Ngoại trưởng Mỹ: NATO lo ngại về tốc độ tăng trưởng quân sự của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Tư (30/11), Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết, các đồng minh NATO lo ngại về tốc độ tăng trưởng quân đội nhanh chóng và 'mờ ám' của Trung Quốc, cũng như sự hợp tác của nước này với Nga. Đồng thời, các thành viên NATO cũng thảo luận về những biện pháp cụ thể để giải quyết các thách thức do Bắc Kinh đặt ra.

“Các thành viên trong liên minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn lo ngại về các chính sách cưỡng ép của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bằng cách sử dụng thông tin sai lệch, bằng việc phát triển quân đội nhanh chóng, không minh bạch, bao gồm cả việc hợp tác với Nga”, ông Blinken nói trong một cuộc họp báo sau cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng của liên minh quốc phòng phương Tây.

“Nhưng chúng tôi cũng cam kết duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc bất cứ khi nào có thể. Chúng tôi hoan nghênh các cơ hội hợp tác để cùng nhau giải quyết những thách thức chung”, ông Blinken nói thêm.

Trước phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Moscow tuyên bố các máy bay chiến đấu chiến lược của Nga và Trung Quốc, trong đó có máy bay ném bom tầm xa Tupolev Tu-95 (tên hiệu NATO Bear), đã tiến hành các cuộc tuần tra chung trên Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga bay trong cuộc tập trận trên không của quân đội Nga-Trung (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Trước đó cùng ngày, Seoul - đồng minh của Washington - tiết lộ, các máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã xuất kích khi 2 chiến đấu cơ Trung Quốc và 6 chiến đấu cơ Nga đi vào vùng nhận dạng phòng không của nước này.

Lầu Năm Góc ước tính Trung Quốc hiện có khoảng 400 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn so với con số ước lượng trước đó là 350. Với tốc độ phát triển hạt nhân như hiện tại, số lượng đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ của Bắc Kinh sẽ tăng lên 1.000 trước thập kỷ này và 1.500 vào năm 2035.

Báo cáo nhấn mạnh những lo ngại ngày càng tăng từ phía Hoa Kỳ về ý định mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh.

Vào tháng 2, chỉ vài ngày trước khi quân đội Nga xâm lược Ukraine, Trung Quốc và Nga đã công bố quan hệ đối tác chiến lược "không giới hạn". Điều này đã khiến cho Mỹ và các đồng minh của mình không khỏi lo ngại.

Loại tiền tệ dự trữ mới do Trung Quốc và Nga hậu thuẫn chưa thể đe dọa đồng USD
Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 04/02/2022. (Ảnh: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP/Getty Images)

Kể từ đó, cả Hàn Quốc và nước láng giềng Nhật Bản đã củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO. Nhật Bản và Hàn Quốc đã tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6 với tư cách quan sát viên. Năm nay, Hàn Quốc cũng đã bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Ba Lan, nước láng giềng của Nga và là thành viên NATO.

Ông Blinken nói rằng, trong khi NATO tiếp tục tập trung vào việc duy trì sự ủng hộ thống nhất cho Ukraine, các thành viên của tổ chức này cũng muốn tăng cường khả năng phục hồi của liên minh bằng cách xem xét những thách thức mới, bao gồm cả những thách thức do Trung Quốc đặt ra.

“Những gì chúng ta nói hôm nay một lần nữa đảm bảo rằng, chúng ta đang cố gắng thích nghi với những thách thức cụ thể”, ông Blinken nói mà không nêu chi tiết.

Hoa Kỳ và các đồng minh nhận ra rằng, cạnh tranh toàn cầu vẫn là cách định hình thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.

“Có một sự thừa nhận rằng theo nhiều cách, cũng có cái mà người châu Âu gọi là cạnh tranh có hệ thống giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia của chúng tôi. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng nhận ra rằng, bất cứ khi nào có thể, chúng tôi sẽ phải tìm cách hợp tác để giải quyết những vấn đề trọng đại”, ông Blinken cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali ở Indonesia, hôm 14/11/2022. (Ảnh Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Giới chức Mỹ nhiều lần đề cập tới việc Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu với an ninh quốc gia của Mỹ.

Đáp lại, phía Trung Quốc phủ nhận cáo buộc trên và cho rằng phía Mỹ có tâm lý từ thời Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời.

"Chúng tôi phản đối tư duy Chiến tranh Lạnh lỗi thời và quan điểm bên được bên mất", Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning nói hôm 14/10.

Tuyên bố của bà Mao được đưa ra sau khi Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia hôm 12/10, trong đó nhận định Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh duy nhất có mục tiêu định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó".

Vài tháng gần đây, căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang đáng kể, chủ yếu về vấn đề Đài Loan. Để đáp trả chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan, ĐCSTQ đã dừng hợp tác với Washington trong một số lĩnh vực quân sự và dân sự. Sau đó, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần hòn đảo.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ: NATO lo ngại về tốc độ tăng trưởng quân sự của Trung Quốc