Nga, phương Tây gia tăng chiến tranh năng lượng vì ám ảnh nguy cơ thảm họa hạt nhân Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh các thanh sát viên Liên Hợp Quốc tìm cách ngăn chặn thảm họa hạt nhân ở tiền tuyến của Ukraine, phương Tây và Nga đã tăng cường làm tổn thương nền kinh tế lẫn nhau. Moscow buộc phải đóng cửa đường ống dẫn khí đốt chính đến Đức vào thứ Bảy (03/9) trong khi bị đe dọa giới hạn giá dầu xuất khẩu.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom do nhà nước Nga kiểm soát đã đổ lỗi cho một lỗi kỹ thuật tại đường ống Nord Stream 1, gây ra sự chậm trễ trong việc cung cấp khí đốt vào thứ Sáu (02/9). Nhưng các cuộc điều động cấp cao trong lĩnh vực chính trị năng lượng được coi là phần mở rộng của cuộc chiến, và sự phân cực sẽ vượt quá cả cuộc chiến tại Ukraine.

Serbia sẽ ký với Nga hợp đồng mua khí đốt 3 năm
Logo của gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu ở Sofia, thủ đô Bulgaria, ngày 27/4/2022. (Ảnh: Nikolay Doychinov/Getty Images)

Các thông báo được đưa ra khi Moscow và Kyiv đổ lỗi cho các hành động của họ tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do Nga kiểm soát, nơi các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến hôm thứ Năm (01/9) với nhiệm vụ giúp ngăn chặn thảm họa.

Ông Vladimir Rogov, một quan chức thân Nga ở khu vực Zaporizhzhia, cho biết các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu nhiều lần trong đêm khiến đường dây điện chính đến nhà máy đã bị sập, buộc nhà máy phải sử dụng nguồn điện dự trữ, tương tự như đã xảy ra vào tuần trước.

Reuters không thể ngay lập tức kiểm chứng các tuyên bố này.

Việc Gazprom trì hoãn vô thời hạn việc nối lại vận chuyển khí đốt sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề của châu Âu trong việc đảm bảo nhiên liệu cho mùa đông với chi phí sinh hoạt tăng vọt.

Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic để cung cấp khí đốt cho Đức và các nước khác, dự kiến ​​sẽ hoạt động trở lại sau ba ngày tạm dừng để bảo trì từ hôm 03/9. Tuy nhiên, nhà điều hành đường ống đã báo cáo không có dòng chảy vài giờ sau đó.

Dòng chữ 'Nord Stream - Đường cung cấp khí đốt mới cho Châu Âu' trên thuyền Spirit of Europe, tại Tallinn, Estonia, 19/05/2014. (Pjotr Mahhonin / Wikimedia Commons)

Moscow đã đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt sau cuộc xâm lược Ukraine ngày 24/2 của Nga, vì đã cản trở các hoạt động và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Brussels và Washington cáo buộc Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí kinh tế.

Hoa Kỳ cho biết họ đã hợp tác với châu Âu để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông này.

Các bộ trưởng tài chính từ Nhóm G7 — Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Hoa Kỳ — hôm 02/9 tuyên bố đã giới hạn giá dầu của Nga nhằm “giảm khả năng tài trợ của nước này cho cuộc chiến tại Ukraine, đồng thời hạn chế tác động của cuộc chiến đối với giá năng lượng toàn cầu".

Điện Kremlin cho biết họ sẽ ngừng bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp dụng mức giới hạn giá dầu Nga.

