Ngày càng ít người kết hôn — Tại sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôn nhân ngày nay đã không còn là hôn nhân giao ước — được thực hiện một cách tận tâm về mặt tôn giáo, về mặt cá nhân. Hôn nhân ngày nay là hôn nhân theo hợp đồng, và nó đã trở thành một "tình huống không có lợi với nam giới". Ngoài ra, trình độ học vấn của phụ nữ gia tăng cũng tương đồng với tỉ lệ phụ nữ khởi xướng ly hôn.

Nhà hiện sinh Soren Kierkegaard đã suy ngẫm về nhiều điều — cuộc sống, cái chết, hạnh phúc, nỗi buồn, thậm chí cả tầm quan trọng của các loài chim và hoa loa kèn. Ông cũng từng đắn đo về vấn đề hôn nhân.

Kierkegaard — người đàn ông đã từng đính hôn một năm trước khi quyết định không kết hôn — đã từng viết như sau: "Nếu bạn kết hôn, bạn sẽ hối hận; nếu không kết hôn, bạn cũng sẽ hối hận; nếu bạn kết hôn hay nếu bạn không kết hôn, thì bạn đều sẽ hối hận; dù bạn kết hôn hay không kết hôn, thì bạn đều sẽ hối hận".

Ý ông ấy là gì?

Nói thật là tôi không biết. Có ai biết không?

Nhưng ông Kierkegaard, dù nói thế nào đi nữa, cũng không phải là một fan hâm mộ của hôn nhân. Chúng ta hãy tua đi dòng thời gian 200 năm, và đến ngày nay, hàng chục triệu người trên khắp thế giới — từ Thượng Hải đến San Francisco — có vẻ có chung quan điểm với triết gia Đan Mạch Kierkegaard. Nhưng, câu hỏi là, tại sao?

Kết hôn, hay không kết hôn: đó là câu hỏi được đặt ra. Ngày càng có nhiều người trả lời câu hỏi này bằng một câu khá là vang dội: "không".

Tại Trung Quốc, tỉ lệ kết hôn đạt đỉnh vào năm 2013; đến năm 2020, tỉ lệ này giảm xuống còn 5,8 cuộc hôn nhân trên mỗi 1.000 dân. Theo nhà báo Cao Zinan, mong muốn kết hôn của thanh niên Trung Quốc (18 - 35 tuổi) đã giảm xuống vì một số lý do, bao gồm "áp lực công việc cao và sự cải thiện lớn trong trình độ học vấn và trong sự độc lập về kinh tế của phụ nữ". Một lý do chính khác liên quan đến thực tế là, đàn ông Trung Quốc đông hơn phụ nữ gần 35 triệu người.

Những người đàn ông đang xem xét các hồ sơ cá nhân được treo lên giữa những thân cây trong một sự kiện mai mối ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, 17/10/2021. (Noel Celis / AFP, qua Getty Images)

Trong khi đó, tại Mỹ, tỉ lệ kết hôn là 6,1 cuộc hôn nhân trên mỗi 1.000 dân (năm 2019) — mức thấp nhất kể từ khi chính phủ Mỹ bắt đầu theo dõi dữ liệu cách đây hơn 150 năm.

Tôi đã liên hệ với Rollo Tomassi, một tác giả sách bán chạy nhất, mà đã viết nhiều về chủ đề hôn nhân. Trong cuốn sách mới nhất của mình, "Người đàn ông lý trí–Tôn giáo", thì Tomassi — một nhà nghiên cứu tỉ mỉ — đã gọi hôn nhân một vợ một chồng là "một trong những nền tảng thành công của nền văn minh phương Tây".

Nói tóm lại, hôn nhân là "một ý tưởng hay". Ít ra là, nó đã từng như thế. Tuy nhiên, ngày nay, hôn nhân là "một trong những viễn cảnh tồi tệ nhất mà đàn ông có thể tưởng tượng được".

Tại sao?

