Ngoại trưởng Nga Lavrov tái đảm bảo với Ai Cập về nguồn cung ngũ cốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 24/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trấn an Ai Cập về nguồn cung cấp ngũ cốc trong chuyến thăm tới Cairo, giữa lúc các bên lo ngại thỏa thuận nối lại xuất khẩu của Ukraine từ Biển Đen vẫn chưa chắc chắn. Hôm 25/7, Ngoại trưởng tiếp tục chặng thứ nhì của chuyến công du châu Phi nhằm tăng cường mối quan hệ của Moscow với lục địa này.

Ai Cập là một trong những nước nhập khẩu lúa mì hàng đầu thế giới. Năm ngoái, hoảng 80% lượng lúa mì nhập khẩu của nước này là đến từ Nga và Ukraine.

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine đã làm gián đoạn các chuyến hàng và đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng nhanh, gây ra một cú sốc tài chính đáng kể cho Ai Cập.

Trong tình hình đó, Ai Cập đã bị giằng xé giữa mối quan hệ lâu đời với Nga và mối quan hệ thân thiết với các cường quốc phương Tây.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov, các đại sứ quán phương Tây đã vận động Ai Cập và Liên đoàn Ả Rập ủng hộ quan điểm của họ trong việc phản đối Nga, bao gồm các cuộc hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và các đại diện của Liên đoàn Ả Rập.

Trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry, Ngoại trưởng Nga nói: "Chúng tôi tái khẳng định rằng các nhà xuất khẩu ngũ cốc Nga sẽ đáp ứng tất cả các cam kết của họ".

"Chúng tôi đã thảo luận về các thông số hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này, nhất trí về các cuộc làm việc giữa các bộ ngành liên quan và chúng tôi có hiểu biết chung về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngũ cốc hiện nay", ông Lavrov nói thêm.

Kể từ khi xung đột bắt đầu, một loạt các cảng của Ukraine đã bị phong tỏa, khiến hàng chục triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt, làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hôm 22/7, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc đã ký một thỏa thuận nhằm tái khởi động hoạt động xuất khẩu lúa mì của Ukraine bằng đường biển. Song một cuộc tấn công của Nga vào Odesa một ngày sau đó khiến các chuyên gia nghi ngờ khả năng thỏa thuận được thực thi.

Ngoại trưởng Nga thăm châu Phi để mở rộng vòng tròn đồng minh

Hôm 25/7, Ngoại trưởng Sergei Lavrov sang thăm Cộng hòa Congo, chặng thứ nhì của chuyến công du châu Phi nhằm tăng cường mối quan hệ của Moscow với lục địa không chịu cùng phương Tây lên án và chế tài cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.

Các nước châu Phi, vốn có mối quan hệ rối ren với phương Tây và Liên Xô cũ, phần lớn đã tránh đứng về phe nào trong cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều nước nhập khẩu ngũ cốc và năng lượng ngày càng nhiều của Nga, nhưng họ cũng mua ngũ cốc của Ukraine và hưởng lợi từ các dòng viện trợ và quan hệ thương mại của phương Tây.

Châu Phi cũng đang được phương Tây ‘tán tỉnh’. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sắp sang thăm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau. Đặc phái viên Hoa Kỳ về vùng Sừng châu Phi Mike Hammer đang trên đường đến Ai Cập và Ethiopia.

Ngoại trưởng Nga đã ghé Ai Cập và từ Congo sẽ sang Uganda, sau đó là Ethiopia, nơi các nhà ngoại giao của Liên hiệp châu Phi (AU) cho biết ông đã mời đại sứ từ một số quốc gia thành viên đến một cuộc họp riêng vào ngày 27/7, khiến các nhà tài trợ phương Tây lo lắng.

Hai nhà ngoại giao của AU giấu tên cho biết cuộc gặp được lên kế hoạch trùng với chuyến thăm của ông Hammer, đã gây ra xích mích giữa các nhà tài trợ phương Tây vì nó báo hiệu một sự xoay trục về phía Nga.

Phát ngôn viên của AU và của Bộ Ngoại giao Ethiopia không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong một chuyên mục đăng trên các tờ báo ở bốn quốc gia ghé thăm, ông Lavrov đã ca ngợi châu Phi vì đã chống lại cái mà ông gọi là những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt trật tự thế giới đơn cực.

“Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân nhắc của châu Phi đối với tình hình trong và xung quanh Ukraine”, ông viết trong chuyên mục và nói thêm rằng các nước châu Phi đã phải chịu áp lực “chưa từng có” của phương Tây để tham gia các lệnh trừng phạt.

'Phần đa ủng hộ lập trường của Nga ở Ukraine'

Tại Cộng hòa Congo, một cựu thuộc địa nhỏ của Pháp sản xuất dầu nằm ở phía bắc nước Cộng hòa Dân chủ Congo lớn hơn nhiều, ông Lavrov đã đến thăm Tổng thống Denis Sassou Nguesso.

Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Ngoại trưởng Lavrov cho biết đây là chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Nga hoặc Ngoại trưởng Liên Xô tới nước này. Bà cho biết mối quan hệ thân thiện có từ thời Liên Xô và 8.000 công dân Congo đã từng học tập ở Nga.

Sau đó, ông Lavrov dự kiến sẽ đến Uganda. Tổng thống Uganda, Yoweri Museveni, là người có lịch sử lâu dài trong việc cân bằng các mối quan hệ bền chặt với các đồng minh phương Tây và các mối quan hệ hữu hảo với Moscow.

