Nga yêu cầu hỗ trợ vũ khí quân sự: Trung Quốc tảng lờ vì sợ lộ điểm yếu này ở Ukraine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi cuộc chiến tại Ukraine đang trong thế trận giằng co tại khu vực Donbass, với lợi thế dường như nghiêng về phía Nga thì cũng là lúc chiến dịch của nước này bước sang ngày thứ 89. ​​Các chuyên gia nhận định, Nga có thể sớm cạn nguồn lực cho hoạt động tiến công. Thực tế ngay từ đầu tháng 3, có tin cho rằng Nga đã yêu cầu Trung Quốc “trợ giúp” quân sự, nhưng đổi lại là sự im lặng từ phía Bắc Kinh. Vì sao lại như vậy?

Nga kêu gọi giúp đỡ: Trung Quốc ‘không nghe không thấy’

Vào tháng 2, hai cường quốc Nga-Trung tuyên bố rằng họ đang bước vào mối quan hệ đối tác chiến lược "không có giới hạn", "không có vùng cấm" trong một thỏa thuận mà cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng là để nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ.

Tuy nhiên đã có những nghi ngờ rằng, mối quan hệ Nga-Trung vốn mang tính “vụ lợi” hơn là “bền vững”, mà cuộc chiến tại Ukraine đã phần nào phản ánh rõ nét hơn cách mà chế độ độc tài ĐCSTQ vẫn luôn thể hiện ở “đầu môi chót lưỡi”.

Tờ Politico cho biết, kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24/2, quân đội Nga đã có dấu hiệu đình trệ trong quá trình bao vây và chiếm cứ thủ đô Kiev khi vấp phải sự kháng cự của quân đội Ukraine được phương Tây hậu thuẫn. Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt máy bay chiến đấu, trực thăng và nhiều phương tiện khác của Nga.

Vì vậy chỉ hơn hai tuần sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự và các hỗ trợ khác. Điều này “cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự Nga đánh giá rằng họ cần phải trang bị vũ khí đầy đủ để duy trì cuộc tiến công sau khi cố gắng tiến sâu hơn vào Ukraine”.

Trong khi ấy, CBSnews cho biết “yêu cầu từ Điện Kremlin gửi tới Bắc Kinh chủ yếu liên quan đến hỗ trợ tài chính, ngoài ra có cả hỗ trợ máy bay không người lái”. Tuy nhiên Trung Quốc và sau đó cả Nga đã bác bỏ thông tin trên.

Liệu có phải Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp vũ khí quân sự trong đó có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho nước này, trong bối cảnh xung đột Ukraine ngày càng leo thang với sự hỗ trợ khí tài của Mỹ và NATO?

Thêm nữa, câu hỏi đặt ra là: Tại sao Trung Quốc lại thẳng thừng bác bỏ thông tin trên, dù cả ông Putin và Tập Cận Bình đã tuyên bố hai nước hợp tác “không giới hạn, không có vùng cấm” chỉ ít ngày trước khi Nga tấn công Ukraine?

Mặc dù Trung Quốc ám chỉ về việc không hỗ trợ Nga vào phút cuối với lý do e ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nhưng có lẽ điều ĐCSTQ lo ngại hơn cả là thế giới sẽ phát hiện được các “lỗi” vũ khí của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng không với các tiêm kích chất lượng thấp?

Trung Quốc có xứng tầm lực lượng hàng không lớn thứ 3 thế giới?

Trung Quốc không ngừng khoe khoang về lực lượng hàng không của nước này, vốn được coi là lớn thứ 3 trên thế giới, với một loạt các chiến đấu cơ sừng sỏ như máy bay ném bom chiến lược, máy bay không người lái tàng hình cùng máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Theo ước tính, Trung Quốc có khoảng 2.800 máy bay thuộc Không quân và Hải quân, không bao gồm máy bay không người lái và máy bay huấn luyện. Khoảng 2.250 chiếc trong số đó là máy bay chiến đấu chuyên dụng, bao gồm 1.800 máy bay chiến đấu. Trong số này, khoảng 800 chiếc được coi là máy bay phản lực thế hệ thứ tư.

Trung Quốc cũng đang nghiên cứu để xây dựng một lực lượng không quân tầm xa, bao gồm các máy bay J-16 và J-10. Trung Quốc cũng ca ngợi thành tựu đáng tự hào nhất của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm - J-20 "Mighty Dragon. (Businessinsider).

Máy bay chiến đầu của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan (Ảnh: Getty Images).

