Nga tuyên bố phá hủy 4 hệ thống HIMARS ở Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Sáu (22/7) cho biết các lực lượng của họ đã phá hủy 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp trong khoảng thời gian từ ngày 5/7 đến 20/7.

“Bốn bệ phóng và một phương tiện nạp đạn cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) do Hoa Kỳ sản xuất đã bị phá hủy”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày.

HIMARS là vũ khí tiên tiến chính xác, có tầm bắn xa hơn các hệ thống pháo khác, cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu và kho vũ khí của Nga ở sâu hơn trong các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm kiểm soát. Kiev ca ngợi sự xuất hiện của 8 hệ thống HIMARS là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong xung đột sắp bước sang tháng thứ 6.

Reuters không thể xác minh các báo cáo chiến trường.

Hôm 19/7, Đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ giúp đỡ nhiều hơn nữa cho đất nước của bà trong bối cảnh Ukraine đang vất vả chống lại cuộc xâm lược kéo dài 5 tháng của Nga. Bà Zelenska nói vũ khí có thể giúp đảm bảo “chiến thắng chung vĩ đại".

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 20/7 cho biết, Mỹ sẽ chuyển thêm 4 hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine. Việc chuyển giao này nằm trong gói quân sự mới nhất để trợ giúp cho Kyiv giữa lúc họ đương đầu với những cuộc tấn công dồn dập của các lực lượng Nga.

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao M142 của Mỹ (HIMARS) phóng hỏa lực trong cuộc tập trận ở vùng Grier Labouihi, Morocco, 09/06/2021. (Fadel Senna/AFP/Getty Images)

Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine pháo hạng nặng tầm xa hơn và nhiều hệ thống pháo phản lực phóng loạt để giúp Kyiv cầm cự bất chấp sự vượt trội của pháo binh Nga về số lượng và đạn dược.

Gói viện trợ mới nhất sẽ nâng tổng số các hệ thống HIMARS mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine lên 16 dàn.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley tuyên bố Nga chưa phá hủy được hệ thống HIMARS nào ở Ukraine, đồng thời ca ngợi quân đội Ukraine đang phát huy hiệu quả của loại vũ khí này.

Kyiv đã ca ngợi sự xuất hiện của tám hệ thống HIMARS ở Ukraine như một nước cờ có thể thay đổi tiến trình của cuộc chiến. Các vũ khí tiên tiến chính xác hơn và có tầm bắn xa hơn các hệ thống pháo khác, cho phép Kyiv tấn công các mục tiêu và kho vũ khí của Nga ở xa hơn phía sau chiến tuyến.

Moscow cáo buộc phương Tây kéo dài cuộc xung đột bằng cách không ngừng viện trợ thêm vũ khí cho Kyiv. Nga cho hay, việc cung cấp vũ khí tầm xa hơn là lý do để biện minh cho nỗ lực kiểm soát một vùng lãnh thổ Ukraine ở phía nam đất nước, ngoài khu vực phía đông Donbass.

Ngày 6/7, chỉ vài ngày sau khi những hệ thống HIMARS đầu tiên được đưa tới Ukraine, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã phá hủy 2 chiếc trong số đó, đồng thời công bố một đoạn video về cuộc tấn công được cho là hình ảnh vụ tấn công.

Ukraine bác bỏ những tuyên bố đó và nói rằng họ đang sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để giáng "đòn tàn phá" vào các lực lượng Nga.

Tuần này, Kyiv đã sử dụng HIMARS để tấn công một cây cầu quan trọng bắc qua sông Dnipro ở khu vực phía nam Kherson do Nga kiểm soát, gây ra những lỗ hổng lớn trên những con đường. Các quan chức địa phương do Nga hậu thuẫn cảnh báo con đường có thể bị phá hủy hoàn toàn nếu các cuộc tấn công tiếp tục.

Hôm thứ Tư (20/7), Hoa Kỳ cho biết sẽ gửi thêm 4 hệ thống HIMARS tới Ukraine trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất.

Ông Serhiy Leshchenko, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, ngày 22/7 cho biết, Ukraine sẽ tiếp tục sử dụng HIMARS để "gây ra nhiều tổn thất cho phía Nga".

"Nga đang cố gắng ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây và đe dọa các đồng minh của Ukraine bằng sức mạnh hư cấu của các lực lượng vũ trang của Nga", ông Leshchenko nói.



BÀI CHỌN LỌC

Nga tuyên bố phá hủy 4 hệ thống HIMARS ở Ukraine