Nghị sĩ Canada: Đừng hy vọng Bắc Kinh thay đổi, Canada cần nhìn rõ 'bản chất' của ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lúc nhiều nước trên thế giới đánh giá lại mối quan hệ của họ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Canada đang ở vị trí độc nhất để có thể xây dựng liên minh với các nền dân chủ có tư tưởng liên kết khác nhằm đẩy lùi hành vi xấu bằng tiếng nói thống nhất hơn, nghị sĩ Đảng Bảo thủ Philip Lawrence phát biểu.

Di sản của Canada với tư cách là người bảo vệ nhân quyền và vị thế quyền lực trung gian của nó khiến Canada tự nhiên phù hợp với vai trò “người xây dựng sự đồng thuận” - vai trò có thể làm việc với những người khác để đạt được mục tiêu chung, nghị sĩ Lawrence nói.

Ông nhận định: “Nếu chúng ta làm việc theo nhóm, nếu chúng ta làm việc với các quốc gia vĩ đại khác trên thế giới, các dân tộc tự do khác, tôi tin rằng chúng ta có thể thúc đẩy chính phủ ĐCSTQ làm nhiều điều đúng đắn hơn”.

Nhận xét của nghị sĩ Lawrence được đưa ra khi quan hệ giữa Canada và Trung Quốc tiếp tục xấu đi.

Hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor hiện vẫn đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Trong đầu tháng này, người Canada thứ 4 đã bị tuyên án tử hình vì các tội danh liên quan đến ma túy ở nước này. Các sự kiện này đều diễn ra sau khi Canada bắt giữ giám đốc tài chính (CFO) của Huawei là bà Mạnh Vãn Châu vào năm 2018 - một động thái khiến Bắc Kinh tức giận.

Số phận các nạn nhân của ĐCSTQ vẫn có thể được cứu vãn nếu Canada có “ý chí chính trị” để có lập trường mạnh mẽ hơn chống lại và hợp tác với các đồng minh để đẩy lùi chế độ độc tài này, ông Lawrence khẳng định. Nghị sĩ Lawrence hiện là thành viên của Ủy ban Thường vụ về Công lý và Nhân quyền của Canada.

Ông nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với một chế độ rất thách thức của cộng sản Trung Quốc, và chúng ta không thể ngại ngần đẩy lùi và đứng lên vì người dân Canada”.

“Chúng tôi không ngại đứng lên đấu tranh cho người dân Canada và cho những người tự do trên toàn thế giới”.

Mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đã trở nên tồi tệ kể từ khi Canada bắt giữ bà Mạnh, CFO của công ty Huawei và là con gái của người sáng lập Huawei. Hiện bà Mạnh đang bị giam lỏng tại Vancouver theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ để bà này đối mặt với cáo buộc gian lận về các giao dịch của công ty với Iran.

Nhiều quốc gia đã đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc vì hành động che đậy thông tin về thảm họa đại dịch toàn cầu bắt nguồn từ Vũ Hán, đại dịch đã giết chết ít nhất 780.000 người trên toàn thế giới, trong đó có 9.000 người Canada.

Quốc tế cũng đồng lòng lên án ĐCSTQ vì đã áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc đối với Hong Kong vào tháng trước, chấm dứt hoàn toàn chính sách "một quốc gia, hai chế độ", đồng thời bắt giữ hàng loạt các nhà hoạt động dân chủ. Được ban hành vào ngày 30/6, luật này quy định mức án tối đa là tù chung thân cho các hành vi lật đổ, khủng bố và “thông đồng với các thế lực nước ngoài”. Điều luật cũng cho phép thành lập một cơ quan an ninh do Bắc Kinh kiểm soát trực tiếp ở Hong Kong.

Một cảnh sát chống bạo động chỉ vào một phụ nữ nằm trên mặt đất, sau khi cô bị khám xét trong một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở một trung tâm mua sắm ở Hong Kong vào ngày 6/7/2020. (Isaac Lawrence / AFP qua Getty Images)

Tuần này, Ủy ban Canada - Trung Quốc của Nghị viện đã nghe lời chứng từ một số chuyên gia cho biết, luật an ninh mới ở Hong Kong khiến tất cả người dân Canada gặp rủi ro. Ủy ban này được thành lập vào đầu năm nay để giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa Ottawa và Bắc Kinh. Hiện tương lai của cơ quan này chưa được xác định rõ, trong khi Quốc hội tham gia thẩm vấn.

Ngoài 300.000 người Canada sống ở Hong Kong, bất kỳ người Canada nào đến hoặc quá cảnh qua Hong Kong đều có nguy cơ bị giam giữ tùy tiện theo luật này, nếu họ nói hoặc làm bất cứ điều gì khiến Bắc Kinh tức giận, theo lời phát biểu của học giả Alvin Cheung trước Ủy ban. Ông Cheung là một công dân Canada và là học giả tại Viện Luật Hoa Kỳ - Châu Á của Đại học New York, chuyên nghiên cứu các hành vi lạm dụng pháp luật chuyên quyền.

Người Canada hiện đang sống ở Hong Kong giờ đây phải "sống trong nỗi sợ hãi" vi phạm luật an ninh quốc gia Trung Quốc vì "không có sự chắc chắn về ý nghĩa" xác định những gì sẽ bị coi là vi phạm, ông Cheung nói vào ngày 17/8.

Nghị sĩ Lawrence nhấn mạnh, Canada và các nền dân chủ khác cần phải “sát cánh chung tay” với người dân Hong Kong và buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình, cũng như về danh sách các vụ vi phạm nhân quyền đang diễn ra của ĐCSTQ như đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công.

Ông nói: “Điều quan trọng là phải có được sự lãnh đạo mạnh mẽ”. Đồng thời, vị nghị sĩ cho biết thêm, các chính trị gia Canada cần phải nhìn nhận “bản chất” của ĐCSTQ, chứ không phải những gì “chúng ta hy vọng [họ] sẽ trở thành”.

Cách thức lãnh đạo đó có thể dưới nhiều hình thức khác nhau: phối hợp với Hoa Kỳ và các đồng minh khác, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc hoặc Hong Kong liên quan đến vi phạm nhân quyền, hoặc làm việc với các tổ chức phi chính phủ hoặc nhóm cộng đồng ủng hộ dân chủ.

Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu “cuộc chiến” bằng cách đưa ra một loạt các biện pháp cứng rắn trực tiếp để chống lại ĐCSTQ, từ các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền, xóa bỏ quy chế thương mại đặc biệt của Hong Kong, cho đến việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ ở Biển Đông.

Nghị sĩ Lawrence cho biết, bất cứ hành động nào của Canada cũng là cơ hội để thể hiện các giá trị của đất nước trên trường quốc tế và cho thấy giá trị thực của người Canada.

“Tôi tin vào sự tự do và tự do cá nhân, và vì vậy, đối với tôi đây là trọng tâm về người Canada là ai và chúng ta phải làm gì để tiến lên”.

Du Miên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghị sĩ Canada: Đừng hy vọng Bắc Kinh thay đổi, Canada cần nhìn rõ 'bản chất' của ĐCSTQ