Nghiên cứu: Chiến tranh hạt nhân có thể 'quét sạch' 5 tỷ người, quốc gia nào sẽ chịu ít tác động nhất?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food, nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện bùng nổ trong kỷ nguyên hiện đại, nó có thể 'quét sạch' 5 tỷ người. Câu hỏi đặt ra là, quốc gia nào sẽ chịu ít tác động nhất sau thảm họa này?

Chiến tranh Nga-Ukraine leo thang và tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan đã khiến thế giới một lần nữa lo ngại rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ bùng nổ giữa các cường quốc hạt nhân. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi cuối tháng 7 đã tuyên bố công khai rằng, ông sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào với Hoa Kỳ.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food của các nhà khoa học tại Đại học Rutgers, Hoa Kỳ đã xác định 6 kịch bản chiến tranh hạt nhân, trong đó đưa ra khả năng về 5 cuộc chiến tranh hạt nhân ở Ấn Độ và Pakistan từ quy mô nhỏ cho đến lớn. Một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn có thể xảy ra giữa 5 cường quốc hạt nhân bao gồm: Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Các nhà khoa học tin rằng, một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể quét sạch hơn một nửa dân số Trái đất, theo Nature Food.

Các nhà nghiên cứu đã căn cứ trên các chỉ số như: ngọn lửa tạo ra bởi vụ nổ hạt nhân, lượng bụi hạt nhân trong bầu khí quyển, tác động ở 6 cấp độ khác nhau của chiến tranh hạt nhân đối với khí hậu, mô hình nông nghiệp và ngư nghiệp... Họ dự đoán rằng các quốc gia sẽ nhanh chóng cạn kiệt nguồn lương thực sau chiến tranh.

Chiến tranh hạt nhân có thể xóa sổ 200 triệu đến 5 tỷ người

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ cần hơn 5 triệu tấn bụi hạt nhân xâm nhập vào bầu khí quyển sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, các cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực như Ấn Độ và Pakistan có thể khiến hơn 200 triệu người thiệt mạng và có thể xóa sổ hơn 2 tỷ người.

Các nhà nghiên cứu cho hay, cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan nếu bùng nổ vào năm 2008 sẽ tạo ra 5 triệu tấn bụi hạt nhân, nhưng nếu xảy ra vào năm 2025, nó sẽ tạo ra 16 triệu đến 47 triệu tấn bụi. Đặc biệt, nếu là 5 cường quốc hạt nhân thì sẽ tạo ra 150 triệu tấn bụi.

Ảnh minh họa mùa đông sau chiến tranh hạt nhân. (Ảnh: Getty Images)

Xét về quy mô với 5 triệu tấn bụi hạt nhân, số người chết khoảng 27 triệu người, và 250 triệu người không thể kiếm được lương thực trong năm kế tiếp.

Khi quy mô lên tới 47 triệu tấn bụi hạt nhân, số người chết là 164 triệu người, trong năm sau sẽ có khoảng 2,5 tỷ người thiếu lương thực.

Nếu quy mô lên tới 150 triệu tấn bụi hạt nhân thì số người chết sẽ lên tới 360 triệu người và hơn 5 tỷ người sẽ không có lương thực trong năm kế tiếp.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong kịch bản chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan nhẹ nhất này, sản lượng trung bình toàn cầu gồm cả nông nghiệp, gia súc và thủy sản, v.v... sẽ sụt giảm 7% trong vòng 5 năm sau chiến tranh. Sản lượng đó sẽ giảm tới 90% trong ba đến bốn năm sau chiến tranh.

Theo nghiên cứu, sự kết hợp của xung đột vũ khí hạt nhân không chỉ giới hạn ở Ấn Độ và Pakistan cùng 5 cường quốc hạt nhân. Ngay cả Triều Tiên và Israel cũng có thể gây ra mức độ tác động khí hậu tương tự. Một khi bùng nổ chiến tranh hạt nhân, mọi thứ đều rất nhanh vượt khỏi tầm kiểm soát.

Quốc gia nào ít bị ảnh hưởng nhất?

Trên thực tế, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh hạt nhân là các nước có vĩ độ trung bình và cao. Bởi vì thời vụ trồng trọt ở các quốc gia này tương đối ngắn, và nhiệt độ vào mùa đông sau chiến tranh hạt nhân sẽ thấp hơn ở các vùng nhiệt đới.

Một trong những quốc gia ít bị ảnh hưởng nhất là Úc. Ngoài việc cách xa về mặt địa lý so với một số kịch bản chiến tranh hạt nhân, lúa mì, lương thực chính của nước này, cũng được cho là sẽ tồn tại trong một mùa đông ít khắc nghiệt hơn. Trong khi hầu hết các địa điểm trên thế giới đều bị đánh dấu "màu đỏ" do nạn đói trên bản đồ mà nhóm đã phân tích tác động, chỉ có Úc là vẫn còn giữ được "màu xanh".

Một nông dân vận hành máy gặt đập liên hợp khi thu hoạch ngũ cốc tại một trang trại gần Gunnedah, New South Wales, Úc, hôm 10/11/2020. (Ảnh: David Gray/Bloomberg/Getty Images)

Đồng tác giả nghiên cứu là ông Alan Robock, giáo sư tại Khoa Khoa học Môi trường của Đại học Rutgers, cho biết chúng ta phải luôn nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ông Deepak Ray, một chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học Minnesota, dù không tham gia vào nghiên cứu Rutgers, nhưng ông nhận định rằng, nghiên cứu này giúp hiểu được tác động của chiến tranh hạt nhân trong khu vực đối với lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để mô phỏng chính xác sự kết hợp phức tạp của các phương thức canh tác trên khắp thế giới.

Ông Rey chỉ ra rằng mặc dù nghiên cứu của Đại học Rutgers bao hàm dữ liệu sản xuất nông nghiệp của các quốc gia khác nhau, nhưng tình hình thực tế phức tạp hơn nhiều. Ví dụ: các loại ngũ cốc khác nhau được trồng ở các vùng khác nhau của một quốc gia với mục đích sử dụng cũng rất khác nhau. Không phải tất cả đều được coi là thức ăn.

Huyền Anh

Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Chiến tranh hạt nhân có thể 'quét sạch' 5 tỷ người, quốc gia nào sẽ chịu ít tác động nhất?