Nga sử dụng vũ khí kinh tế nhắm vào EU: Cắt giảm 40% nguồn cung khí đốt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nga cắt giảm nguồn khí đốt cung ứng sang Châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 vào hôm qua (16/6/2022). Lý do Moscow đưa ra là cần bảo dưỡng, sửa chữa đường ống. Việc này có thể khiến toàn bộ khí đốt sang EU bị chặn lại; tăng thêm rủi ro dự trữ khí đốt cho mùa đông sắp tới ở EU.

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang EU chững lại khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Ý, Đức và Pháp đến thăm Ukraine, quốc gia đang thúc giục EU chuyển giao vũ khí nhanh hơn để chiến đấu chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Công ty Gazprom, một doanh nghiệp nhà nước của Nga, cho biết họ đã giảm nguồn cung cấp khí đốt lần thứ hai trong nhiều ngày qua hệ thống đường ống Nord Stream 1, dẫn qua biển Baltic tới Đức. Hiện tại, Nga đã cắt giảm tới 40% công suất đường ống

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết việc cắt giảm nguồn cung không được tính toán trước và liên quan đến các vấn đề bảo trì, dẫn các bình luận trước đó nói rằng Nga không thể đảm bảo việc trả lại các thiết bị đã được gửi đến Canada để sửa chữa.

Đức cho rằng lời bào chữa của Nga về mặt kỹ thuật là “vô căn cứ”, đây chỉ là hành động nhằm vào mục đích tăng giá khí đốt. Ý cho rằng Moscow có thể đang sử dụng vấn đề này để gây áp lực chính trị.

Giá khí đốt bán buôn của Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu, đã tăng khoảng 30% vào chiều thứ Năm.

Đại sứ Nga tại Liên minh châu Âu nói với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng các dòng chảy dẫn khí đốt qua đường ống có thể bị đình chỉ hoàn toàn do việc sửa chữa tuabin ở Canada.

Alexey Miller, giám đốc điều hành của Gazprom, doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát độc quyền về xuất khẩu khí đốt của Nga bằng đường ống, cho biết các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga không thể lấy lại thiết bị từ Canada cho trạm máy nén Portovaya; vốn cần thiết để vận hành hệ thống.

không thể đảm bảo việc trả lại thiết bị từ Canada cho trạm máy nén Portovaya của đường ống.

Các cuộc đua ở Châu Âu để nạp đầy dự trữ

Nord Stream 1 có công suất bơm khoảng 55 tỷ mét khối (bcm) mỗi năm cho Liên minh châu Âu. Năm ngoái, EU đã nhập khẩu khoảng 140 bcm khí đốt từ Nga qua đường ống.

Đức, giống như các quốc gia châu Âu khác, đang chạy đua để nạp đầy kho dự trữ khí đốt của mình. Kế hoạch của Đức là nạp đầy 80% nhu cầu dự trữ vào tháng 10 và 90% vào tháng 11/2022 trước khi mùa đông đến. Hiện Đức đã nạp được 52% nhu cầu dự trữ.

Serbia sẽ ký với Nga hợp đồng mua khí đốt 3 năm
Logo của gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga tại một trong những trạm xăng dầu ở Sofia, thủ đô Bulgaria, ngày 27/4/2022. (Ảnh: Nikolay Doychinov/Getty Images)

Người đứng đầu cơ quan quản lý năng lượng Đức cho biết việc cắt giảm dòng chảy qua Nord Stream 1 sẽ khiến kế hoạch dự trữ năng lượng của họ trở nên khó khăn hơn.

Ông Klaus Mueller nói với nhật báo Rheinische Post hôm thứ Năm rằng: “Có lẽ chúng ta có thể vượt qua mùa hè. Nhưng chúng ta bắt buộc phải lấp đầy các kho dự trữ để vượt qua mùa đông”.

Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức, cho biết nguồn cung đã giảm một phần tư so với khối lượng đã thỏa thuận nhưng họ có thể lấp đầy khối lượng còn thiếu từ các nguồn khác. Nhà sản xuất điện RWE cho biết họ đã thấy việc nguồn cung bị thu hẹp rõ ràng trong hai ngày qua.

Nhà nhập khẩu khí đốt thuộc sở hữu nhà nước của Slovakia, SPP cho biết họ ước tính rằng nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga vào ngày hôm qua, thứ Năm (16/6), đã giảm tới 30%. Công ty điện lực CH Séc CEZ cho biết họ đã chứng kiến ​​mức giảm tương tự nhưng đang lấp đầy nguồn cung thiếu hụt từ các nguồn khác.

Liên minh châu Âu đặt mục tiêu đảm bảo các cơ sở dự trữ khí đốt trên toàn khối, 27 quốc gia, sẽ đầy 80% vào tháng 11/2022.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết nguồn cung giảm gần đây nhất có thể đồng nghĩa với việc kho dự trữ ở Tây Bắc Châu Âu chỉ đầy 88% vào cuối tháng 10, ít hơn 1 bcm so với kế hoạch, thay vì 90%.

Kế hoạch dự phòng giảm phụ thuộc khí đốt của Nga

Đức không phải là trường hợp duy nhất đối mặt với nguồn cung giảm. OMV của Áo cho biết Gazprom đã thông báo về việc giảm lượng giao hàng, Engie của Pháp cho biết dòng chảy đã giảm nhưng khách hàng không bị ảnh hưởng, trong khi Eni của Ý nói rằng họ sẽ chỉ nhận được 65% khối lượng mà họ đã yêu cầu từ Gazprom.

Chính phủ Ý cho biết tất cả các biện pháp khả thi đã được áp dụng để đối phó với tình hình nếu việc cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga tiếp tục diễn ra trong những ngày tới.

Căng thẳng nguồn cung gia tăng khi Nord Stream 1 sẽ đóng hoàn toàn trong quá trình bảo trì đường ống hàng năm vào ngày 11 đến 21/7.

Na Uy, nhà xuất khẩu lớn thứ hai của châu Âu sau Nga, đã và đang đẩy mạnh sản xuất để giúp Liên minh châu Âu hướng tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027.

Công ty Centrica của Anh đã ký một thỏa thuận với công ty Equinor của Na Uy để cung cấp thêm khí đốt cho Vương quốc Anh trong ba mùa đông tới. Anh không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và cũng có thể xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống.

Các quốc gia châu Âu cũng đã tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhưng châu Âu hạn chế khả năng nhập khẩu LNG và thị trường LNG vốn đã eo hẹp lại phải đối mặt với những thách thức gia tăng do gián đoạn sản xuất LNG của Hoa Kỳ (vì chính sách chống biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden).

Ngoài ra, Một vụ hỏa hoạn vào tuần trước tại một nhà máy xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ ở Texas, do Freeport LNG điều hành, khiến nhà máy phải ngừng hoạt động cho đến tháng 9 và sẽ chỉ hoạt động một phần từ đó đến cuối năm 2022. Nhà máy này chiếm 20% tổng sản lượng LNG của Hoa Kỳ, là nguồn cung khí đốt chính cho EU.

Thanh Đoàn

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nga sử dụng vũ khí kinh tế nhắm vào EU: Cắt giảm 40% nguồn cung khí đốt