Ngoại trưởng Mỹ: Ông Tập Cận Bình khoác ‘vỏ bọc ngoại giao’ cho Nga trong chuyến công du đến Moscow

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, thông qua chuyến thăm Moscow nhằm siết chặt mối bang giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang cho thế giới thấy sự coi thường của ông trước ‘những tội ác ở Ukraine’ và khoác lên vai nhà lãnh đạo Nga một ‘vỏ bọc ngoại giao’.

Ngoại trưởng Blinken đã đưa ra tuyên bố trên trong cuộc họp báo hôm 20/3 để công bố Báo cáo Nhân quyền Thường niên 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ, ngay trước khi ông Tập đến thăm Moscow. Đây là chuyến công du đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nga kể từ khi ông Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022. Trước bữa tối, hai nguyên thủ quốc gia Nga - Trung đã trao nhau lời chào "bạn thân".

Ông Tập là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên gặp ông Putin sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga vào ngày 17/3. ICC cáo buộc ông Putin đã phạm "tội ác chiến tranh” khi trục xuất trẻ em từ các vùng lãnh thổ bị Ukraine chiếm đóng đến Liên bang Nga.

“Việc Chủ tịch Tập tới Nga vài ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin cho thấy rằng Trung Quốc cảm thấy không có nghĩa vụ phải buộc những tên tội phạm chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo đã gây ra ở Ukraine. Và thay vì lên án họ, Trung Quốc thà đưa ra các biện pháp ngoại giao để bao che cho Nga tiếp tục thực hiện những tội ác đó", ông Blinken nói với các phóng viên.

Hôm 20/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo khoản viện trợ quân sự 350 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine lên hơn 30 tỷ USD. Đây là gói viện trợ quân sự thứ 34 của Mỹ dành cho Ukraine.

"Nga có thể tự chấm dứt cuộc chiến mà họ phát động ngay hôm nay. Tuy nhiên, cho đến khi Nga làm điều đó thì Mỹ sẽ tiếp tục đoàn kết với Ukraine trong thời gian dài nhất có thể", ông tuyên bố.

Tại cuộc họp báo, ông Blinken bày tỏ hy vọng rằng ông Tập sẽ nhắc lại một số phần trong đề xuất ngừng bắn mà Trung Quốc công bố hôm 24/2 và thúc đẩy binh lính Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine. Đây là điều mà Ngoại trưởng Mỹ gọi là “yếu tố căn bản”.

“Đề xuất của Trung Quốc bao gồm các yếu tố mà chúng tôi ủng hộ từ lâu, trong đó có việc đảm bảo an toàn hạt nhân; giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo; bảo vệ thường dân; và yếu tố tiên quyết là kêu gọi giữ vững chủ quyền, độc lập toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia”, ông nói.

"Nếu Trung Quốc chỉ kêu gọi một lệnh ngừng bắn mà không đi kèm với điều kiện quân đội Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine thì chính là hành vi ủng hộ cuộc xâm lược của Nga”.

“Thế giới không nên bị lừa dối bởi bất kỳ động thái chiến thuật nào của Nga với sự hỗ trợ của Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, nhằm đóng băng cuộc chiến theo cách riêng của họ”.

Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby trước đây đã bày tỏ hoài nghi về mức độ khả thi trong đề xuất hòa bình của Bắc Kinh.

Trao đổi với The Epoch Times hồi cuối tháng 2, ông Kirby nói rằng: "Thật khó để hiểu được làm thế nào [đề xuất hòa bình của Trung Quốc] có thể trở thành một giải pháp bền vững nếu không có bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine”.

Sau cuộc gặp kéo dài ba ngày với Tổng thống Nga Putin, ông Tập dự kiến sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Đây sẽ là cuộc thảo luận đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc - Ukraine kể từ khi chiến tranh bùng nổ.

Tại cuộc gặp với ông Tập, ông Putin đã hoan nghênh “giải pháp hoà bình" của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột tại Ukraine.

“Chúng ta sẽ thảo luận về tất cả những vấn đề đó, bao gồm cả sáng kiến của quý vị mà chúng tôi rất tôn trọng. Sự hợp tác của chúng ta trên trường quốc tế chắc chắn sẽ giúp củng cố các nguyên tắc cơ bản của trật tự toàn cầu và đa cực”, nhà lãnh đạo Nga nói với ông Tập và bổ sung thêm rằng ông “hơi ghen tị” với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây. Lời khen này đã khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc mỉm cười.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo rằng những nỗ lực của ông Tập Cận Bình trong việc thể hiện mình là một người kiến tạo hòa bình trong chuyến công du lần này chỉ là một màn hoả mù.

Các chuyên gia nhận định rằng, trên thực tế chính quyền Trung Quốc để tâm đến việc kéo dài cuộc chiến Ukraine nhằm đánh lạc hướng phương Tây khỏi tham vọng của họ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ ngày càng “keo sơn" giữa Nga và Trung Quốc đã khiến phương Tây lo ngại, trong đó có cả Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy. Ông từng cảnh báo về một “trục quyền lực” hình thành giữa Triều Tiên, Trung Quốc, Nga và Iran.

Phát biểu với báo giới tại một hội nghị của Đảng Cộng hoà tại Hạ viện ở tiểu bang Florida hôm 19/3, ông Kevin McCarthy bày tỏ: “Tôi lo ngại về trục quyền lực này. Nhưng chúng ta cũng cần có kế hoạch để giành chiến thắng [ở Ukraine]".

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ: Ông Tập Cận Bình khoác ‘vỏ bọc ngoại giao’ cho Nga trong chuyến công du đến Moscow