Với sự tự tin này, Trung Quốc ngày càng táo tợn trong việc răn đe Đài Loan bằng các chuyến bay thị uy trên vùng trời hòn đảo này.

Ngày 11/5 vừa qua, Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho biết trực thăng tấn công Z-10 tiên tiến của Trung Quốc lần đầu tiên đã vượt qua "đường trung tuyến" - ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan, theo Newsweek.

Cần lưu ý là, máy bay quân sự Trung Quốc hiếm khi vượt qua đường trung tuyến này. Duy nhất ngày 19/9/2020, biên đội tiêm kích J-10, J-11 và J-16 đã vượt qua đường trung tuyến, áp sát Đài Loan cùng thời điểm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach thăm hòn đảo. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trực thăng quân sự Trung Quốc có hoạt động tương tự.

Còn nhớ ngày 1/9/2021, Trung Quốc ra Luật An toàn giao thông hàng hải Trung Quốc (MTSL), điều đó có nghĩa là các tàu thuyền nước ngoài khi tiến vào vùng biển do Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đều phải khai báo thông tin với Trung Quốc. 4 ngày sau, ngày 5/9, Trung Quốc làm nổi sóng vùng trời trên eo biển Đài Loan, khi 19 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận diện phòng không phía Tây Nam của đảo Đài Loan.

Bức ảnh máy bay quân sự của ĐCSTQ quấy rối Đài Loan. (Do Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc cung cấp)

Có thể thấy, những hành động của Trung Quốc ngày càng dồn dập và táo bạo, bất chấp việc Mỹ cử nhiều tàu chiến thị uy tới biển Đông.

Nhưng có một bí mật ít ai biết, là trong suốt nửa đầu tháng 8/2021, chiến đấu cơ Trung Quốc hoàn toàn vắng bóng trên không phận Đài Loan. Vì sao? Đơn giản, eo biển Đài Loan trong những ngày đó có mưa. Và máy bay của Trung Quốc khó lòng tác chiến được.

Trung Quốc cũng đã từng phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn máy bay khi tăng cường các cuộc diễn tập quân sự, nhằm thực hiện lời kêu gọi "nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các cuộc tập trận thị uy, đặc biệt trong thời tiết khắc nghiệt sẽ càng phơi bày nhiều điểm yếu của không quân Trung Quốc mà quân đội nước này chưa thể khắc phục.

Vô tình tiết lộ điểm yếu chết người

Trong 13 ngày liên tiếp cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm 2021, khi Đài Loan có mưa lớn thì các chiến cơ Trung Quốc cũng bỗng dưng vắng bóng. Khi thời tiết quang đãng trở lại vào ngày 11/8, Vùng nhận dạng Phòng không của Đài Loan lại bị chiến đấu cơ Trung Quốc tới quấy rối.

Tại sao lại như vậy?

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vô tình tiết lộ, máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc phải bảo dưỡng và làm sạch bằng cách dùng bọt biển để "rửa khô" khi hoạt động trong điều kiện mưa gió, nếu không nước sẽ thấm vào và gây rỉ sét các bộ phận.

Một sĩ quan quân đội Trung Quốc đứng bên cạnh giải thích: “Không thể rửa trực tiếp bằng nước như chúng ta thường rửa xe”, vì nếu nước thấm vào bên dưới sẽ dễ gây rỉ các bộ phận kim loại. (secretchina)

Nhà bình luận thời sự Hoàng Sáng Hạ (Huang Chuang-shia) cho biết, ông đã giải mã được vì sao trong 13 ngày mưa gió ở Đài Loan, máy bay quân sự của ĐCSTQ đã không tới quấy nhiễu. Có lẽ là do "chiến đấu cơ của Trung Quốc không thể chịu được thời tiết mưa gió”.

Ông cũng cho biết, trong tác chiến “cần phải tăng cường khả năng bay trong đêm", và ngay cả “bay trong mưa" mà cũng tiềm ẩn những rủi ro lớn cho chiến đấu cơ Trung Quốc, thì càng cho thấy lực lượng không quân nước này lộ quá nhiều lỗ hổng chí tử.

Loạt tai nạn phơi bày tử huyệt của không quân Trung Quốc

Các vụ tai nạn liên tiếp trong vài năm gần đây của chiến đấu cơ Trung Quốc không chỉ cho thấy do lỗi thiết kế, lỗi động cơ mà còn cả trình độ tay nghề yếu kém của phi công nước này.