Nỗi ám ảnh thảm họa hạt nhân

Một nhóm thanh tra của Liên Hợp Quốc, do Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi dẫn đầu, đã bất chấp pháo kích dữ dội để tiếp cận nhà máy Zaporizhzhia hôm thứ Năm (01/9)

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói chuyện với giới truyền thông tại Kyiv, Ukraine, hôm 31/8/2022, trước khi cùng nhóm của mình lên đường tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. (Ảnh: Sergei Chuzavkov/AFP/Getty Images)

Ông Grossi, sau khi trở về lãnh thổ do Ukraine nắm giữ, cho biết tính toàn vẹn vật lý của nhà máy đã bị vi phạm nhiều lần. Hôm thứ Sáu, ông cho biết ông dự kiến ​​sẽ đưa ra một báo cáo vào đầu tuần tới và hai chuyên gia từ nhóm kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) sẽ ở lại nhà máy trong thời gian lâu hơn.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Rafael Grossi phát biểu với giới truyền thông tại Sân bay Quốc tế Vienna khi trở về sau chuyến thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào ngày 02/09/2022 tại Schwechat, Áo. Ông Grossi và 13 đồng nghiệp đã kiểm tra nhà máy nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến tranh Nga đang diễn ra ở Ukraine. (Ảnh: Heinz-Peter Bader/Getty Images)

Một lò phản ứng tại địa điểm này đã được kết nối lại với lưới điện của Ukraine vào thứ Sáu, một ngày sau khi nó ngừng hoạt động do các cuộc tấn công gần địa điểm nhà máy, công ty hạt nhân nhà nước Ukraine Energoatom cho biết.

Địa điểm này nằm trên bờ nam của một hồ chứa khổng lồ trên sông Dnipro.

Mỗi bên đều cáo buộc bên kia pháo kích gần cơ sở nhà máy điện hạt nhân vẫn do nhân viên Ukraine vận hành và cung cấp hơn 1/5 lượng điện cho Ukraine trong thời bình. Cho đến nay, Nga vẫn phản đối các lời kêu gọi quốc tế rút quân khỏi nhà máy và phi quân sự hóa khu vực này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy kêu gọi nhóm IAEA tiến xa hơn nữa, bất chấp những khó khăn.

“Thật không may, chúng tôi chưa nghe được thông điệp chính từ IAEA, đó là kêu gọi Nga phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân này”, ông Zelenskyy nói trong một video được phát trực tuyến trên một diễn đàn ở Ý.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Ukraine đang tiếp tục sử dụng vũ khí từ các đồng minh phương Tây để trang bị cho nhà máy. Ông bác bỏ khẳng định của Kyiv và phương Tây rằng Nga đã triển khai vũ khí hạng nặng tại nhà máy.

Thị trưởng Mykola Lukashuk của hội đồng khu vực Zaporizhzhia cho hay, một số thị trấn gần nhà máy đã bị Nga nã pháo vào hôm thứ Năm.

Ông Rogov, quan chức thân Nga, cho biết các lực lượng Ukraine đã nã pháo vào Enerhodar, thị trấn do Nga quản lý gần nhà máy điện. Ông nói thêm rằng Ukraine đã tổ chức một cuộc đột kích theo kiểu biệt kích vào đồn bằng tàu cao tốc trên sông. Các quan chức Ukraine đã bác bỏ điều này là bịa đặt.

Reuters không thể xác minh báo cáo của các bên.

Phản công

Ở nhiều nơi khác trên chiến tuyến, Ukraine đã bắt đầu một cuộc tấn công trong tuần này để tái chiếm lãnh thổ ở miền nam Ukraine, chủ yếu là sâu bên trong khu vực sông Dnipro ở tỉnh Kherson lân cận.

Lính cứu hỏa loại bỏ các mảnh vỡ từ một nhà máy in bị quân đội Nga đánh bom ở Kharkiv, Ukraine, hôm 03/9/2022. (Ảnh: Metin Aktas/Anadolu Agency/Getty Images)

Cả hai bên đều tuyên bố đạt được những thành công trên chiến trường, điều mà người Ukraine coi là bước ngoặt tiềm tàng trong cuộc chiến. Thông tin chi tiết rất khan hiếm, các quan chức Ukraine tiết lộ rất ít thông tin.

Bộ tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Sáu cho biết các lực lượng Nga đã nã pháo vào hàng chục thành phố và thị trấn, bao gồm Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine - ở phía bắc và vùng Donetsk ở phía đông Ukraine.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nga, phương Tây gia tăng chiến tranh năng lượng vì ám ảnh nguy cơ thảm họa hạt nhân Ukraine