Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông giữa làn sóng bạo lực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (29/1), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã hạ cánh xuống Ai Cập và bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Trung Đông. Chuyến công du của ông diễn ra trong bối cảnh bạo lực bùng phát giữa người Israel và người Palestine, các vấn đề ở Iran và cuộc chiến tại Ukraine. Đây là những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự lần này.

Hôm thứ Hai (30/1), ông Blinken sẽ tới Jerusalem, nơi chính phủ cánh hữu mới của Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gây ra mối quan ngại ở cả trong và ngoài nước về tương lai của các giá trị thế tục của Israel, mối quan hệ căng thẳng với người dân Ả Rập và bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình với người Palestine, theo hãng tin Reuters.

Hôm thứ Sáu (27/1), một tay súng Palestine đã sát hại 7 người trong một cuộc tấn công bên ngoài một giáo đường Do Thái ở Jerusalem. Đây được coi là vụ tấn công tồi tệ nhất nhằm vào người Israel ở khu vực Jerusalem kể từ năm 2008. Hôm thứ Năm (26/1), các lực lượng Israel đã sát hại 7 tay súng và 2 thường dân ở thành phố Jenin bị chiếm đóng ở Bờ Tây. Đây được cho là cuộc tấn công đẫm máu nhất ở khu vực này trong nhiều năm.

Trong các cuộc đàm phán với chính quyền mới của Israel, bao gồm các đảng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan muốn mở rộng các khu định cư ở Bờ Tây, Ngoại trưởng Blinken sẽ lặp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ về sự bình tĩnh và nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với giải pháp hai nhà nước, mặc dù các quan chức Hoa Kỳ thừa nhận rằng các cuộc đàm phán hòa bình sẽ không diễn ra trong tương lai gần.

Ngoài ra, ông Blinken cũng sẽ tới Ramallah để gặp Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas.

Bà Barbara Leaf, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao phụ trách Trung Đông, nói với các phóng viên trước chuyến đi: “Đây rõ ràng là thước đo sức sống của nền dân chủ mà điều này đã gây tranh cãi rõ ràng giữa các bộ phận trong xã hội Israel".

Cuộc chiến kéo dài 11 tháng của Nga ở Ukraine cũng nằm trong chương trình nghị sự này. Ukraine, quốc gia đã nhận được một lượng lớn thiết bị quân sự từ Hoa Kỳ và Châu Âu, đã không ngừng kêu gọi Israel cung cấp các hệ thống đánh chặn máy bay không người lái, bao gồm cả những thiết bị do Iran, đối thủ trong khu vực của Israel.

Trong khi lên án cuộc xâm lược của Nga, Israel đã hạn chế hỗ trợ viện trợ nhân đạo và thiết bị bảo hộ, với lý do mong muốn tiếp tục hợp tác với Moscow về Syria và đảm bảo an sinh cho người Do Thái ở Nga.

Các nhà ngoại giao cũng sẽ thảo luận về những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm hồi sinh thỏa thuận bị đình trệ năm 2015 giữa các cường quốc lớn và Iran, bị Israel phản đối, đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế để đổi lấy việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran.

Vào hôm 29/1, ông Blinken đã gặp giới chức Ai Cập tại Đại học Mỹ ở Cairo và nói với các phóng viên rằng, Hoa Kỳ muốn tăng cường "quan hệ đối tác chiến lược" với Ai Cập.

Hôm 30/1, ông Blinken sẽ gặp Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi và Ngoại trưởng Sameh Shoukry để thảo luận về quá trình chuyển đổi của Sudan và cuộc bầu cử ở Libya, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ về vùng Cận Đông, bà Barbara Leaf, cho biết.

Ông Blinken cũng sẽ chịu áp lực nêu lên những quan ngại về nhân quyền.

Chính quyền ông Biden đã giữ lại một số viện trợ quân sự cho Ai Cập do nước này không đáp ứng các điều kiện về nhân quyền, bất chấp việc các nhóm vận động đã thúc đẩy việc giữ lại nhiều hơn nữa. Washington cáo buộc Ai Cập có các hành vi lạm dụng phổ biến như tra tấn và cưỡng bức mất tích.

Hầu hết khoản viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ USD mà Washington gửi cho Ai Cập mỗi năm vẫn còn nguyên vẹn. Hoa Kỳ cho biết chính phủ của ông Sisi đã đạt được tiến bộ trong việc giảm các vụ giam giữ chính trị.

Ông Sisi, người trở thành Tổng thống Ai Cập vào năm 2014, cho biết, nước này không giam giữ tù nhân chính trị. Đồng thời, ông cũng lập luận rằng, an ninh là vấn đề tối quan trọng, do đó, chính phủ của ông đang thúc đẩy nhân quyền bằng cách nỗ lực cung cấp các nhu cầu cơ bản như việc làm và nhà ở.

Thanh Hải tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ công du Trung Đông giữa làn sóng bạo lực