Nhiều chuyên gia quân sự cảnh báo không quân Trung Quốc sẽ tiếp tục phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn tương tự, khi lực lượng này gia tăng các cuộc diễn tập thị uy tại eo biển Đài Loan.

Một cựu phóng viên CCTV tiết lộ rằng cuộc điều tra về vụ tai nạn hàng không của Trung Quốc quá mờ mịt. Hình ảnh cho thấy cảnh sát vũ trang đang tiến hành tìm kiếm tại hiện trường máy bay rơi. (Ảnh: CNS / AFP / Getty Images)
Một cựu phóng viên CCTV tiết lộ rằng cuộc điều tra về vụ tai nạn hàng không của Trung Quốc quá mờ mịt. Hình ảnh cho thấy cảnh sát vũ trang đang tiến hành tìm kiếm tại hiện trường máy bay rơi. (Ảnh: CNS / AFP / Getty Images)

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) cho rằng, sự cố động cơ và hệ thống điều khiển là nguyên nhân chính trong hàng loạt tai nạn chết người của chiến đấu cơ Trung Quốc như sau:

  • Tháng 6/2014, chiếc máy bay tiêm kích-ném bom JH-7 “Flying Leopard” đã bị rơi trong một nhiệm vụ huấn luyện ở tỉnh Chiết Giang.(scmp)
  • Ngày 15/5/2015, hai phi công của một máy bay hải quân đã thiệt mạng khi máy bay huấn luyện của họ rơi ở phía đông bắc Trung Quốc sau khi động cơ bị bốc cháy. (Economictimes)
  • Tháng 4/2016, phi công Zhang Chao 29 tuổi thiệt mạng sau khi tiêm kích J-15 bị hỏng cần điều khiển trong buổi tập hạ cánh trên tàu sân bay.
  • Ba tuần sau, cuối tháng 4/2016, một phi công thiệt mạng khi gặp phải vấn đề tương tự với một chiếc J-15 khác trong quá trình huấn luyện trên tàu sân bay. (scmp)
  • Tháng 11/2016, nữ phi công lái tiêm kích J-10 đầu tiên của Trung Quốc cũng chết thảm trong một buổi huấn luyện bay ở Hà Bắc (CNN)
  • Tháng 1/2018, ít nhất 12 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng' trong vụ rơi máy bay quân sự trong cuộc tập trận ở Quý Châu (scmp)
  • Tháng 3/2019, một máy bay của hải quân Trung Quốc đã rơi trong quá trình diễn tập gần địa phận tỉnh Hải Nam và cả hai phi công đều tử nạn. (businessinsider)
  • 8 ngày sau, tai nạn tiếp tục xảy ra tại cao nguyên Tây Tạng, khi một tiêm kích J-10 lao vào vách núi trong lúc huấn luyện bay thấp.
  • Tháng 3/2020, một trực thăng của Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông đã bị rơi xuống khu vực Công viên Quốc gia Tai Lam.
  • Ngày 5/10/2020, một máy bay được cho là chiếc Chengdu J-10 đã đâm xuống đất khiến phi công Wang Jiandong tử nạn (taiwannews)
  • Tháng 3/2022 vừa qua, một máy bay chống ngầm Y-8 của Không quân Trung Quốc được cho là đã gặp nạn và mất liên lạc ở Biển Đông. (taiwannews)

Và gần đây nhất vào cuối tháng 4 vừa qua, một máy bay phản lực siêu thanh Hongdu JL-10 (hoặc có thể là L-15) đã bị rơi tại tỉnh Hà Nam, nối dài thêm vào danh sách sự cố. (eurasiantimes)

Có một thực tế là, những vụ tai nạn rơi máy bay chiến đấu của Trung Quốc không phải là sự kiện hiếm. Một quan chức không quân Trung Quốc thừa nhận, không chỉ máy bay nội địa chất lượng kém, mà phi công nước này cũng gần như không có kinh nghiệm bay trước khi nhập ngũ.

Vậy những lỗ hổng trong vũ khí của Trung Quốc, và việc ĐCSTQ ngoài mặt ủng hộ ‘đồng minh’ Nga trên mặt trận ngoại giao, nhưng lại ‘đâm sau lưng’ đồng minh đã diễn ra như thế nào?

Hàng ngàn tiêm kích J-10 và J-11 sẽ sớm bị loại?

Trong những năm gần đây, Trung Quốc sản xuất tiêm kích thế hệ 4 với tốc độ chóng mặt, nhưng có vẻ như vẫn chưa đủ để đảm bảo chiếm ưu thế.

