Nga 'tố' Ukraine tiêu hủy bằng chứng các mầm bệnh chết người, Mỹ tài trợ thí nghiệm sinh học?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai tuần qua, chiến sự tại Ukraine đã chiếm lĩnh toàn bộ truyền thông thế giới. Có thể nói, đây là cuộc chiến có cường độ thông tin nhiễu loạn nhất kể từ đầu thiên niên kỷ. Trong khi Ukraine “tố” Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân thì Nga tuyên bố Ukraine cố ý tiêu hủy các bằng chứng tại các phòng thí nghiệm sinh học, đồng thời có ý định cho nổ lò phản ứng hạt nhân nhằm đổ tội cho Nga.

Giống như mọi cuộc chiến tranh lớn trên thế giới, đôi khi những hành động nhỏ nhất cũng có thể gây ra những hậu quả lớn nhất. Vậy thật hư thế nào?

Rúng động bằng chứng

Ngày 5/3, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, khi quân đội của Nga khai hỏa vào Ukraine, chính quyền Kiev đã ra lệnh cho Bộ Y tế nước này “tiêu hủy khẩn cấp” các mầm bệnh nguy hiểm chết người, như bệnh dịch hạch, bệnh than, và các mầm bệnh gây chết người khác tại các phòng thí nghiệm sinh học.

Trong video, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, trung tướng Igor Konashenkov cho biết, các nhân viên của hệ thống các phòng thí nghiệm sinh học Ukraine đã cung cấp cho quân đội Nga tài liệu về vụ tiêu hủy mầm bệnh nguy hiểm vào ngày 24/2.

Ông Konashenkov nói: "Chúng tôi đã nhận được tài liệu từ các nhân viên của phòng thí nghiệm sinh học Ukraine về việc tiêu hủy khẩn cấp vào ngày 24/2 các mầm bệnh đặc biệt nguy hiểm như bệnh như bệnh dịch hạch, bệnh than, bệnh Tularemia (bệnh sốt thỏ), bệnh tả và các bệnh chết người khác”.

“Các tài liệu xác nhận rằng việc phát triển các thành phần vũ khí sinh học đã được thực hiện trong các phòng thí nghiệm sinh học của Ukraine gần lãnh thổ Nga”.

"Trong quá trình hoạt động quân sự đặc biệt của [Nga] [ở Ukraine, các dữ kiện về việc khẩn cấp tiêu hủy dấu vết của một chương trình sinh học quân sự đang được thực hiện ở Ukraine với sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã bị phanh phui".

Tuyên bố cáo buộc:

  • Chính quyền Kiev “tiêu hủy khẩn cấp" các mẫu mầm bệnh để che giấu bằng chứng về chương trình vũ khí sinh học mà Nga cho là do Mỹ tài trợ.
  • Các thành phần vũ khí sinh học được sản xuất tại hai phòng thí nghiệm ở Poltava và Kharkiv - cũng là hai thành phố xảy ra giao tranh ác liệt nhất giữa quân đội Nga và Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hiện các tài liệu này đang được các chuyên gia về bức xạ, hóa học và sinh học của nước này phân tích.

Trong video trên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga hứa, “trong tương lai gần, chúng tôi sẽ trình bày kết quả phân tích (các tài liệu này)”.

Phía Nga tin rằng, nếu điều này là sự thật, các tài liệu sẽ chứng minh rằng Ukraine và Mỹ đã vi phạm Điều 1 của Công ước về vũ khí sinh học của Liên Hợp Quốc: Rằng tất cả các bên "không bao giờ được phát triển, sản xuất, dự trữ, mua hoặc giữ lại" vũ khí sinh học trong bất kỳ trường hợp nào”.

Tin đồn

Trong những ngày đầu chiến sự nổ ra tại Ukraine, những tin đồn lan truyền trên mạng rằng quân đội Nga đang nhắm mục tiêu vào hệ thống các phòng thí nghiệm sinh học do Mỹ tài trợ bằng các cuộc tấn công tên lửa.

Những cáo buộc này của Nga đã bị truyền thông dòng chính phương Tây coi là thuyết âm mưu, mặc dù trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine công khai rằng, Mỹ làm việc với chính phủ Ukraine để "củng cố và bảo đảm các mầm bệnh và chất độc gây lo ngại về an ninh trong các cơ sở của chính phủ Ukraine","nghiên cứu hòa bình và phát triển vắc-xin”...

