Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út: Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ Nhật (11/12), Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út cho biết, các nước láng giềng của Iran ở vùng Vịnh sẽ phải hành động để củng cố an ninh nếu Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã bị đình trệ vào tháng 9. Washington đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018. Người đứng đầu cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tuyên bố gần đây của Tehran rằng, nước này đang tăng cường năng lực làm giàu nhiên liệu.

Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thủ đô Abu Dhabi, thuộc Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, rằng: “Nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân hoạt động được, không biết điều gì sẽ xảy ra".

“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn rất nguy hiểm…các quốc gia trong khu vực chắc chắn sẽ tìm cách đảm bảo an ninh cho mình", ông nói.

Tiến trình đàm phán hạt nhân bế tắc khi các cường quốc phương Tây cáo buộc chính quyền Iran đưa ra những điều kiện vô lý; cùng với việc cuộc chiến Nga - Ukraine cũng đang thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế; và tình trạng bất ổn trong nước ở Iran sau cái chết của cô gái Mahsa Amini, 22 tuổi.

Mặc dù Riyadh vẫn “hoài nghi” về thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Faisal cho biết, Ả Rập Xê Út luôn ủng hộ các nỗ lực khôi phục thỏa thuận này để có một thỏa thuận mạnh mẽ hơn với Tehran, “với điều kiện đó là điểm khởi đầu, không phải điểm kết thúc”.

Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh do người Hồi giáo Sunni thống trị đã thúc đẩy một thỏa thuận mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những lo ngại của họ về chương trình tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Iran, đất nước nằm dưới sự quản lý của người Hồi giáo Shi'ite, cũng như mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.

Ông Faisal nói: “Thật không may, các dấu hiệu hiện tại không được tích cực cho lắm. Chúng tôi nghe người Iran nói rằng, họ không quan tâm đến chương trình vũ khí hạt nhân, thật thoải mái khi tin vào điều đó. Chúng tôi cần chắc chắn hơn ở cấp độ đó", ông nói.

Chính quyền Iran nói rằng công nghệ hạt nhân của họ chỉ phục vụ cho mục đích dân sự.

Ngày 10/12, một quan chức cấp cao của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất nói rằng, đang có cơ hội xem xét lại “toàn bộ khái niệm” về thỏa thuận hạt nhân khi Iran trở thành tâm điểm chú ý một lần nữa vì bị phương Tây cáo buộc cung cấp máy bay không người lái cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Chính quyền Iran và Điện Kremlin đã phủ nhận các cáo buộc này.

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út: Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu Iran sở hữu vũ khí hạt nhân