Truyền thông của Trung Quốc gần đây công bố thông tin khiến người dân nước này cảm thấy nức lòng. Đó là số giờ tập luyện thường xuyên hàng năm của phi công lái tiêm kích thế hệ 4 như J-10 hay J-11 đã đạt con số 300 giờ bay, thay vì chỉ gần 100 giờ như trước, tức là ngang hàng với những cường quốc như Mỹ hay châu Âu.

Nhưng chưa kịp vui mừng thì không quân Trung Quốc tiếp tục lộ thêm điểm yếu chí tử nữa, khiến dư luận nước này không khỏi lo lắng. Đó là với tần suất bay như vậy thì tiêm kích J-10 hay J-11 do chính Trung Quốc sản xuất có thể trụ vững trong bao lâu?

Giới chức trách Mỹ phản ứng chậm chạp trước việc Bắc Kinh mua nhà sản xuất máy bay Mỹ, Trung Quốc đang thâu tóm một công ty thủy phi cơ của Mỹ chuyên sản xuất những chiếc máy bay tinh vi có cánh làm từ sợi carbon và có thể gập lại
Một nhân viên quốc phòng đang dẫn đường cho chiếc J-10 của Tập đoàn Máy bay Thành Đô sản xuất cho Không quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) sau chương trình bay trình diễn tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 13 ở Chu Hải, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 28/09/2021. (Ảnh: Noel Celis / AFP qua Getty Images)

Hiện nay, độ bền khung thân của tiêm kích do Mỹ, NATO sản xuất dao động trong khoảng 6.000 - 8.000 giờ bay. Nhưng tiêm kích Trung Quốc ngoài điểm yếu về tuổi thọ động cơ, thì tuổi khung thân của J-10 và J-11 là chỉ khoảng 1.500 - 2.000 giờ bay.

Tức là một tiêm kích mới sản xuất, với tần suất luyện tập dày đặc của phi công thì chỉ sau 5 - 7 năm là hết thời gian khai thác, phải đại tu sửa chữa hoặc bị loại biên.

Còn đối với những chiếc J-10 hay J-11 đã bay vài năm thì số giờ hoạt động còn lại sẽ ít hơn nữa. Như vậy, có thể thấy hàng loạt tiêm kích của Trung Quốc sẽ sớm phải về vườn.

Rõ ràng đối diện nguy cơ trên, Trung Quốc còn lâu mới đủ sức đe dọa vị thế thống trị của Không lực Hoa Kỳ.

Trung Quốc "cóp" nhái giỏi nhất, chất lượng vẫn thấp kém

Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên ca ngợi các máy bay chiến đấu của họ là biểu tượng của sức mạnh quân sự. Máy bay chiến đấu của Trung Quốc từ lâu đã có một lỗ hổng chính: Khan hiếm động cơ chất lượng cao.

Trung Quốc nổi tiếng với khả năng "sao chép" tài tình công nghệ nước ngoài và đem áp dụng sản xuất vào các phiên bản nội địa. Hầu hết máy bay chiến đấu của Trung Quốc đều dựa trên những ý tưởng "đánh cắp" sở hữu trí tuệ từ phương Tây. Dù Trung Quốc đã nỗ lực chế tạo động cơ WS-10, là biến thể sao chép từ dòng Saturn AL-31F của Nga, nhưng dòng động cơ nội địa này vẫn chưa được tin tưởng nên phần lớn tiêm kích J-10 vẫn phải nhập động cơ của Nga.

Động cơ máy bay quân sự được sử dụng rộng rãi hiện nay tại Trung Quốc là WS-10 có thể chịu đựng mức nhiệt khoảng 1.470 độ C, và việc cải thiện có thể góp phần không nhỏ trong nâng cao công suất phát ra của động cơ. Trung Quốc đã dành nhiều năm để khiến động cơ WS-15 thiết kế dành cho chiến đấu cơ J-20 hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn gặp vướng mắc với cánh quạt liên tục bị tăng nhiệt ở vận tốc cao. Do vậy, Không quân Trung Quốc buộc phải sử dụng động cơ do Nga sản xuất hoặc một phiên bản cải tiến của WS-10.

Kết quả là, việc không sản xuất được động cơ chất lượng cao đang ảnh hưởng đến nhận thức của các quốc gia khác về hình ảnh tô vẽ Trung Quốc như một đối tác quốc phòng đáng tin cậy. Và Thái Lan là một ví dụ khi không tin tưởng động cơ tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất.