Bởi vì xã hội đã chuyển từ ý tưởng về hôn nhân giao ước sang hôn nhân hợp đồng. Hôn nhân giao ước là về "cách nó phải được thực hiện — về mặt tôn giáo, cá nhân, một cách tận tâm". Đây là cách hôn nhân được thực hiện trong quá khứ. Trong khi đó, hôn nhân hợp đồng ("cách hôn nhân được thực hiện bây giờ"), theo tác giả Tomassi, là "trách nhiệm hợp đồng pháp lý tệ nhất mà một người đàn ông có thể tự ràng buộc mình vào". Hôn nhân theo hợp đồng "là một cuộc hôn nhân dựa trên sự hỗ trợ lẫn nhau và [dựa trên] một sự bảo hiểm [và đảm bảo] rằng sự hỗ trợ này sẽ tiếp tục ngay cả khi cuộc hôn nhân đó tan rã". Lời lẽ mạnh mẽ đấy, một số người sẽ kết luận thế. Đúng vậy, mạnh mẽ nhưng cũng khá chính xác.

Tại Mỹ, nguồn gốc của các cuộc hôn nhân theo hợp đồng là từ sự gia tăng của ly hôn không có lỗi. Rất đơn giản, một cuộc ly hôn không có lỗi không đòi hỏi rằng, một trong hai bên phải có hành vi sai trái. Không có gì ngạc nhiên khi California — từng là một xã hội không tưởng theo chủ nghĩa tự do, và yêu chủ nghĩa tự do — là tiểu bang đầu tiên của Mỹ ban hành luật ly hôn không có lỗi. Luật này được ký bởi Thống đốc Ronald Reagan — một người đàn ông đã ly hôn và tái hôn — và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1970.

Kết hôn, hay không kết hôn

Vì vậy, người ta tự hỏi, tương lai của hôn nhân ở Mỹ sẽ như thế nào? Chà, không tốt cho lắm.

Thứ nhất, một nghiên cứu phát hiện rằng, phụ nữ thấy 80% đàn ông không hấp dẫn về mặt hình thể. Ai có thể trách họ chứ? Đàn ông Mỹ bình thường không có hình thể tốt.

54,77 triệu đàn ông Mỹ hiện đang thừa cân. 69 triệu đàn ông Mỹ béo phì. Đến năm 2030, 50% người trưởng thành ở Mỹ sẽ bị béo phì, và 25% người trưởng thành ở Mỹ sẽ bị béo phì nghiêm trọng. Vì vậy, vâng, phụ nữ cũng đang buông lơi hình thể của mình.

Tất nhiên, ngày nay, sức hấp dẫn đến từ rất nhiều những thứ ngoài ngoại hình. Ngoài sức hấp dẫn về ngoại hình, một người đàn ông còn phải có sức hấp dẫn về kinh tế. Những gì chúng ta đang thấy ở đây là quy tắc 666 đang được áp dụng — phụ nữ muốn một anh chàng cao 6 feet (khoảng 183cm), thu nhập có 6 chữ số (ví dụ: 100.000 USD, hay 999.999 USD đều là các số có 6 chữ số), và thân hình 6 múi.

Như nhà tâm lý học Arash Emamzadeh đã viết gần đây, phụ nữ không chỉ "khao khát những người yêu khỏe mạnh và hấp dẫn về thể chất", mà họ còn thường xuyên "khao khát những người bạn đời tháo vát (tức là những người đàn ông giàu có và thành đạt)".

Đối với những người may mắn (hoặc không may mắn) kết hôn, tôi có nhiều tin xấu hơn nữa đây. 70% các cuộc ly hôn là do phụ nữ khởi xướng. Và phụ nữ có trình độ đại học khởi xướng ly hôn với tỉ lệ đáng kinh ngạc: 90%. Xét đến việc phụ nữ hiện chiếm 60% số sinh viên đại học, tương lai của hôn nhân trông không có vẻ gì tươi sáng cả. Thực tế là, nó trông hết sức bấp bênh.