Bà Sarah Bireete, người đứng đầu nhóm vận động có trụ sở tại Kampala, Trung tâm Quản trị Hiến pháp, cho biết ông Museveni, người đã nắm quyền 36 năm, ngày càng quan tâm đến Nga vì Moscow không chất vấn thành tích của chính phủ của ông.

“Uganda có liên minh mạnh mẽ với phương Tây nhưng họ đang bắt đầu nghi ngờ về thành tích dân chủ của ông, vì vậy ông Museveni hiện đang quay sang Nga, nơi không truy vấn nhân quyền hoặc thành tích dân chủ của ông”, bà nói.

Con trai của ông Museveni, Muhoozi Kainerugaba, một tướng quân đội được coi là chuẩn bị kế vị cha mình, đã ca ngợi Nga trên mạng xã hội ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh đưa lực lượng vào Ukraine ngày 24/2.

“Phần lớn nhân loại (không phải là người da trắng) ủng hộ lập trường của Nga ở Ukraine. Ông Putin hoàn toàn đúng", ông viết.

Đài truyền hình nhà nước của Uganda cho biết họ sẽ tiếp vận tin tức từ kênh RT do nhà nước Nga hậu thuẫn, theo một biên bản ghi nhớ mới được ký với Moscow.

Uganda nằm trong số một số quốc gia ở Đông Phi đang bị thiếu lương thực do đợt hạn hán tồi tệ nhất trong khu vực trong 40 năm, cộng với lạm phát tăng cao do cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra.

Các cường quốc phương Tây quy trách nhiệm cho Nga gây ra cuộc khủng hoảng này và tuần trước Hoa Kỳ đã công bố một gói 1,3 tỷ đô la để giúp giải quyết nạn đói trong khu vực. Nga đổ lỗi các lệnh trừng phạt của phương Tây gây khó khăn cho việc cung cấp ngũ cốc.

Chiến sự tiếp tục leo thang

Trên tiền tuyến, quân đội Ukraine báo cáo rằng các cuộc pháo kích của Nga tràn lan ở miền đông trong đêm và cho biết quân đội Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Bakhmut, một thành phố trong khu vực công nghiệp Donbas.

Với vũ khí phương Tây đang thúc đẩy phía Ukraine, quân Nga đang có những bước tiến chậm nhưng họ được cho là đang sẵn sàng cho một nỗ lực mới ở phía đông.

Ukraine ngày 25/7 nói các lực lượng của họ đã sử dụng hệ thống rốc-két HIMARS do Mỹ cung cấp để phá hủy 50 kho đạn của Nga kể từ khi nhận vũ khí vào tháng trước.

Bộ Quốc phòng Nga thì nói rằng lực lượng của họ đã phá hủy một kho đạn cho các hệ thống HIMARS.

Reuters không thể kiểm chứng độc lập tuyên bố của cả hai phía.

Ukraine: Điện Kremlin đang tiến hành cuộc 'chiến tranh khí đốt'

Nga sẽ cắt giảm hơn nữa nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu, một đòn giáng mạnh vào các quốc gia ủng hộ Kyiv trong lúc có hy vọng hôm 25/7 rằng xuất khẩu ngũ cốc bị chặn của Ukraine sẽ tái tục trong tuần này.

Bất chấp một cuộc không kích vào cuối tuần, những con tàu đầu tiên từ các cảng Biển Đen của Ukraine có thể ra khơi trong vài ngày tới theo thỏa thuận được đồng ý vào ngày 22/7, Liên Hiệp Quốc cho biết. Điều này sẽ giúp xoa dịu một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế, mặc dù sự ngờ vực và nguy cơ tiềm ẩn vẫn còn.

Chi phí năng lượng tăng vọt và nỗi lo về nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai, hiện đã bước sang tháng thứ sáu, chưa có giải pháp nào trong tầm mắt và đang có tác động vượt ra ngoài biên giới Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng đã cảnh báo phương Tây rằng các chế tài có nguy cơ gây ra đợt tăng giá năng lượng lớn trên toàn cầu.

Ngày 25/7, tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, trích hướng dẫn từ một cơ quan giám sát cho biết dòng khí đốt đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống còn 33 triệu mét khối mỗi ngày kể từ ngày 27/7.

Đó là phân nửa dòng chảy hiện tại, vốn đã chỉ bằng 40% công suất bình thường. Trước chiến tranh, châu Âu nhập khẩu khoảng 40% khí đốt và 30% dầu từ Nga.

Điện Kremlin nói vụ gián đoạn khí đốt là kết quả của các vấn đề bảo trì và các chế tài của phương Tây, trong khi Liên hiệp châu Âu cáo buộc Nga sử dụng biện pháp tống tiền năng lượng.

Đức cho biết họ không thấy có lý do kỹ thuật nào cho đợt giảm nguồn cung mới nhất.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cảnh báo rằng Điện Kremlin đang tiến hành một cuộc “chiến tranh khí đốt” chống lại một châu Âu thống nhất

Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt khí đốt vào mùa đông này, một bước đi có thể đẩy Đức vào suy thoái và dẫn đến giá cả tăng vọt đối với người tiêu dùng vốn đã phải đối mặt với chi phí năng lượng cao.

Trong khi đó Moscow vẫn một mực nói rằng họ không nghĩ tới chuyện ngưng hẳn hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu.

Lam Giang



BÀI CHỌN LỌC

Ngoại trưởng Nga Lavrov tái đảm bảo với Ai Cập về nguồn cung ngũ cốc