Theo website của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine, Chương trình Giảm thiểu Đe dọa Sinh học của Bộ Quốc phòng Mỹ đã làm việc với các quốc gia đối tác để “chống lại mối đe dọa bùng phát (cố ý, ngẫu nhiên hoặc tự nhiên) của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới”.

Mỹ khẳng định rằng các phòng thí nghiệm sinh học là do các nước sở tại điều hành và không phải là hoạt động bí mật nghiên cứu vũ khí sinh học. Trên website, Mỹ cũng cáo buộc chính phủ Nga tuyên truyền thông tin sai lệch về việc này.

Trong khi ấy, các fact-check của AFP, Yahoo cho rằng “theo lời các cựu quan chức Mỹ và các chuyên gia không phổ biến vũ khí, các phòng thí nghiệm đang thực hiện nhiệm vụ phát hiện và ngăn chặn sự lây lan của vũ khí sinh học, đồng thời cũng giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát”.

Trang News.com.au fact-check, rằng “thông tin sai lệch liên quan đến các phòng thí nghiệm bị cáo buộc (ở Ukraine) đã trở nên phổ biến đến nỗi Bộ Quốc phòng Anh cũng phải vào cuộc”. Bộ này tweet:

“Kể từ cuối tháng Hai, đã có sự gia tăng đáng chú ý về cáo buộc của Nga rằng Ukraine đang phát triển vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí sinh học”.

"Những câu chuyện này đã tồn tại từ lâu nhưng hiện có khả năng đang được khuếch đại như một phần của lời biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga”

Tuy nhiên, không lâu sau đó, chính quyền Joe Biden lại lên tiếng xác nhận Ukraine có các phòng thí nghiệm sinh học. Vậy thông tin Nga cáo buộc Ukraine "sở hữu" phòng thí nghiệm sinh học là có thật?

Mỹ 'thừa nhận' rò rỉ tài liệu sinh học và lo ngại rơi vào tay Nga?

Việc Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm 5/3 đã có được tài liệu về các phòng nghiên cứu sinh học tại Ukraine đã làm dấy lên nhiều nghi vấn thì ngày 8/3, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã “thừa nhận”, Ukraine có các cơ sở nghiên cứu sinh học, đồng thời nhấn mạnh Kiev và Washington hiện đang phối hợp cùng nhau để ngăn chặn những tài liệu lưu giữ ở đó rò rỉ ra bên ngoài.

Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đã đặt câu hỏi: "Ukraine có vũ khí hóa học hay sinh học không?"

Bà Nuland trả lời: "Ukraine có các cơ sở nghiên cứu sinh học. Thực tế, chúng tôi đang lo ngại quân đội Nga, các lực lượng Nga có thể đang cố kiểm soát chúng, vì vậy chúng tôi đang phối hợp với Ukraine để ngăn chặn việc rò rỉ của bất kỳ tài liệu nghiên cứu nào rơi vào tay họ".

Đáng chú ý, News.com.au fact-check rằng, “Mỹ cũng xác nhận đang làm việc với Ukraine để ngăn quân đội Nga tiếp cận tài liệu nghiên cứu sinh học, trong bối cảnh lo ngại nó có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học”.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cáo buộc Mỹ đang điều hành khoảng 30 phòng thí nghiệm ở Ukraine, có thể tạo ra vũ khí sinh học, và cáo buộc Mỹ đã chi khoảng 200 triệu đô la để duy trì hoạt động cho tổ hợp nghiên cứu sinh học này.

Theo Bloomberg, bình luận về thông tin liên quan đến các phòng thí nghiệm sinh học do Mỹ tài trợ ở Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 8/3 đã kêu gọi Mỹ “với tư cách là bên hiểu rõ nhất về các phòng thí nghiệm, nên công bố thông tin cụ thể càng sớm càng tốt, bao gồm cả loại virus nào được lưu trữ và nghiên cứu nào đã được thực hiện”.