Lễ phát bằng tại Đại học Barnard, trường đại học dành cho phụ nữ nổi tiếng ở New York, 17/05/2010. (Slaven Vlasic / Getty)

Bây giờ, trước khi tôi bị cáo buộc là một người khó chịu ghét kết hôn, hãy để tôi nói rõ điều sau: Tôi không phản đối việc phụ nữ được giáo dục. Tôi khác hoàn toàn. Vợ sắp cưới của tôi có bằng sau đại học. Mẹ tôi học đại học, chị gái tôi cũng vậy. Tôi yêu cả ba người phụ nữ ấy tha thiết. Tôi chỉ đơn giản nói rằng, phụ nữ có bằng đại học ngày nay có tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với phụ nữ những năm 1980, và nhiều đàn ông Mỹ chỉ đơn giản là không đạt được những tiêu chuẩn khá cao này. Đây không phải là một số vấn đề tầm thường. Nó nghiêm trọng, rất là nghiêm trọng.

Ở Mỹ, những người đã kết hôn sẽ sớm trở thành thiểu số. Những người đã kết hôn có xu hướng sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn; họ có xu hướng trải qua đau khổ tâm lý ít hơn và ít bị trầm cảm mãn tính hơn.

Theo các tác giả của một nghiên cứu đã qua bình duyệt được công bố năm 2021, khi so với những người đã kết hôn, thì những người đàn ông độc thân, ly hôn, hoặc góa vợ có nhiều khả năng biểu hiện các triệu chứng trầm cảm hơn. "Đối với phụ nữ,... thì độc thân" cũng "có liên quan đến các triệu chứng trầm cảm".

Ở nam giới, theo các tác giả nghiên cứu, thì "độc thân hoặc ly hôn/góa bụa cũng có liên quan đến sự tự tin thấp hơn ở tuổi 32, 42 và 52".

So với hôn nhân, họ lưu ý rằng, "độc thân hoặc ly hôn/góa bụa thường liên quan đến tình trạng sức khỏe tinh thần kém hơn trong suốt cuộc đời, đặc biệt là ở nam giới".

Như Tomassi — một người đàn ông đã kết hôn hơn một phần tư thế kỷ — nói với tôi, thì ý tưởng về hôn nhân ngày nay "là một khái niệm trật tự cũ trong một thế giới trật tự mới".

Hôn nhân có thể được cứu vãn không? Tôi hỏi thế.

"Chúng ta sẽ không cứu vãn được hôn nhân, ít nhất là không theo trật tự cũ", ông Tomassi trả lời. Bởi vì "chúng ta vẫn đang bám vào những lý tưởng của thế kỷ 20 về hôn nhân". Về cơ bản, chúng ta đang sử dụng la bàn bị hỏng để điều hướng địa hình mới.

"Mọi người vẫn muốn kết hôn," anh nói thêm. Tuy nhiên, "có rất ít động lực để kết hôn", phần lớn là do hôn nhân đã trở thành "tình huống không có lợi đối với nam giới và chính sách bảo hiểm an ninh cho phụ nữ". Ngày nay, cả hai giới "có nhiều quyền lực và quyền kiểm soát cuộc sống bên ngoài hôn nhân hơn bên trong".

Ông Tomassi nhấn mạnh rằng "đàn ông và phụ nữ vốn dĩ vẫn cần nhau; bất chấp những gì một trong hai phía có thể nói". Ông tin rằng "chúng ta tốt hơn khi có nhau, hơn là khi xa nhau". Trong tương lai, "chế độ một vợ một chồng tận tâm với nhau là cách tốt nhất để hình thành gia đình và nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh".

Về cơ bản, hôn nhân vẫn sống được, nhưng chỉ khi chúng ta nhận ra rằng, các quy tắc đã thay đổi một cách đáng kể.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết tiểu luận. Tác phẩm của ông đã được đăng bởi tờ New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, và The Spectator US. Ông viết về tâm lý học và các mối quan hệ xã hội, và quan tâm sâu sắc đến các rối loạn chức năng xã hội và kỹ xảo vận động truyền thông.

Cao Dương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngày càng ít người kết hôn — Tại sao?