Nga tuyên bố dừng hợp tác trên trạm vũ trụ, trừ khi các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) cho biết, Nga sẽ chấm dứt hợp tác với các quốc gia khác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) với lý do các biện pháp trừng phạt đang "giết chết" nền kinh tế Nga. Việc tái hợp tác sẽ được xem xét nếu các lệnh trừng phạt với nước này được dỡ bỏ.

Ông Dmitry Rogozin, giám đốc của Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, đã đưa ra thông báo trong một loạt tuyên bố trên Twitter, trong đó ông nói rằng “việc khôi phục quan hệ bình thường giữa các đối tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và các dự án khác chỉ có thể thực hiện được nếu dỡ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện các lệnh trừng phạt bất hợp pháp”.

Nga tuyên bố dừng hợp tác trên trạm vũ trụ

Trong dòng tweet của mình, ông Dmitry Rogozin thông báo đã kháng cáo các lệnh trừng phạt trong thư gửi cho NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng như Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA).

Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mà Điện Kremlin gọi là "hoạt động quân sự đặc biệt" nhằm giải giáp quốc gia láng giềng và lật đổ chính phủ nước này, các đồng minh phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu đối với các mặt hàng công nghệ quan trọng.

Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga, ông Dmitry Rogozin, đứng trước tàu vũ trụ Soyuz MS-20 cùng phi hành đoàn của tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa, trợ lý của ông Yozo Hirano và nhà du hành vũ trụ Nga Alexander Misurkin chuẩn bị cho vụ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur vào ngày 8/12/2021. (Ảnh Getty Images)

Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao chống lại Moscow, mà theo ông là được thiết kế để "làm suy thoái" ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Nga, bao gồm cả chương trình không gian của nước này.

Vào thời điểm đó, ông Rogozin cho rằng các biện pháp do Mỹ áp đặt có thể "phá hủy" hoạt động phối hợp của ISS, dẫn đến nguy cơ trạm vũ trụ có thể rơi ra khỏi quỹ đạo.

Trong phát biểu mới nhất của mình hôm thứ Bảy (02/04), ông Rogozin nói rằng các lệnh trừng phạt là không thể chấp nhận được, trừ khi chúng được dỡ bỏ.

Ông Rogozin nói rằng các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ, Canada, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản “nhằm ngăn chặn các hoạt động tài chính, kinh tế và sản xuất của các doanh nghiệp công nghệ cao của chúng tôi”.

Ông Dmitry Rogozin nói: “Lập trường từ các đối tác của chúng tôi rất rõ ràng: Các lệnh trừng phạt sẽ không được dỡ bỏ. Mục đích của các lệnh trừng phạt là giết chết nền kinh tế Nga, đẩy người dân của chúng tôi vào tuyệt vọng và đói khát, khiến đất nước của chúng tôi sụp đổ".

Các thành viên của phi hành đoàn đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) (T) và trưởng đoàn Roscosmos, ông Dmitry Rogozin (P) chuẩn bị lên tàu Soyuz của ISS, tại sân bay vũ trụ Baikonur do Nga thuê ở Kazakhstan vào ngày 25/9/2019. (Ảnh Getty Images)

Mặc dù ông Rogozin cho biết, ông tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ không đạt được mục đích, nhưng chúng là cơ sở để chấm dứt hợp tác giữa Roscosmos và các đối tác quốc tế của Roscosmos.

Ông Rogozin không nói rõ thời điểm hợp tác trên ISS sẽ dừng lại, chỉ rằng các đề xuất chi tiết về thời điểm cắt đứt quan hệ sẽ được đệ trình lên lãnh đạo Nga “trong tương lai gần”.

The Epoch Times đã liên hệ với NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu để bình luận về nhận xét của ông Rogozin.

Trạm vũ trụ được thành lập một phần để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, kéo theo tâm lý thù địch trong Chiến tranh Lạnh đã thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trụ Mỹ-Liên Xô cho đến thời điểm hiện tại.