Ông Triệu cho biết thêm, rằng theo dữ liệu do chính Washington công bố thì Mỹ có 26 phòng thí nghiệm ở Ukraine. Trong bối cảnh xung đột đang gia tăng giữa Nga và Ukraine, ông này kêu gọi "tất cả các bên liên quan đảm bảo an toàn cho các phòng thí nghiệm này“.

Tuy nhiên Bloomberg cho rằng, ông Triệu Lập Kiên đã không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho những tuyên bố đó.

Quá nhanh quá nguy hiểm

Làm thế nào mà các tin đồn về vũ khí sinh học hay vũ khí hạt nhân lại “bùng nổ” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine?

Trong bài phát biểu rạng sáng 24/2, trước khi các vụ nổ vang lên tại thủ đô Kiev, Kramatorsk, Kharkiv, Odessa và Mariupol của Ukraine, Tổng thống Putin tuyên bố đang tiến hành một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine, để "bảo vệ nước Nga".

Vậy phải chăng các “hoạt động quân sự đặc biệt” này của Nga có liên quan đến các phòng thí nghiệm sinh học, hay các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine?

Trước khi bùng nổ các cáo buộc của Nga liên quan đến các phòng thí nghiệm sinh học của Ukraine do Mỹ tài trợ, trong vòng 9 ngày đầu giao tranh, quân đội Nga đã kiểm soát được Nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Ukraine là Zaporizhia cũng như nhà máy điện Chernobyl.

Phía Ukraine thông tin sáng 4/3 rằng, Nga đã tấn công nhà máy Zaporizhzhia khiến một cơ sở huấn luyện 5 tầng liền kề bốc cháy. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba thông tin, quân đội Nga đang "nã đạn từ mọi phía" vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Theo RT, cả Kiev và Moscow đều cáo buộc nhau đã kích động tình hình vụ cháy ở nhà máy hạt nhân này.

Phía Nga cho rằng, một nhóm người Ukraine đã cố gắng tiến hành hành động khiêu khích gần nhà máy Zaporozhskaya và nổ súng về phía lực lượng an ninh Nga. Nỗ lực này bị ngăn cản, nhưng những kẻ tấn công đã đốt cháy một khu vực của nhà máy trước khi rời đi.

Không chỉ vậy, phía Nga còn cáo buộc Cơ quan An ninh nội địa Ukraine (SBU) và Tiểu đoàn Azov (theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan) đang lên kế hoạch cho phát nổ một lò phản ứng để đổ lỗi cho quân đội Nga. Mục tiêu tấn công của SBU và Tiểu đoàn Azov là một lò phản ứng hạt nhân tại trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Vật lý và Công nghệ thành phố Kharkov (KIPT).

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, Emine Dzheppar tweet rằng: "Việc phá hủy các cơ sở dự trữ vật liệu hạt nhân có thể dẫn đến một thảm họa công nghệ và sinh thái nghiêm trọng".

Trong khi đó, ông Putin tuyên bố “an toàn vật lý và hạt nhân” của nhà máy Zaporozhskaya đang được duy trì bởi quân đội Nga với sự hợp tác của nhân viên Ukraine. Ông nói thêm rằng các lực lượng Nga vẫn đang kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Chernobyl - nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử.

Điện Kremlin cho biết: “Những việc này sẽ giúp loại trừ khả năng nhóm tân phát xít của Ukraine tiến hành các vụ khiêu khích mang lại hậu quả thảm khốc”.

Việc hai bên Nga - Ukraine đổ lỗi cho nhau quanh các mục tiêu "nhạy cảm", cùng sự "nhiệt tình" của truyền thông dòng chính phương Tây cho thấy sự phức tạp ẩn sau cuộc xung đột này.

Mồi lửa dễ bùng

Kể từ khi chiến sự nổ ra, Tổng thống Ukraine Zelensky đã liên tục kêu gọi thực hiện vùng cấm bay trên bầu trời của nước ông.

Ngay cả phóng viên Ukraine là bà Daria Kaleniuk, trong cuộc họp báo ở Ba Lan, cũng yêu cầu Thủ tướng Anh Boris Johnson thực hiện vùng cấm bay để ngăn chặn các máy bay phản lực của Nga.

Cuộc thăm dò của Reuters còn cho thấy, 74% người Mỹ bao gồm đảng Cộng hòa và Dân chủ ủng hộ Mỹ và các đồng minh NATO áp đặt vùng cấm bay ở Ukraine.