Một tàu ngầm hạt nhân loại 094 lớp Jin Long ngày 15/3 của Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc duyệt binh hải quân ở vùng biển gần Thanh Đảo, thuộc tỉnh Sơn Đông phía đông Trung Quốc vào ngày 23/4/2019. (Mark Schiefelbein / AFP qua Getty Images)

Ngày 12/4 vừa qua, asia.nikkei đưa tin rằng, Thái Lan đã đình chỉ hợp đồng mua tàu ngầm Trung Quốc. Theo thỏa thuận, động cơ của tàu ngầm phải được chế tạo tại Đức. Tuy nhiên các quy định luật pháp của Đức lại ngăn cản nước này không được phép cung cấp động cơ cho Trung Quốc. Vì vậy, để giữ nguyên hợp đồng với Thái Lan, Trung Quốc đã đề nghị đóng tàu ngầm với động cơ do Trung Quốc sản xuất, nhưng Thái Lan đã từ chối.

Hiển nhiên, vì những “lỗi’ nghiêm trọng đó khiến Trung Quốc không hỗ trợ vũ khí quân sự cho người Nga trên chiến trường Ukraine, hay còn một lý do nào khác?

Điểm nóng Ukraine: Mồi thử cho mối quan hệ “đồng minh” Nga- Trung

Vào tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc là Vương Nghị đã gọi Nga là "đối tác chiến lược quan trọng nhất" đối với Trung Quốc, khi ông này phát biểu: "Dù bối cảnh quốc tế có nguy hiểm đến đâu, chúng ta sẽ giữ vững trọng tâm chiến lược và thúc đẩy sự phát triển của quan hệ đối tác toàn diện Trung - Nga trong thời kỳ mới ... Tình hữu nghị giữa hai dân tộc là sắt son." (AP)

Phân tích: Đề nghị đứng giữa hòa giải cho Nga và Ukraine, Bắc Kinh có tính toán gì?
Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị xuất hiện trên màn hình khi ông có bài phát biểu từ xa tại buổi khai mạc phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva hôm 28/2/2022. (Ảnh: FABRICE COFFRINI / AFP qua Getty Images)

Vào ngày 19/4, Trung Quốc tiếp tục trấn an người Nga rằng ĐCSTQ sẽ tiếp tục tăng cường “phối hợp chiến lược”, theo Reuters.

Có thể thấy, Bắc Kinh luôn nhiều lần lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây, khẳng định sẽ duy trì giao thương bình thường với Nga, đồng thời từ chối lên án hành động của Moskva tại Ukraine. Nhưng đằng sau hậu trường cho thấy ĐCSTQ luôn “lật kèo”, phản ánh một liên minh dường như “lỏng lẻo”, thể hiện ở một số sự việc như sau:

  1. Đầu tiên, Trung Quốc giảm nhập khẩu than của Nga trong những tháng gần đây, với 2,4 triệu tấn (tháng 3), 2,34 triệu tấn (tháng 2)... Trong khi vào năm ngoái, nhập khẩu hàng tháng của Trung Quốc không dưới 3 triệu tấn, đạt mức cao nhất là 5,32 triệu vào tháng 8/2021. Các nhà máy điện và nhà sản xuất thép của Trung Quốc được cho là đang săn lùng các lựa chọn thay thế cho than đá của Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của EU đối với Moscow gia tăng. (Reuters).
  2. Tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đã đình chỉ các cuộc đàm phán về hai khoản đầu tư lớn tại Nga, gồm dự án về hóa dầu tại Amur với nhà sản xuất hóa dầu lớn nhất của Nga là Sibur, và dự án liên doanh tiếp thị khí đốt với nhà sản xuất khí đốt Novatek vì lo ngại các công ty của Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. (Reuters)
  3. Ít nhất 5 công ty Trung Quốc thông báo sẽ ngừng hoạt động đối với dự án LNG 2 ở Bắc Cực của Nga ở miền bắc Siberia vào cuối tháng 5. Arctic LNG 2 là một dự án quan trọng đối với chính quyền Putin, vì nó cung cấp chính cho 2 nước lớn là Trung Quốc và Nhật Bản. Arctic LNG 2 có tổng công suất sản xuất theo kế hoạch là 19,8 triệu tấn/năm, được cho là sẽ bắt đầu sản xuất vào năm sau, giờ đã bị “đắp chiếu”. Hẳn nhiên Putin sẽ không vui vì dự án mà ông đặt cược sau khi EU đang tiến tới cắt nguồn cung dầu khí, giờ bị đình trệ bởi chính ông “bạn thân” Trung Quốc. (SCMP)
  4. Một điều nghiêm trọng nữa là dù là “đồng minh” của nhau, Trung Quốc vẫn “chơi hại” Nga như thường. Điển hình là các gián điệp của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tấn công các viện nghiên cứu về liên lạc vệ tinh, radar và chiến tranh điện tử của Nga.