Việc Nga rút khỏi ISS có khả năng gây thiệt hại đáng kể

“Mỹ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác không gian quốc tế của chính phủ, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc vận hành ISS với Nga, Canada, châu Âu và Nhật Bản. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới và hiện tại của Mỹ tiếp tục cho phép hợp tác giữa Mỹ và Nga để đảm bảo ISS tiếp tục hoạt động an toàn”, theo nguồn tin của tờ The Verge dẫn lời của người quản lý NASA - ông Bill Nelson.

Cơ quan Vũ trụ Canada (CSA) cũng có phản hồi tương tự với ông Dmitry Rogozin và nêu rõ: “Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ chương trình ISS, tận tâm với các hoạt động an toàn và sự thành công của chương trình này”.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) - ông Josef Aschbacher nói rằng, ông sẽ chuyển yêu cầu của ông Dmitry Rogozin tới các quốc gia thành viên để đánh giá.

Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang tại Phòng họp Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 1/3/2022 tại Washington, DC. (Ảnh của Saul Loeb - Pool / Getty Images),Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang, khẳng định Mỹ không tham chiến tại Ukraine
Tổng thống Biden đọc Thông điệp liên bang tại Phòng họp Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 1/3/2022 tại Washington, DC. (Ảnh của Saul Loeb - Pool / Getty Images)

Ông Dmitry Rogozin đã phản ứng mạnh mẽ với các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Joe Biden áp đặt vào hồi tháng 2/2022, ám chỉ rằng ISS có thể rơi xuống Trái đất nếu không có sự tham gia của Nga.

Việc Nga rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) có khả năng gây thiệt hại đáng kể, vì NASA đang dựa vào Nga để duy trì vị trí và định hướng của ISS trong không gian.

Hôm 31/3, NASA cho biết Nga đang tiến tới mở rộng hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đến năm 2030, nhưng tuyên bố của ông Dmitry Rogozin khiến điều này có vẻ khó xảy ra.

Đầu tuần này, phi hành gia Mark Vande Hei của NASA đã trở về Trái đất an toàn trên một tên lửa Soyuz (Nga) cùng với hai nhà du hành vũ trụ. Trước khi ông Mark Vande Hei khởi hành, đã có nhiều lo ngại cho việc ông trở về nhà trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, nhưng Roscosmos khẳng định rằng việc này sẽ không khiến ông Vande Hei mắc kẹt trên ISS.

Phi hành gia người Nga Anton Shkaplerov của Expedition 66 được đưa đến một lều y tế ngay sau khi anh và đồng đội Mark Vande Hei của NASA và Pyotr Dubrov của Roscosmos hạ cánh xuống tàu vũ trụ Soyuz MS-19 gần thị trấn Zhezkazgan vào ngày 30/3/2022 tại Zhezkazgan, Kazakhstan. (Ảnh Getty Images)

Hôm 12/3, ông Dmitry Rogoziny cảnh báo các lệnh trừng phạt, bao gồm cả lệnh trừng phạt trước khi Nga tấn công Ukraine, có thể làm gián đoạn hoạt động của tàu vũ trụ Nga phục vụ ISS.

"Phân đoạn của Nga, giúp điều chỉnh quỹ đạo của trạm, có thể bị ảnh hưởng, khiến cấu trúc nặng 500 tấn rơi xuống biển hoặc lên đất liền", Roscosmos viết trên Telegram.

"Phân đoạn của Nga đảm bảo quỹ đạo của trạm được điều chỉnh (trung bình 11 lần một năm), bao gồm cả tránh các mảnh vỡ không gian", ông Dmitry Rogoziny cho biết, nói thêm rằng vị trí ISS có thể rơi xuống sẽ không phải ở Nga.

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nga tuyên bố dừng hợp tác trên trạm vũ trụ, trừ khi các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