Ngoại trưởng Mỹ-Trung hội đàm về hòa bình trên eo biển Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 23/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp nhau bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York để thảo luận nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là hòa bình trên eo biển Đài Loan.

Kể từ tháng 8, quan hệ Mỹ -Trung ngày càng trở nên căng thẳng sau một loạt sự kiện, bao gồm chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan, tuyên bố rõ ràng của Tổng thống Biden trong việc bảo vệ Đài Loan cũng như động thái của Quốc hội Mỹ về việc thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan để tăng cường quan hệ Mỹ -Đài Loan.

Hai ngoại trưởng bắt tay bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm thứ Sáu, nhưng không trả lời các câu hỏi từ giới truyền thông khi họ ngồi xuống hội đàm.

Ông Blinken: Điều quan trọng là duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm 23/9 rằng, hai Ngoại trưởng đã thảo luận về "sự cần thiết trong việc duy trì các kênh liên lạc cởi mở và quản lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách có trách nhiệm, đặc biệt là trong thời điểm căng thẳng".

Tuyên bố cho biết: "Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, nhất quán với chính sách một Trung Quốc bấy lâu nay. Đây là chính sách có ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng chung".

Sau cuộc gặp, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên tờ Reuters rằng, hai Ngoại trưởng đã có cuộc gặp "thẳng thắn và trung thực" kéo dài 90 phút với trọng tâm là vấn đề Đài Loan.

"Ngoại trưởng Blinken đã nói rõ rằng chính sách một Trung Quốc lâu đời của Mỹ là không đổi, và việc duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan là cực kỳ quan trọng", quan chức này nói.

Người phát ngôn của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng là "một bước trong nỗ lực không ngừng của hai bên nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm".

Theo báo cáo về cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng do Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, công bố, ông Vương Nghị đã chỉ trích Mỹ về việc công khai tuyên bố sẽ bảo vệ Đài Loan và nói rằng, động thái này đã "gửi đi một tín hiệu sai lầm và nguy hiểm".

Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, do đó Mỹ không có quyền can thiệp.

Hai Ngoại trưởng bàn về vấn đề Ukraine

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken cũng lặp lại việc Mỹ lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh những hậu quả nếu Trung Quốc ủng hộ cuộc xâm lược của Moscow vào một quốc gia có chủ quyền.

Tuyên bố cho biết thêm, Ngoại trưởng Blinken khẳng định rằng "Mỹ vẫn sẵn sàng hợp tác ở những nơi mang lại lợi ích cho Mỹ ".

Báo cáo của Tân Hoa xã cũng đề cập rằng hai Ngoại trưởng đã trao đổi quan điểm về tình hình Ukraine. Cả hai bên đồng ý tiếp tục duy trì liên lạc.

Mỹ sẽ thảo luận về an ninh eo biển Đài Loan với Nhật Bản và Hàn Quốc

Phó Tổng thống Mỹ Harris sẽ thảo luận về an ninh Đài Loan trong các cuộc gặp song phương với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc vào tuần tới, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết hôm thứ Sáu.

Quan chức này cho biết: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng các đối tác và đây sẽ là cơ hội để Phó Tổng thống thảo luận về những phát triển gần đây, cũng như chặng đường phía trước với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hàn Quốc”.

Phó Tổng thống Harris sẽ gặp Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-wyeh, quan chức này cho biết. Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đang cảnh giác trước những căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.

Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng

Vài ngày trước cuộc hội đàm giữa hai Ngoại trưởng Blinken và Ngoại trưởng Vương Nghị, Tổng thống Joe Biden đã nói rõ trong một cuộc phỏng vấn với chương trình "60 Minutes" của đài CBS rằng, quân đội Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ tiến hành một cuộc xâm lược hòn đảo với quy mô chưa từng có. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối rằng những phát biểu trên đã gửi một "tín hiệu sai lầm nghiêm trọng" tới các lực lượng ly khai đòi độc lập ở Đài Loan.

Tờ Reuters cho biết nhận xét của ông Biden là ví dụ mới nhất về việc ông dường như phá vỡ chính sách "mơ hồ chiến lược" của Mỹ đối với Đài Loan. Mặc dù Nhà Trắng cho biết chính sách của họ đối với Đài Loan không thay đổi, nhưng bình luận của ông Biden cho đến nay là khẳng định rõ ràng nhất về việc Mỹ sẽ gửi quân đội đến bảo vệ Đài Loan.

Vào đầu tháng 8, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, ĐCSTQ đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở sáu vùng biển xung quanh Đài Loan, làm gia tăng căng thẳng trên eo biển Đài Loan và giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có tên "Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022" vào ngày 14/9. Dự luật sau đó sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua. Dự luật nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Đài Loan sự đối xử bình đẳng với "các đồng minh lớn không thuộc NATO" về viện trợ nước ngoài và các ưu đãi xuất khẩu vũ khí. Dự luật cũng cung cấp viện trợ quân sự miễn phí cho Đài Loan, với số tiền thêm 2 tỷ USD vào năm thứ năm.

Dự luật đề cập đến các biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc làm "leo thang một hành động xâm lược quy mô lớn chống lại Đài Loan, bao gồm các hoạt động quân sự công khai hoặc bí mật".

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với tờ Asia Society tại New York hôm thứ Năm (22/9) rằng, Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022 "về cơ bản" thách thức sự ổn định của quan hệ Trung-Mỹ. Vấn đề Đài Loan ngày càng trở thành nguy cơ lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, nếu không được xử lý hợp lý thì rất dễ xảy ra hậu quả.

Ông Robert Daly - giám đốc Viện Kissinger chuyên về Trung Quốc và Mỹ, đồng thời là cựu quan chức ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc, nói với tờ Nikkei Asia rằng, nếu "Đạo luật Chính sách Đài Loan 2022" cuối cùng trở thành luật, thì đó sẽ là chính sách chấm dứt chính sách "một Trung Quốc".

Ông Robert Daly nói: “Không rõ liệu Trung Quốc và Mỹ có thể tìm được cơ sở mới cho quan hệ ngoại giao bình thường hay không".

Với các vấn đề kinh tế cùng các vấn đề khác ở cả Mỹ và Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của cả hai bên đều không muốn nổ ra xung đột, nhưng đồng thời, họ cũng không muốn bị "lép vế", ông nhận định.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Mỹ-Trung hội đàm về hòa bình trên eo biển Đài Loan