Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đến Nhật Bản củng cố liên kết Bộ Tứ để áp chế Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 6/10, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bắt đầu các cuộc gặp với những người đồng cấp châu Á và Ấn Độ - Thái Bình Dương khi Washington muốn củng cố liên kết giữa các quốc gia đồng minh trong khu vực chấu Á vào thời điểm quan hệ căng thẳng Trung - Mỹ trở nên tồi tệ chưa từng thấy.

Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Pompeo đến Đông Á kể từ tháng 7/2019. Do Tổng thống Trump nhiễm virus Corona Vũ Hán, nên ông chỉ ở Nhật một ngày, hủy bỏ kế hoạch đến Mông Cổ và Hàn Quốc, để quay trở về Mỹ.

Sáng 6/10, Tổng thống Trump đã trở lại Nhà Trắng sau 3 đêm nằm viện điều trị virus.

Chuyến đi của ông Pompeo diễn ra vào thời điểm Washington và Bắc Kinh - hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - đang căng thẳng trong nhiều vấn đề từ việc Bắc Kinh xử lý virus Corona Vũ Hán đến việc áp đặt luật an ninh mới ở Hong Kong, và tham vọng ở Biển Đông.

Washington đánh giá rất cao cuộc họp của Nhóm Bộ trưởng ngoại giao của Bộ Tứ gồm có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Hoa Kỳ coi đây là một nền tảng để tăng cường liên kết với các đồng minh trong khu vực nhằm áp chế Trung Quốc.

Tại Căn cứ quân sự Liên hợp Andrews ở Hoa Kỳ trước khi khởi hành đến Tokyo, ông Pompeo nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi hy vọng sẽ có một số thông báo quan trọng, những thành tựu quan trọng”.

Ông Pompeo cũng nói thêm rằng: “Thời điểm của việc này rất quan trọng và tôi rất vui vì chúng tôi có thể thực sự ngồi lại với nhau trong tuần này”.

Trung Quốc đã chỉ trích Bộ Tứ là một nỗ lực để kìm hãm sự phát triển của nước này. Mặc dù trong cuộc họp Bộ Tứ, một kế hoạch hành động cụ thể có thể không được đưa ra, nhưng bản thân cuộc họp đã là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc và tăng thêm mối lo sợ cho nước này rằng một ngày nào đó Bộ Tứ sẽ trở thành một liên minh chính thức như NATO, các chuyên gia nhận định.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Anurag Srivastava cho biết, tại cuộc họp các ngoại trưởng có thể sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Trong cuộc gặp đầu tiên trong ngày, ông Pompeo đã gặp Ngoại trưởng Úc Marise Payne tại Dinh thự của Đại sứ Hoa Kỳ ở Tokyo.

Cuối ngày 6/10, ông Pompeo dự kiến ​​sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga lần đầu tiên kể từ khi ông Suga nhậm chức.

Hiện tại, nhà lãnh đạo Nhật Bản đang ở trong một tình thế khó khăn khi phải cân bằng mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc và yêu cầu của Hoa Kỳ về việc có một lập trường cứng rắn hơn.

Hầu hết các quốc gia đồng minh châu Á ủng hộ sự cứng rắn của Washington trước đối thủ trong khu vực của họ là Trung Quốc.

Trong nỗ lực kiềm chế tham vọng bành trướng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các quan chức Mỹ và châu Âu có thể sẽ thiết lập một "NATO châu Á" với sự tham gia của các cường quốc trong khu vực.

Theo Washington Times đưa tin ngày 2/10, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng, sự nổi lên của Trung Quốc như một siêu cường đang lên đang ‘thay đổi cơ bản cán cân quyền lực toàn cầu’ theo những cách có thể thúc đẩy NATO trở nên toàn cầu hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen E. Biegun gần đây cũng đề nghị rằng, sự liên kết trong quốc phòng không chính thức giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, được gọi là Bộ tứ, có thể là khởi đầu Liên minh kiểu NATO ở Châu Á.

Nguyễn Minh



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đến Nhật Bản củng cố liên kết Bộ Tứ để áp chế Trung Quốc