Nghiên cứu mới: Người hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ có khả năng miễn dịch lâu dài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những tế bào huyết tương trong cơ thể người hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 nhẹ sẽ sống và tạo ra kháng thể trong suốt quãng đời còn lại của họ. Và đó là bằng chứng mạnh mẽ cho khả năng miễn dịch lâu dài.

The Epoch Times đưa tin, một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu từ Trường Y Đại học Washington ở St. Louis, phát hiện rằng những người bình phục sau khi nhiễm COVID-19 nhẹ sẽ có các tế bào huyết tương tồn tại lâu dài trong tủy xương của họ. Những tế bào huyết tương này sẽ tiết ra lượng kháng thể ở mức thấp để chống lại virus Covid-19 trong suốt cuộc đời họ.

Theo nghiên cứu, tế bào huyết tương là một loại tế bào bạch cầu được phát triển từ tế bào B và có nguồn gốc từ tủy xương. Chúng chịu trách nhiệm sản xuất và tiết ra kháng thể đối với một kháng nguyên [gây bệnh] cụ thể.

Ali Ellebedy, tác giả cao cấp của nghiên cứu này và một giáo sư cộng sự về bệnh học & miễn dịch học tại Đại học Washington cho biết:

“Mùa thu năm ngoái, có báo cáo nói rằng các kháng thể [của một người] suy yếu nhanh chóng sau khi [người này] nhiễm loại vi rút gây ra COVID-19, và các phương tiện truyền thông chính thống giải thích rằng điều đó có nghĩa là khả năng miễn dịch không kéo dài lâu.”

“Nhưng đó là cách hiểu sai về dữ liệu. Mức độ kháng thể giảm xuống sau khi bị nhiễm trùng cấp tính là bình thường, nhưng chúng không giảm đến con số 0; chúng sẽ sẽ giảm đến một mức độ nhất định và chững lại ở đó. Ở đây, chúng tôi tìm thấy các tế bào sản xuất kháng thể ở những người có triệu chứng [nhiễm Covid-19] từ cách đây 11 tháng. Những tế bào này sẽ sống và tạo ra kháng thể trong suốt quãng đời còn lại của những người đó. Và đó là bằng chứng mạnh mẽ cho khả năng miễn dịch lâu dài.”

Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí y khoa Nature vào ngày 24/5 vừa qua. Nghiên cứu được tiến hành trên 77 người tham gia, và những người này đã cung cấp các mẫu huyết thanh trong khoảng thời gian ba tháng, bắt đầu từ thời điểm khoảng một tháng sau khi khởi phát triệu chứng nhiễm Covid-19. Trong số 77 người tham gia, có 71 người đã mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mức độ kháng thể đã giảm nhanh chóng trong bốn tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh và cuối cùng chững lại, và các kháng thể vẫn được phát hiện ra trong vòng 11 tháng sau khi nhiễm bệnh.

Ngoài ra, các mẫu tủy xương được lấy từ 19 trong số 77 người tham gia từ bảy đến tám tháng sau khi nhiễm bệnh để xác nhận nguồn gốc của các kháng thể. Trong 15 mẫu mẫu tủy xương được lấy có xuất hiện các tế bào huyết tương sản xuất kháng thể. Những tế bào huyết tương này tiếp tục được tìm thấy ở 5 người tham gia cung cấp mẫu tủy xương lần thứ hai vào 4 tháng sau đó.

Và loại tế bào huyết tương như thế này không được tìm thấy trong các mẫu tủy xương của 11 người khỏe mạnh không có tiền sử nhiễm Covid-19 hay tiêm ngừa Covid-19 trước đó.

Những phát hiện trong nghiên cứu này đặt ra một câu hỏi, liệu rằng những người đã khỏi bệnh COVID-19 vẫn cần tiêm chủng hay không. Trước đó, vào tháng 2/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã nói với The Epoch Times rằng người dân nên tiêm phòng Covid-19 cho dù họ đã từng mắc bệnh hay chưa.

Tâm Di



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu mới: Người hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ có khả năng miễn dịch lâu dài