Thậm chí một số nhà lãnh đạo quân sự và quan chức chính phủ phương Tây cũng đã bày tỏ sự ủng hộ ít nhất là “xem xét hành động này”.

Bất chấp việc các quốc gia phương Tây vẫn đang thúc đẩy viện trợ quân sự cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã từ chối thực hiện vùng cấm bay do lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột dẫn đến 'Điều 5' - có thể buộc tất cả 30 đồng minh NATO tham chiến với Nga - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.

Áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, nghĩa là liên quan đến việc NATO có quyền bắn hạ máy bay Nga, chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba thảm khốc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Không loại trừ các phe phái diều hâu, các tổ chức vận động hành lang, các “tổ hợp” sản xuất vũ khí… đang tìm cách thực hiện chiến thuật “tạo cớ” để thúc đẩy dư luận và gia tăng áp lực chính trị theo hướng ủng hộ NATO can thiệp.

Giả dụ nếu một “sự cố” xảy ra ở Ukraine (liên quan đến vũ khí hóa học hoặc hạt nhân), nhằm lôi kéo sự liên lụy đến Nga, thì chỉ cần một cuộc tấn công quy mô nhỏ của NATO vào căn cứ quân sự của Nga, sẽ ngay lập tức đặt thế giới vào tình cảnh bi thảm: Chiến tranh hạt nhân.

Không phải ngẫu nhiên mà gần đây Tổng thống Nga Putin lên tiếng cảnh báo “thế giới sẽ có hậu quả thảm khốc” nếu phương Tây “dồn ép” nước này.

Lịch sử không quên ngày 28/6/1914, một nhóm cuồng tín người Serbia-Bosnia đã ám sát Thái tử nước Áo Franz Ferdinand. Phát súng oan nghiệt đã châm ngòi cho Thế chiến Thứ Nhất. Hệ quả là đế quốc Áo-Hung tuyên chiến với Serbian, dẫn tới việc Đức tuyên chiến với Nga, lôi kéo Bỉ, Pháp và Anh tuyên chiến với Đức.

17 triệu người thương vong trong Thế chiến I.

73 triệu người thương vong trong Thế chiến II.

Và thế chiến III - nếu xảy ra với vũ khí hạt nhân - thì mức độ sẽ thảm khốc thế nào?

Xuân Trường

Tham khảo:
[1] - https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3151668/china-russia-ask-un-check-biological-warfare-capability-us-and?module=perpetual_scroll_0&pgtype=article&campaign=3151668
[2] -
https://www.bloomberg.com/news/articles/2022-03-08/china-pushes-russia-conspiracy-theory-about-u-s-labs-in-ukraine
[3] - https://www.news.com.au/world/europe/fears-grow-over-chinas-bizarre-ukraine-conspiracy-theory-as-invasion-escalates/news-story/3d65654760b8968b744ca3090c6ad213
[4] - https://factcheck.afp.com/doc.afp.com.32478V9
[5] - https://www.snopes.com/news/2022/02/24/us-biolabs-ukraine-russia/
[6] - https://ph.news.yahoo.com/unproven-claims-us-funded-ukraine-185758299.html
[7] - https://www.rubio.senate.gov/public/index.cfm/press-releases?id=E579E02B-3BA3-4FED-A515-A175384AD9D0
[8] - https://www.rt.com/russia/551384-russia-ukraine-nuclear-false-flag/
[9] - https://www.reuters.com/world/us/exclusive-americans-broadly-support-ukraine-no-fly-zone-russia-oil-ban-poll-2022-03-04/
[10] - https://time.com/6156060/ukraine-no-fly-zone-russia/
[11] - https://edition.cnn.com/2022/03/04/politics/blinken-stoltenberg-no-fly-zone-warning/index.html
[12] - https://www.bbc.com/news/uk-60522745
[13] - https://apnews.com/article/russia-ukraine-business-europe-antony-blinken-jens-stoltenberg-0ce4ac5076a0338facab78bf624a6d3b



BÀI CHỌN LỌC

Nga 'tố' Ukraine tiêu hủy bằng chứng các mầm bệnh chết người, Mỹ tài trợ thí nghiệm sinh học?