Nga rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau cuộc bỏ phiếu bãi bỏ tư cách của Nga

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua, ngày 7/4/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu để tìm kiếm đồng thuận trong việc loại bỏ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này. Việc bỏ phiếu loại bỏ tư cách của Nga sau khi Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc báo cáo "vi phạm nghiêm trọng, có hệ thống và lạm dụng nhân quyền" ở Ukraine.

Sau báo cáo của Hội đồng Nhân quyền về "vi phạm nghiêm trọng, có hệ thống và lạm dụng nhân quyền" ở Ukraine, dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, Liên hợp quốc đã bỏ phiếu loại bỏ tư cách của Nga khỏi Hội đồng nhân quyền; hội đồng có 47 thành viên, có trụ sở tại Geneva. Hiện Nga là một trong số 47 thành viên này, đang ở năm thứ hai trong nhiệm kỳ 3 năm.

Kết quả bỏ phiếu thu được 93 phiếu ủng hộ, 24 phiếu phản đối và 58 quốc gia bỏ phiếu trắng, trong đó có Việt Nam. Kết quả bỏ phiếu chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 2/3 thành viên trong số 193 thành viên tham gia bỏ phiếu (không tính phiếu trắng).

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Đại sứ của Nga ở Liên hợp quốc ông Gennady Kuzmin mô tả động thái này là một "bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị" và sau đó thông báo rằng Nga đã quyết định rời khỏi Hội đồng Nhân quyền.

"Bạn không nộp đơn từ chức sau khi bạn bị sa thải", Đại diện của Ukraine ở Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya đã bình luận về động thái này của Nga với các phóng viên.

Theo kết quả bỏ phiếu hôm qua, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc sau đó sẽ ra quyết định về việc có đình chỉ tư cách của Nga khỏi tổ chức này hay không. Tuy nhiên, do Nga đã từ bỏ ngay lập tức tư cách thành viên của họ ở tổ chức này nên quyết định đình chỉ của Liên hợp quốc là không thể xảy ra. Điều này tương tự với cách Hoa Kỳ làm vào năm 2018, khi đó Hoa Kỳ phản đối Liên hơp quốc 'vì thành kiến kinh niên với Israel và thiếu cải cách'.

Năm ngoái, Hoa Kỳ năm ngoái đã được bầu lại vào hội đồng. Các trường hợp đình chỉ là rất hiếm. Libya đã bị đình chỉ vào năm 2011 vì bạo lực chống lại người biểu tình bởi các lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo khi đó là Muammar Gaddafi.

Đại sứ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Liên hợp quốc "đã gửi một thông điệp rõ ràng rằng sự đau khổ của các nạn nhân và những người sống sót sẽ không bị bỏ qua".

"Chúng tôi đảm bảo rằng một người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và dai dẳng sẽ không được phép đảm nhiệm vị trí lãnh đạo về nhân quyền tại Liên Hợp Quốc", bà nói trong phát biểu sẽ được gửi tới Đại hội đồng vào cuối ngày thứ Năm.

Không biết phát biểu của bà Linda có bao gồm Trung Quốc hay không và đến bao giờ thì Liên hợp quốc có cuộc bỏ phiếu loại bỏ tư cách thành viên của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đã được bầu lại trong gang tấc vào tháng 10/2020 bất chấp các bản tin, bằng chứng rõ ràng về đàn áp dân chủ ở Hong Kong, diệt chủng lạnh người Duy Ngô Nhĩ, Tây tạng, tội ác mổ cướp tạng đàn áp dã man đức tin ở nhóm người tu luyện Pháp Luân Công...

Hội đồng Nhân quyền không thể đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các quyết định của tổ chức này gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng và nó có thể cho phép các cuộc điều tra. Tháng trước, hội đồng đã mở một cuộc điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm cả tội ác chiến tranh, ở Ukraine.

Nghị quyết hôm thứ Năm là nghị quyết thứ ba được Đại hội đồng 193 thành viên thông qua kể từ khi Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine vào ngày 24/2/2022. Hai nghị quyết của Đại hội đồng trước đó tố cáo Nga đã được thông qua với 141 và 140 phiếu ủng hộ.

Sau khi bỏ phiếu trắng trong hai cuộc bỏ phiếu trước đó của Đại hội đồng, đối tác của Nga là Trung Quốc đã phản đối nghị quyết vào hôm thứ Năm.

"Một động thái vội vàng như vậy tại Đại hội đồng, buộc các nước phải chọn bên, sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên và làm gia tăng cuộc đối đầu giữa các bên liên quan - điều đó giống như đổ thêm dầu vào lửa", Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun cho biết trước khi bỏ phiếu.

Văn bản của Đại hội đồng hôm thứ Năm bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng về cuộc khủng hoảng nhân quyền đang diễn ra ở Ukraine", đặc biệt là trước các báo cáo về việc Nga vi phạm nhân quyền.

Nga cho biết họ đang thực hiện một "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine và phủ nhận việc tấn công dân thường. Nga đã cảnh báo các nước rằng một cuộc bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ được coi là một "cử chỉ không thân thiện" với quốc gia này.

Thanh Đoàn

(Theo Reuters)



BÀI CHỌN LỌC

Nga rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc sau cuộc bỏ phiếu bãi bỏ tư cách của Nga