Nghiên cứu: Người thiếu vitamin D chuyển nặng và tử vong do COVID-19 cao gấp 14 lần bình thường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới nhất từ Israel đã kết luận, tình trạng thiếu vitamin D trước khi mắc COVID-19 có liên quan đến sự gia tăng độ nghiêm trọng của bệnh và tỉ lệ tử vong. Hiệu quả vượt trội này của vitamin D cũng áp dụng với biến chủng Omicron. Tại Việt Nam, tỉ lệ thiếu hụt vitamin D ở phụ nữ là 58%, còn ở nam giới là 16% tại phía Bắc, và 22% ở TP.HCM.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bar Ilan và Bệnh viện Galilee của Israel đã công bố kết quả một nghiên cứu thực hiện từ tháng 04/2020 đến tháng 02/2021, trước khi vaccine COVID-19 được phổ biến rộng rãi tại nước này.

Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân COVID-19 thiếu vitamin D có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc rất nặng cao gấp 14 lần bệnh nhân có vitamin D ở mức bình thường nghiêng về phía cao. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 87,4% những bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng hoặc rất nặng là bị thiếu vitamin D. Còn tỉ lệ thiếu vitamin D ở những bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ hay vừa là 34,3%. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong trong những bệnh nhân thiếu vitamin D là 25,6%, tương phản với tỉ lệ tử vong 2,3% trong những bệnh nhân có đủ vitamin D.

Bác sĩ Amiel Dror, một thành viên của nhóm nghiên cứu, chia sẻ với tờ Times of Israel rằng, vitamin D có hiệu quả "trong tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với các virus tấn công vào hệ hô hấp", và hiệu quả của vitamin D đối với các biến chủng trước "cũng tương tự như đối với Omicron".

Thiếu vitamin D là một vấn nạn sức khỏe toàn cầu, và Israel cũng không ngoại lệ. Tỉ lệ số người trưởng thành thiếu vitamin D tại Israel dao động trong khoảng 54 - 90% tùy theo nghiên cứu.

Tính đến ngày 04/02/2022, đã có 103 nghiên cứu về mối liên quan giữa nồng độ vitamin D và nguy cơ dương tính với COVID-19, cũng như nguy cơ tiến triển nặng và tử vong.

BS. Amiel Dror chia sẻ thêm rằng, kết quả nghiên cứu "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mọi người bổ sung vitamin D trong đại dịch. Khi mà dùng vitamin D với lượng hợp lý theo lời khuyên chính thức, thì không có bất kỳ nhược điểm nào".

Trong phác đồ I-MASK áp dụng cho phòng và điều trị sớm COVID-19 tại nhà, Liên minh Chăm sóc Đặc biệt Tuyến đầu COVID-19 (FLCCC) cũng có hướng dẫn chi tiết về vitamin D, bao gồm liều lượng sử dụng.

Tổ chức Các Bác sĩ Tuyến đầu của Mỹ (AFLDS) cũng đăng tải nhiều phác đồ phòng ngừa COVID-19, trong đó có 2 phác đồ của các bác sĩ Teryn Clark và Vladimir Zelenko là có kết hợp vitamin D.

Tại Việt Nam, tỉ lệ thiếu và/hoặc hụt vitamin D ở phụ nữ là 30% vào năm 2012 tại khu vực phía Bắc, và lên đến gần 58% vào năm 2013 tại 19 tỉnh thành. Tỉ lệ này ở nam giới là 16% tại phía Bắc, và 22% ở TP.HCM.

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ đã kết luận "Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách đúng đắn (5 - 10 phút ở tay chân, hoặc tay, chân, mặt, 2 - 3 lần/tuần) và tăng cường vitamin D thông qua chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung là những cách hợp lý để đảm bảo cung cấp đủ vitamin D".

Cao Dương



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Người thiếu vitamin D chuyển nặng và tử vong do COVID-19 cao gấp 14 lần bình thường