan và Dagalo đều chỉ huy lực lượng quân sự ở Darfur. Ông Dagalo lãnh đạo lực lượng dân binh vũ trang Janjaweed khét tiếng, vốn thường xuyên bị cáo buộc về tội ác chiến tranh và thảm sát. Không hề nao núng trước sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế, ông Bashir đã chính thức hợp nhất Janjaweed với Đơn vị Tình báo Biên giới. Cho đến năm 2007, lực lượng này được đặt dưới sự quản lý của cơ quan tình báo Sudan.

Cuối cùng, ông Bashir đã ủy quyền chuyển giao nhóm RSF cho tướng Dagalo chỉ huy vào năm 2013.

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã truy tố ông Bashir về các tội ác chiến tranh, bao gồm tội diệt chủng, liên quan đến Chiến tranh Darfur năm 2004, 2010 và 2015.

Tuy nhiên, ông Burhan đã thoát khỏi sự truy tố của ICC vì liên quan đến cuộc chiến Darfur, nhưng ICC đã ban hành lệnh bắt giữ ông Dagalo vào năm 2007. Tuy nhiên cả hai vẫn tiếp tục sự nghiệp quân sự của mình với tư cách là chỉ huy quân sự của lực lượng liên minh do Ả Rập Xê Út lãnh đạo ở Yemen từ năm 2015 đến năm 2019. Năm 2018, ông Burhan được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra Lực lượng vũ trang Sudan.

Tình trạng bất ổn tiếp tục xảy ra do sự quản lý đất nước yếu kém của Bashir. Năm 2011, Nam Sudan tuyên bố độc lập và được Liên Hiệp Quốc công nhận là một quốc gia riêng biệt. Triều đại của ông Bashir kết thúc vào năm 2019 khi tỷ lệ lạm phát cán mốc 70%, khiến đất nước rơi vào bạo loạn vì người dân không còn khả năng mua lương thực.

Sau khi bắn hạ 118 người biểu tình ủng hộ dân chủ, ông Dagalo và RSF đã quay sang chống lại ông Bashir. Cả ông Dagalo và Burhan đều là thành viên của Hội đồng quân sự chuyển tiếp của Sudan (TMC), một liên minh quân sự - dân sự cai trị đất nước vào thời điểm đó. TMC được dự định là một giải pháp tạm thời cho đến khi đất nước chuyển đổi hoàn toàn sang chính phủ dân sự. Tuy nhiên, vào năm 2021, quân đội và RSF đã tiến hành một cuộc đảo chính và thiết lập chế độ quân sự hoàn toàn.

Cuộc xung đột hiện tại đã leo thang thành một cuộc chiến tranh giành quyền kiểm soát cuối cùng của đất nước. Ông Burhan đã đổ lỗi cho ông Dagalo về cuộc đảo chính. Trong khi đó, quân đội Sudan dưới thời ông Burhan có quân số từ 210.000 đến 220.000 quân, trong khi RSF chỉ có 70.000 người. Mặc dù có quy mô quân đội lớn hơn, nhưng RSF được huấn luyện và trang bị tiên tiến hơn nhờ người Nga.

Sự giàu có về tài nguyên và vị trí địa lý khiến Sudan trở thành miếng bánh hấp dẫn đối với các cường quốc. Trung Quốc là một đối tác thương mại và đầu tư quan trọng trong nhiều lĩnh vực, bao gồm viễn thông, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, Nga muốn thiết lập sự hiện diện quân sự và hưởng lợi từ các mỏ vàng của nước này.

Trong nhiều năm, Nga đã thông đồng với giới lãnh đạo quân sự của Sudan để buôn lậu vàng ra khỏi nước này. Để đổi lấy việc cho phép Nga chuyển vàng ra khỏi Sudan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cung cấp cho quân đội Sudan vũ khí, huấn luyện, hỗ trợ tình báo và trích một phần số vàng thu được cho Sudan.

Nhà tài phiệt người Nga Prigozhin là ông trùm điều hành các hoạt động quân sự và buôn lậu vàng của Nga ở Sudan. Ông là một đồng minh lâu năm của Tổng thống Putin và là lãnh đạo của Tập đoàn đánh thuê Wagner, một công ty quân sự tư nhân của Nga chiến đấu với tư cách là lính đánh thuê ở Sudan, Cộng hòa Trung Phi (CAR), Mali, Syria và các khu vực khác của Châu Phi và Trung Đông.

Wagner cũng đã hiện diện ở Ukraine với các cáo buộc về tội ác chiến tranh, cưỡng hiếp, buôn người, tra tấn và cố ý nhắm vào thường dân ở những nơi có dấu chân của Wagner.

Ông Prigozhin kiểm soát Meroe Gold - một công ty khai thác vàng mới thuộc sở hữu của Công ty M Invest của Nga. Vào năm 2020, Bộ Tài chính Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã xử phạt M Invest và Meroe Gold. Mỹ và EU tuyên bố các cuộc điều tra của họ đã tiết lộ rằng M Invest là vỏ bọc cho tập đoàn đánh thuê Wagner.

Lo sợ về một cuộc đảo chính và đổi lấy sự bảo trợ của Moscow, nhà cai trị Sudan Bashir đã tới Nga vào năm 2017 để gặp ông Putin. Đổi lại Sudan đóng vai trò là “cửa ngõ vào châu Phi” của Nga. Một thời gian ngắn sau, Meroe Gold bắt đầu đưa các chuyên gia Nga đến Sudan, quốc gia sản xuất vàng lớn thứ 3 của châu Phi.

Số vàng do Meroe Gold khai thác được chuyên chở bằng máy bay quân sự buôn lậu vàng từ Sudan đến một thành phố cảng của Syria là Latakia rồi sau đó mới đến Nga. Latakia là nơi Nga đặt căn cứ quân sự. Vàng cũng được vận chuyển trên bộ qua Cộng hòa Trung Phi.

Wagner đã thiết lập một liên minh với lãnh đạo RSF Dagalo để phát triển một tuyến đường buôn lậu vàng từ Sudan đến Nga thông qua Dubai. Đổi lại, ông Dagalo và RSF đã được Nga huấn luyện và trao đổi trang thiết bị quân sự. Mặc dù có quy mô khiêm tốn nhưng RSF đã chứng tỏ họ là một đội quân hùng mạnh hơn quân đội chính quy của Sudan.

Các hoạt động khai thác vàng ở Sudan đang tiếp tay cho Điện Kremlin lách lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, với một phần thu nhập được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của Wagner ở Ukraine. Ông Dagalo đã tới Moscow một ngày sau khi Nga đem quân xâm lược Ukraine vào năm ngoái để nối lại mối quan hệ đối tác RSF - Wagner.

Ngoài các hợp đồng buôn lậu vàng béo bở, Nga cũng chuẩn bị ký một thỏa thuận với Sudan để mở căn cứ hải quân ở thành phố Port Sudan trên Biển Đỏ. Việc hoàn tất căn cứ này sẽ khiến Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đối mặt với rủi ro an ninh cao hơn, vì Nga có thể lợi dụng căn cứ này làm một căn cứ quân sự trên toàn khu vực.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Huyền Anh biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Nga đóng vai trò gì trong cuộc xung đột Sudan?