Nga tuyên bố không chấp nhận việc phương Tây áp giá trần dầu và chuẩn bị đáp trả

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điện Kremlin hôm thứ Bảy (3/12) cho biết, Nga 'sẽ không chấp nhận' mức giá trần đối với dầu của mình và sẽ sớm đưa ra các phản ứng. Đây là động thái đáp trả của Nga trước một thỏa thuận của các cường quốc phương Tây nhằm siết chặt nguồn tài chính của nước này, theo tờ Reuters.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đã chuẩn bị cho việc áp giá trần dầu Nga vào thứ Sáu (2/12) của nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc, theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS.

"Chúng tôi sẽ không chấp nhận mức giá trần này", hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Peskov. Ông cho biết thêm rằng Nga sẽ tiến hành phân tích nhanh về thỏa thuận và sẽ có phản hồi sau đó.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc họp báo thường niên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại phòng triển lãm Manezh ở trung tâm Moscow, Nga, hôm 23/12/2021. (Ảnh: Natalia Kolesnikova/AFP/Getty Images)

Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia thực hiện áp giá trần. Ông Mikhail Ulyanov, Đại sứ của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), đã tái khẳng định lập trường này trong các bài đăng trên mạng xã hội vào hôm thứ Bảy (3/12).

Ông tuyên bố: “Bắt đầu từ năm nay, châu Âu sẽ sống mà không có dầu của Nga”, theo tờ Reuters.

Giới hạn giá dầu Nga vẫn sẽ cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển, nhưng nó sẽ cấm các công ty vận chuyển và bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi nó được bán với giá dưới 60 USD/thùng.

Điều này có thể làm phức tạp thêm việc vận chuyển dầu thô của Nga với giá cao hơn mức trần, ngay cả đối với các quốc gia không tham gia thỏa thuận. Dầu thô Urals của Nga được giao dịch ở mức khoảng 67 USD/thùng vào thứ Sáu (2/11).

Cuộc khủng hoảng tiếp theo của Fed: Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ sụp đổ
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen điều trần trước Ủy ban Hạ viện về Dịch vụ Tài chính ngày 06/04/2022 tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, mức giá trần này sẽ đặc biệt có lợi cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, vốn đang phải chịu gánh nặng của giá lương thực và năng lượng tăng vọt.

Bà Yellen nhận định rằng, khi nền kinh tế Nga đang suy thoái và ngân sách ngày càng mỏng, mức giá trần kể trên sẽ ngay lập tức cắt giảm nguồn thu nhập quan trọng nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin để phục vụ cho nỗ lực chiến tranh tại chiến trường Ukraine.

Trong các bình luận được đăng trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã chỉ trích đây là động thái "nguy hiểm" của phương Tây và cho biết, Nga sẽ tiếp tục tìm người mua dầu của mình.

"Các bước như thế này chắc chắn sẽ dẫn đến sự bất ổn ngày càng tăng và gây ra chi phí cao hơn cho người tiêu dùng nguyên liệu thô. Bất kể 'những lời đường mật' hiện nay cùng với công cụ nguy hiểm và bất hợp pháp có ra sao, chúng tôi tin rằng, nhu cầu về dầu của Nga vẫn còn", tuyên bố cho biết.

Cờ Liên minh Châu Âu bên ngoài tòa nhà Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ, 07/12/2020. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images)

Hôm 2/11, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga

Cùng ngày, chủ tịch luân phiên của EU, hiện do Cộng hòa Séc nắm giữ, cho biết, “Các đại sứ vừa đạt được thỏa thuận về giới hạn giá dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga”.

Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados tỏ ra rất hài lòng và đồng ý với mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga. Trước đó, Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ mức giá trần thấp hơn.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas rất hoan nghênh thỏa thuận áp giá trần đối với dầu Nga. Trước đó, bà đặc biệt quan ngại về những tiến bộ quân sự của Nga trên chiến trường Ukraine.

"Tôi hoan nghênh thỏa thuận chính trị của EU về việc ấn định giá trần đối với dầu mỏ của Nga", bà Kallas cho biết trong một tuyên bố.

(Từ trái sang) Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin nói chuyện với Thủ tướng Estonia Kaja Kallas trong một hội nghị ở Brussels, Bỉ, hôm 15/12/2021. (Ảnh: Geert Vanden WijngaertI/Pool/AFP/Getty Images)

“Làm tê liệt doanh thu năng lượng của Nga là cốt lõi của việc ngăn chặn cỗ máy chiến tranh của Nga. Tôi đã đích thân tham gia vào các cuộc đàm phán, vì việc làm cạn kiệt nguồn lực của Nga nhằm phục vụ cho nỗ lực chiến tranh là một vấn đề mang tính sống còn đối với chúng tôi”, bà nói thêm.

Thủ tướng Estonia ước tính rằng, với mỗi USD giới hạn được giảm xuống, Nga sẽ mất 2 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ. Bà Kallas cho biết thậm chí các nước châu Âu còn muốn hạ mức trần giá xuống 30 hoặc 40 USD.

Một ngày trước đó, trong khi các đại diện EU đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng, Điện Kremlin tuyên bố họ sẽ bỏ qua mọi giới hạn giá cuối cùng và đàm phán giá cả trực tiếp với khách hàng, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

Ông Lavrov cũng lặp lại quan điểm của Điện Kremlin rằng, các công ty năng lượng Nga sẽ không cung cấp dầu cho bất kỳ quốc gia nào ủng hộ việc áp giá trần, nói rằng Nga “sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia đi theo sự dẫn dắt của các nhà độc tài”.

Việc áp đặt giới hạn giá dầu của Nga cũng vấp phải nhiều chỉ trích.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ CNBC vào tháng 11, cựu Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin nói rằng, việc áp giá trần dầu của Nga “không những không khả thi mà còn là ý tưởng nực cười nhất mà tôi từng nghe”.

Việc giới hạn giá trần nhằm mục đích kiềm chế chi phí giá năng lượng tăng cao, do đó làm giảm áp lực lạm phát đáng lo ngại. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc EU hạn chế giá dầu của Nga là 'lợi bất cập hại', vì nó có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đặc biệt là trong trường hợp Nga trả đũa. Hơn nữa, sẽ có không ít quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau quyết định này của EU.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Nga tuyên bố không chấp nhận việc phương Tây áp giá trần dầu và chuẩn bị đáp trả