Theo The New York Times, báo cáo của Check Point công bố hôm 19/5 hé lộ vào ngày 23/3, tức gần 1 tháng sau ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nhà khoa học và kỹ sư tại một số viện nghiên cứu và phát triển quân sự của Nga đã nhận được các email có vẻ như gửi từ Bộ Y tế Nga kèm theo một tài liệu gây tò mò: “Danh sách những người bị Mỹ trừng phạt vì xâm lược Ukraine”.

Thực tế, những email này do các tin tặc được chính phủ Trung Quốc bảo trợ gửi tới, kích thích người Nga tải xuống và mở một tài liệu chứa sẵn mã độc, cho phép tin tặc sao chép toàn bộ dữ liệu trong hệ thống máy vi tính của người bị tấn công.

Các viện nghiên cứu và phát triển quân sự Nga bị Trung Quốc nhắm tới đều thuộc về tập đoàn Rostec, một trong những tập đoàn công nghiệp quân sự lớn nhất và mạnh nhất của ngành quốc phòng Nga. Rostec chuyên nghiên cứu các hệ thống vệ tinh thông tin, radar và chiến tranh điện tử. Tập đoàn Rostec được biết đang nghiên cứu và phát triển các thiết bị có thể phá vỡ hệ thống nhận dạng và radar của kẻ thù.

Chiến dịch thâm nhập và ăn cắp dữ liệu quốc phòng của Trung Quốc nhắm vào Nga đã bắt đầu từ tháng 7/2021, trước khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng các email lừa đảo hôm 23/3 vừa qua cho thấy tin tặc Trung Quốc đã nhanh chóng lợi dụng cuộc chiến tại Ukraine.

Các ngôi sao đại diện cho đêm tối, tượng trưng cho hắc ám, và năm ngôi sao ám chỉ đất nước bị chia năm xẻ bảy, không phải điềm lành.
Các gián điệp của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu tấn công các viện nghiên cứu về liên lạc vệ tinh, radar và chiến tranh điện tử của Nga. (Ảnh: China Photos/Getty Images)

Nỗ lực do thám Nga của Trung Quốc cho thấy sự phức tạp trong mối quan hệ giữa hai quốc gia chuyên chế mà ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin mới tuyên bố là “hợp tác không giới hạn”. Thế nhưng quan hệ đó không ngăn ĐCSTQ sử dụng mọi thủ đoạn để trục lợi riêng, kể cả do thám và ăn cắp bí mật quân sự của “đồng đội”.

Đáng ngạc nhiên là, sau khi thực hiện một loạt các bước ‘phản’ Nga, Trung Quốc hiện đang âm thầm tăng cường mua dầu từ Nga với giá hời. Theo Reuters, động thái của Trung Quốc diễn ra một tháng sau khi nước này ban đầu cắt giảm nguồn cung từ Nga.

Theo ước tính nhập khẩu dầu từ Nga qua đường biển của Trung Quốc sẽ tăng gần như kỷ lục, với 1,1 triệu thùng /ngày vào tháng 5, so với chỉ 750.000 thùng/ngày trong quý 1/2022 và 800.000 thùng/ngày vào năm 2021. Tổng cục Hải quan Trung Quốc trước đó đã báo cáo rằng, nhập khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc trong tháng 1-tháng 4 giảm khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,6 triệu tấn.

Những “cú lật kèo” của Trung Quốc có vẻ như đi theo một ‘lộ trình’ quan sát diễn biến tình hình trên chiến trường Ukraine: ĐCSTQ ngoài mặt ủng hộ ‘đồng minh’ Nga trên mặt trận ngoại giao, nhưng lại ‘đâm sau lưng’ Nga theo các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU khi thấy Nga có vẻ ‘sa lầy’ trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của thành phố cảng Mariupol hôm 16/5, và đà kiểm soát của Nga tại khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, Trung Quốc dường như đánh hơi được ‘món hời’?

Đây cũng là một đòn đau nhớ đời của Nga khi song hành cùng “người bạn’ là ĐCSTQ.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Ntdvn.net

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Nga yêu cầu hỗ trợ vũ khí quân sự: Trung Quốc tảng lờ vì sợ lộ điểm yếu này ở Ukraine?