Nghị sĩ Mỹ: Đức sẽ chịu thiệt hại nặng nề vì 'phớt lờ' cảnh báo của ông Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Đức không nên phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc 4 năm trước. Tuy nhiên, Đức không những phớt lờ mà còn cười nhạo lời cảnh báo của ông. Kết quả là giờ đây, Nga đã cắt giảm khí đốt từ đường ống Nord Stream, đẩy giá điện ở châu Âu tăng lên 400%. Một mùa đông khó khăn đang chờ đón người dân Đức.

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa, ông Pat Fallon, hôm Chủ nhật (4/9) đã nói với đài Newsmax rằng 4 năm trước, cựu Tổng thống Donald J. Trump đã cảnh báo Đức trong một bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không nên phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga. Tuy nhiên lúc bấy giờ, các đại diện Đức cảm thấy họ đã bị ông Trump "xúc phạm" và hoàn toàn phớt lờ những cảnh báo đó của ông. Một trong các nhà ngoại giao Đức thậm chí đã cười khúc khích nhạo báng ông Trump.

Nghị sĩ Fallon nói: "Họ [người Đức] cảm thấy bị xúc phạm, nhưng bây giờ hãy nhìn vào tình thế mà nước Đức đang phải đối mặt. Giá điện của Đức cao gấp 10 lần tính trên mỗi megawatt trong 4 tháng từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020 so với cùng kỳ năm nay. Bởi vì nước này đã đóng cửa các nhà máy điện của riêng mình và trở nên quá phụ thuộc vào Nga”.

Nga đã thông báo vào hôm thứ Bảy (3/9) rằng họ sẽ đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream 1, đường ống chính của Nga vận chuyển khí đốt đến Đức qua đáy Biển Baltic. Khí đốt từ đường ống này chiếm khoảng 1/3 lượng khí đốt thường xuất khẩu từ Nga sang châu Âu.

Trước và trong khi xâm lược Ukraine, Nga đã giảm dần dòng khí đốt tự nhiên từ Nord Stream 1, giảm công suất xuống 20% ​​trước khi đóng toàn bộ dòng chảy vào thứ Bảy, đẩy giá điện ở châu Âu tăng vọt lên 400%, dẫn đến chi phí điện tăng vọt.

Hạ nghị sĩ Fallon tiếp tục: "Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị, tuy họ phủ nhận điều này, nhưng tất nhiên là có. Đó là lý do tại sao Tổng thống Trump từ chối đường ống 'Nord Stream 2', nhưng Tổng thống Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó, và sau đó ông ấy phải quay lại với các chính sách của cựu Tổng thống Trump".

"Nord Stream 2" là một đường ống khác vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức. Dưới thời chính quyền ông Trump, các lệnh trừng phạt đã được áp đặt lên "Nord Stream 2", dẫn đến việc dự án xây dựng đường ống bị đình chỉ tạm thời. Ông Biden đã đảo ngược các lệnh trừng phạt thời Trump khi ông nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2021, cho phép Nord Stream 2 hoàn thành việc xây dựng vào tháng 9/2021 và bắt đầu hoạt động thử nghiệm một tháng sau đó. Nhưng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine và cuộc chiến nổ ra vào tháng Hai, Đức đã ngừng cấp phép cho Nord Stream 2.

Châu Âu hiện cũng cáo buộc Nga vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng, trong khi Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và sự gián đoạn nguồn cung.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong một bài phát biểu thường lệ vào tối thứ Bảy (03/9) rằng Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí để đạt được mục tiêu mà vũ khí thông thường không thể đạt được, nhằm giảm bớt áp lực trừng phạt kinh tế - chính trị - ngoại giao từ châu Âu.

Ông Zelenskyy cho biết: "Nga đang cố gắng gia tăng áp lực năng lượng ở châu Âu trong những ngày này. Việc bơm khí qua đường ống Nord Stream đã ngừng hoàn toàn. Tại sao họ lại làm điều này? Nga muốn phá hủy lục địa châu Âu của chúng ta. Cuộc sống bình thường của mọi người dân ở tất cả các quốc gia Châu Âu. Nga muốn làm suy yếu và khủng bố toàn bộ châu Âu. Nếu Nga không thể làm điều đó với vũ khí thông thường, họ sẽ làm điều đó với vũ khí năng lượng. Nga cố gắng sử dụng nghèo đói và hỗn loạn chính trị để tấn công vào những nơi mà Nga không thể đạt được bằng tên lửa".

Để ngăn Nga phát động "một cuộc tấn công năng lượng mang tính quyết định đối với tất cả người dân châu Âu" vào mùa đông này, ông Zelenskyy kêu gọi châu Âu và tất cả người dân châu Âu đoàn kết hơn, phối hợp nhiều hơn và giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn nữa.

Theo hãng tin AP, liên minh cầm quyền của Đức hôm Chủ nhật (04/9) đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư thêm 65 tỷ euro trợ giá năng lượng nhằm giảm bớt tác động của lạm phát và giá năng lượng cao đối với người tiêu dùng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Nước Đức sẽ sát cánh cùng nhau trong những thời điểm khó khăn. Là một quốc gia, chúng ta sẽ vượt qua những thời điểm khó khăn này".

Các biện pháp mới nhất được Đức công bố bao gồm hỗ trợ thanh toán một lần để giúp người tiêu dùng trang trải chi phí năng lượng, lên kế hoạch thiết lập giới hạn giá đối với mức tiêu thụ năng lượng cơ bản của các hộ gia đình và cá nhân, và việc tiếp tục giới thiệu "vé 9 euro" cho việc đi lại trên hệ thống giao thông công cộng trên toàn nước Đức.

Ông Scholz cho biết, ông "hiểu rõ" rằng nhiều người dân Đức đang phải vật lộn với giá cả tăng cao và chính phủ sẵn sàng giúp đỡ".

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi rất coi trọng những lo ngại này".

Ông Scholz đổ lỗi cho giá năng lượng cao của Đức là do Nga "vi phạm hợp đồng" và "không còn là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy".

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Nghị sĩ Mỹ: Đức sẽ chịu thiệt hại nặng nề vì 'phớt lờ' cảnh báo của ông Trump